menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thạch Thảo

Fed làm rung chuyển thị trường

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã làm rung chuyển thị trường bằng một giọng điệu “diều hâu”, khiến giá cổ phiếu và dầu thô giảm. Việc mất mạng Internet đang gây ra nhiều gián đoạn, trong khi dữ liệu thất nghiệp của Hoa Kỳ sẽ được theo dõi chặt chẽ. Đây là diễn biến của thị trường vào thứ Năm, ngày 17 tháng 6.

1. Fed mang giọng điệu diều hâu

Fed đã cắt ngang cuộc tranh cãi xuyên suốt mùa hè trên thị trường bằng việc báo hiệu vào thứ Tư rằng hai đợt tăng lãi suất có thể sẽ xảy ra vào cuối năm 2023, sớm hơn một năm so với dự kiến.

Ngân hàng trung ương đã kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày và tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất cũng như lượng trái phiếu mua vào hàng tháng như các dự kiến trên thị trường, nhưng các dự báo mới cho thấy có 11 trong số 18 quan chức ngân hàng trung ương chỉ ra hai lần tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào năm 2023. Điều này thể hiện sự thay đổi đột ngột trong suy nghĩ của các quan chức, khi tất cả các quan chức trong cuộc họp trước đều không cho rằng lãi suất sẽ tăng vào 2023.

Vào lúc 6:30 sáng ET (1030 GMT), đồng đô la đã tăng lên mức chưa từng thấy trong khoảng hai tháng, với chỉ số đô la tăng 0.5% trong ngày lên mức 91.642, trong khi lợi suất trái phiếu 10 năm của Hoa Kỳ tăng từ mức 1.482% vào thứ Tư lên 1.56%, dù trước đó đã chạm mức 1.59% trong ngày. 1.59% cũng là mức lợi suất cao nhất kể từ tháng 3 đến nay.

Fed trích dẫn triển vọng kinh tế được cải thiện cho lập trường thay đổi này, với tăng trưởng kinh tế dự kiến ​​đạt 7% trong năm nay, bên cạnh việc đại dịch Covid-19 kéo dài 15 tháng không còn là một hạn chế lớn đối với nền kinh tế Hoa Kỳ.

Với lạm phát tăng nhanh hơn dự kiến ​​và nền kinh tế phục hồi tại Mỹ, thị trường đã mong đợi các quan chức ngân hàng trung ương bắt đầu thảo luận xem liệu có cần một lịch trình để kiểm soát chương trình mua trái phiếu khổng lồ hay không.

Tuy nhiên, lập trường diều hâu này của Fed “gợi ý rằng các cuộc thảo luận về việc cắt giảm chính sách nới lỏng có thể bắt đầu sớm hơn một chút so với dự kiến và cũng sẽ có kết quả sớm hơn”, các nhà phân tích tại ING cho biết trong một lưu ý. “Điều này có nghĩa là mọi sự tập trung sẽ đổ dồn vào hội nghị Jackson Hole vào cuối tháng 8 do đây có thể là ngày mà Fed chính thức thừa nhận sự cần thiết của việc cắt giảm nới lỏng.”

2. Chứng khoán giảm điểm sau khi Fed cập nhật

Chứng khoán Mỹ khả năng sẽ giảm điểm vào giờ mở cửa phiên thứ Năm, sau khi sự thay đổi đột ngột của Fed khiến thị trường bất ngờ.

Đến 6:25 AM ET, Dow Jones tương lai giảm 115 điểm, tương đương 0.3%, S&P 500 tương lai giảm 0.4% và Nasdaq 100 tương lai giảm 0.5%.

Thị trường giảm điểm vào thứ Năm sẽ tiếp tục đà giảm có từ phiên trước đó, khi chỉ số S&P 500 đóng cửa giảm 0.5%, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 0.8% và chỉ số tổng hợp Nasdaq giảm 0.2%.

Các chỉ số chính của Phố Wall đã tăng trở lại mạnh mẽ sau đợt giảm điểm mạnh xuất hiện khi bắt đầu đại dịch, với cả ba chỉ số đều tăng hơn 30% so với năm ngoái và gần sát mức kỷ lục, được hỗ trợ một phần không nhỏ bởi các chính sách nới lỏng của các nhà chức trách Hoa Kỳ.

Trong mục tin tức doanh nghiệp, Anh và Mỹ đã đồng ý thỏa thuận giải quyết tranh chấp thương mại liên quan đến Airbus (PA:AIR) và Boeing (NYSE:BA) hôm thứ Năm, thỏa thuận được đưa ra ngay sau khi Liên minh châu Âu và Mỹ giảng hòa sau gần 17 năm xung đột về vấn đề trợ cấp cho hai nhà sản xuất máy bay.

Về báo cáo thu nhập, các nhà đầu tư sẽ xem xét các số liệu từ công ty phần mềm máy tính Adobe (NASDAQ:ADBE) và nhà bán lẻ thực phẩm Kroger (NYSE:KR), cùng một số công ty khác.

3. Dữ liệu thất nghiệp của Hoa Kỳ

Một trong những yếu tố góp phần khiến giọng điệu của Fed trở nên diều hâu hơn là kỳ vọng số lượng việc làm mới sẽ tăng mạnh trong những tháng hè.

Thị trường sẽ có dữ liệu thị trường lao động sau cuộc họp của Fed vào cuối ngày thứ Năm, với số liệu về đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần, vào lúc 8:30 sáng ET (1230 GMT).

Số lượng người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở Hoa Kỳ dự kiến sẽ giảm xuống còn 359,000 trong tuần kết thúc vào ngày 5 tháng 6,con số thấp nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu, đồng thời đánh bại mức 376,000 trong tuần trước đó.

Đơn xin tiếp tục trợ cấp thất nghiệp, thước đo về số người đã nhận trợ cấp thất nghiệp trong một thời gian, dự kiến ​​sẽ giảm xuống còn 3.430 triệu trong tuần kết thúc vào ngày 12 tháng 6, từ mức 3.499 triệu người một tuần trước đó.

Theo dữ liệu từ Bộ Lao động hồi đầu tháng, bảng lương phi nông nghiệp của Hoa Kỳ được nhiều người chú ý đã tăng lên 559,000 trong tháng 5, thấp hơn mức dự kiến là 650,000.

Mặc dù con số này vẫn cho thấy sự tăng trưởng lành mạnh, nhưng thị trường có thể sẽ muốn thấy số liệu này tăng lên trong vài tháng xét đến niềm tin vững vàng của các thành viên FOMC.

4. Lo lắng về an ninh mạng

Những ngày này, tình trạng mất mạng trên diện rộng đang trở nên phổ biến.

Trước đó, hôm thứ Năm, ngân hàng trung ương của Úc, dịch vụ bưu chính và một số ngân hàng khác đã bị ảnh hưởng bởi sự cố mất mạng, làm gián đoạn dịch vụ khách hàng và các giao dịch tài chính.

Ngân hàng Dự trữ Úc đã buộc phải hủy bỏ hoạt động mua trái phiếu chính phủ lâu năm vì những khó khăn kỹ thuật liên quan.

Ngoài ra, trang web của các hãng hàng không lớn nhất Hoa Kỳ, American Airlines (NASDAQ:AAL), Southwest Airlines (NYSE:LUV) và United Airlines (NASDAQ:UAL) đã bị gián đoạn vào đầu ngày thứ Năm, theo website chuyên theo dõi tình trạng hoạt động của các dịch vụ Internet phổ biến trên thế giới Downdetector.

Hiện vẫn chưa rõ liệu hai sự kiện này có sự liên kết với nhau hay không. Sự cố ngừng hoạt động của một số trang web lớn trong tuần trước, bao gồm trang web của chính phủ Vương quốc Anh và nhiều hãng thông tấn lớn, được cho là bắt nguồn từ sự cố tại nhà cung cấp dịch vụ máy chủ Fastly (NYSE:FSLY).

Một trong những chủ đề mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thảo luận với người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại cuộc họp của họ ở Geneva hôm thứ Tư chính là an ninh mạng.

Điều này xảy ra sau một loạt các cuộc tấn công ransomware gần đây, có liên quan đến một nhóm tin tặc có trụ sở tại Nga, trong đó có một sự cố vào tháng 5 làm đóng cửa một đường ống cung cấp nhiên liệu cho phần lớn Bờ Đông Hoa Kỳ.

5. Dầu thô giảm giá khi đồng đô la mạnh lên

Giá dầu thô giảm vào hôm thứ Năm từ mức cao nhất trong nhiều năm do đồng đô la mạnh hơn sau cuộc họp của Fed.

Đến 6:25 AM ET, dầu thô của Mỹ giảm 0.1% xuống 71.10 USD/thùng sau khi đạt mức cao nhất kể từ tháng 10/2018 vào phiên trước đó, trong khi dầu Brent giảm 0.1% xuống còn 73.24 USD từ mức cao nhất kể từ tháng 4/2019.

Thị trường dầu thô đã tăng mạnh trong năm nay, ghi nhận mức tăng hơn 40% nhờ nhu cầu phục hồi sau đại dịch Covid-19, sau khi các chương trình tiêm chủng thành công đã cho phép các nền kinh tế lớn trên toàn cầu mở cửa trở lại.

Đồng đô la Mỹ bị yếu đi khi Fed triển khai các chính sách tiền tệ nới lỏng trong một thời gian dài đã giúp thị trường dầu. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi vào thứ Tư khi đồng bạc xanh ghi nhận mức tăng trong ngày lớn nhất trong 15 tháng.

Đồng đô la mạnh hơn khiến giá dầu được tính bằng đô la đắt hơn đối với các loại tiền tệ khác, điều này có khả năng ảnh hưởng đến nhu cầu.

Cùng với đó, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê-út, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman đã đưa ra bình luận tại một hội nghị hôm thứ Tư về việc thị trường dầu “vẫn chưa hồi phục trở lại”, và cách tiếp cận chắc chắn từ nhóm các nhà sản xuất hàng đầu trong việc bổ sung nguồn cung dầu đã được đền đáp.

Tuy nhiên, giá dầu chỉ giảm nhẹ vào thứ Năm nếu so với mức tăng gần đây, vì nhu cầu đã tăng lên rõ ràng.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng, dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm mạnh trong tuần trước, với mức giảm 7.355 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 11/6, khi các nhà máy lọc dầu đẩy mạnh công suất lên mức cao nhất kể từ tháng 1/2020.

Ngoài ra, tỷ lệ tinh chế sản phẩm hàng ngày ở Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, đã tăng lên mức cao kỷ lục là 4.4% trong tháng 5 so với cùng thời điểm năm 2020.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại