Fed vẫn muốn nâng lãi suất dù Mỹ có nguy cơ suy thoái nhẹ
Các quan chức Fed dường như vẫn muốn nâng lãi suất tại cuộc họp tháng tới, bất chấp những lời cảnh báo suy thoái từ các cố vấn.
Biên bản họp tháng 3/2023 cho thấy các quan chức đã hạ kỳ vọng về mức đỉnh lãi suất sau nhiều vụ sụp đổ của ngân hàng. Dù vậy, các quan chức vẫn nâng lãi suất 25 điểm cơ bản lên 4.75%-5% như một nỗ lực cân bằng giữa rủi ro khủng hoảng tín dụng và dữ liệu lạm phát còn quá cao.
Họ vẫn nâng lãi suất ngay cả khi nhận được dự báo kinh tế Mỹ sẽ suy thoái nhẹ trong năm nay. Các quan chức Fed dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 chỉ đạt 0.4%. Dữ liệu của Fed Atlanta cho thấy kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 2.2% trong quý đầu tiên. Như vậy, nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ suy yếu vào cuối năm nay và thu hẹp mức tăng cả năm.
Các quan chức Fed nhận định rằng “diễn biến gần đây trong lĩnh vực ngân hàng có thể dẫn tới sự thắt chặt điều kiện tín dụng với các hộ gia đình và doanh nghiệp, đồng thời gây áp lực lên hoạt động kinh tế, tuyển dụng và lạm phát”, trích từ biên bản họp. Dù vậy, họ vẫn chưa biết mức độ tác động là bao nhiêu.
“Trong bối cảnh đó, các thành viên tiếp tục chú ý cao độ tới rủi ro lạm phát”.
Trước đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hạ nhiệt tháng 3/2023, nhưng có thể không đủ để ngăn Fed nâng lãi suất trong tháng 5/2023.
Các chuyên gia kinh tế dự báo kịch bản khả dĩ nhất là Fed nâng 25 điểm cơ bản trong tháng 5/2023, sau đó sẽ tạm ngưng trong một giai đoạn. Tuy nhiên, lời lẽ trong biên bản họp, cùng với các nhận định đầy mâu thuẫn giữa các quan chức Fed cho thấy lộ trình lãi suất vẫn chưa quá rõ ràng.
Trong dự báo đưa ra hồi tháng 3/2023, hầu hết quan chức Fed dự báo lãi suất sẽ chạm 5.1% trong năm nay, tức sẽ có thêm 1 đợt nâng 25 điểm cơ bản trogn tháng 5/2023.
Ngày 12/04, John Williams, Chủ tịch Fed New York và Phó Chủ tịch FOMC, cho biết khả năng tạm ngưng sau một đợt nâng lãi suất nữa là điều cần bàn luận thêm tại cuộc họp tháng 5/2023.
Ông cũng nhấn mạnh giai đoạn tệ nhất của cuộc khủng hoảng ngân hàng có lẽ đã qua và vẫn chưa có tín hiệu về một cuộc khủng hoảng tín dụng rộng hơn. Một số nhà hoạch định chính sách cho rằng việc tín dụng bị thắt chặt có thể kìm hãm tăng trưởng và giá cả, nhưng mức độ tác động vẫn chưa quá rõ ràng.
Những đợt thắt chặt tín dụng
“Dường như Fed có thể nâng lãi suất trong tháng 5/2023 và tận dụng sự chậm lại của nền kinh tế để kéo giảm lạm phát”, Derek Tang, Chuyên gia kinh tế tại LH Meyer/Monetary Policy Analytics ở Washington, nhận định.
Tuy nhiên, trong quá khứ, sự suy giảm tín dụng thường diễn ra khá hỗn loạn và không dự báo được. Ông Tang cảnh báo sẽ rất rủi ro khi hy vọng rằng đợt thắt chặt tín dụng sẽ diễn ra có trật tự và từ đó kìm hãm lạm phát. “Những yếu tố này không ngừng lại khi bạn muốn và không nằm trong sự kiểm soát của ai cả”, ông nói thêm.
Hiện các trader dự báo Fed sẽ đảo chiều chính sách và cắt giảm lãi suất trong 6 tháng cuối năm.
Ngày 12/04, Mary Daly, Chủ tịch Fed San Francisco, cho biết lạm phát có lẽ đã hạ nhiệt đủ và không cần nâng lãi suất thêm. Trước đó, Chủ tịch Fed Chicago Austan Goolsbee cũng kêu gọi các thành viên hãy cẩn trọng và kiên nhẫn về chính sách tiền tệ.
Các quan chức Fed nhấn mạnh cần phải có “sự linh hoạt và khả năng chọn lựa” trong bối cảnh đầy bất ổn hiện tại, trích từ biên bản họp.
“Trong bối cảnh quá nhiều bất ổn và các thành viên nhấn mạnh tới tính ‘linh hoạt’, biên bản họp tháng 3 chưa có tín hiệu gì rõ ràng về lộ trình chính sách sắp tới”, Stephen Stanley, Chuyên gia kinh tế Mỹ tại Santander US Capital Markets ở New York, cho hay.
Lạm phát Mỹ tăng 5% trong tháng 3, yếu hơn dự báo
Tháng 3/2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0.1% so với tháng trước và tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, các chuyên gia kỳ vọng CPI tăng 0.2% so với tháng trước và 5.1% so với cùng kỳ.
Loại trừ giá thực phẩm và năng lượng, CPI lõi tăng 0.4% so với tháng trước và 5.6% so với cùng kỳ, đều khớp với dự báo.
Dù rằng lạm phát vẫn còn cao hơn nhiều so với mục tiêu của Fed, nhưng cũng là dấu hiệu lạm phát đang hạ nhiệt.
Đà giảm 3.5% của giá năng lượng và chi phí thực phẩm gần như đi ngang đã góp phần khiến lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt. Giá thực phẩm tại nhà giảm 0.3%, lần giảm đầu tiên kể từ tháng 9/2020, nhưng vẫn cao hơn 8.4% so với cùng kỳ. Giá trứng giảm 10.9% so với tháng trước, nhưng vẫn còn tăng 36% nếu so với cùng kỳ.
Trong khi đó, chi phí nhà ở tăng 0.6% so với tháng trước, đây là mức tăng hàng tháng thấp nhất kể từ tháng 11/2022. Tuy vậy, nếu so với cùng kỳ, chi phí này tăng 8.2%. Chi phí nhà ở chiếm 1/3 tỷ trọng trong CPI và được các quan chức Fed theo dõi sát sao.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận