Fed giảm lãi suất ảnh hưởng đến ai?
Các chuyên gia cho rằng động thái hạ lãi suất của Fed sau 4 năm sẽ giúp dòng vốn chảy vào kênh tài sản rủi ro hơn và đưa kênh đầu tư như chứng khoán, tiền mã hóa sôi động trở lại.
Rạng sáng 19/9 (giờ Việt Nam), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã có lần giảm lãi suất đầu tiên sau 4 năm với mức giảm 0,5 điểm %. Trước đó, lãi suất tại Mỹ đã được neo ở mức cao nhất trong vòng 23 năm.
Kịch bản Fed hạ lãi suất với biên độ 0,5 điểm % đã được dự báo từ trước. Tuy nhiên, động thái mạnh tay của cơ quan điều hành vẫn khiến giới phân tích cùng các nhà đầu tư bất ngờ.
“Quyết định mới nhất của FOMC là một bất ngờ so với dự báo của chúng tôi về kịch bản cắt giảm lãi suất 0,25 điểm % trong bối cảnh kinh tế vẫn khá ổn định và lạm phát đang hạ nhiệt”, ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu từ Ngân hàng UOB (Singapore), nhận định.
Trái với dự đoán
Sau cuộc họp vừa rồi, các chuyên gia UOB kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục chu kỳ cắt giảm lãi suất trong các cuộc họp còn lại của năm 2024 thêm 50 điểm cơ bản (tức 2 lần cắt giảm 25 điểm cơ bản, vào ngày 24/11 và 24/12).
Bên cạnh đó, UOB cũng duy trì dự báo Fed cắt giảm 100 điểm cơ bản vào năm 2025 (cắt giảm 25 điểm/quý).
“Chúng tôi cũng lưu ý đến hướng dẫn của ông Powell rằng các dự báo của Fed mặc dù không phải là một kế hoạch chắc chắn, nhưng vẫn cung cấp một điểm khởi đầu tốt cho các nhà hoạch định chính sách nhìn nhận những gì đang diễn ra ở hiện tại”, ông Suan cho biết.
Ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu từ Ngân hàng UOB (Singapore).
Điểm khác biệt trong dự báo của UOB so với Fed là mức lãi suất cuối cùng là 3,25%, dự kiến đạt được vào đầu năm 2026, so với quan điểm dài hạn của Fed là 2,9%.
Theo các chuyên gia, Fed đã nâng mức trung vị trong dài hạn của lãi suất mục tiêu (FFTR) trong hai biểu đồ chấm (Dot-plot) gần đây nhất. Vì vậy, sẽ không ngạc nhiên khi lãi suất mục tiêu dài hạn được nâng lên mức 3% trong các báo cáo tiếp theo và có khả năng hội tụ về mức dự báo lãi suất cuối cùng của UOB.
Về thị trường Việt Nam, ông Suan Teck Kin tin rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức 4,5% hiện tại trong khi tập trung vào việc tạo điều kiện cho tăng trưởng tín dụng và các biện pháp hỗ trợ khác.
Tuy nhiên, động thái cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản của Fed có thể làm tăng khả năng và áp lực đối với NHNN để xem xét nới lỏng chính sách một cách tương tự.
“Chúng tôi vẫn kỳ vọng NHNN duy trì lãi suất chính sách chủ chốt trong phần còn lại của năm 2024 vì vẫn để mắt đến những rủi ro về lạm phát”, chuyên gia UOB chia sẻ.
Vì sao phải là 0,5 điểm %?
Ông Trần Duy Khánh, chuyên gia phân tích, giảng viên Học viện New World Education, cho biết trước ngày Fed thông báo, giới đầu tư đã phân vân giữa 2 kịch bản cắt giảm 0,25 điểm % (tỷ lệ 31%) và 0,5 điểm % (tỷ lệ 69%).
“Fed tuyên bố kinh tế Mỹ vẫn ổn định và phủ nhận lo ngại suy thoái nhưng vẫn giảm lãi suất mức 0,5 điểm % nhằm đưa chi phí đi vay trở lại mức bình thường nhanh hơn, loại bỏ sự hạn chế đối với nền kinh tế và bảo vệ thị trường lao động khỏi rủi ro suy yếu”, vị chuyên gia nhận định.
Theo ông Khánh, có thể thấy rõ Fed đang chuyển trọng tâm từ lạm phát sang thị trường lao động. Trong bài phát biểu tại Jackson Hole vào tháng trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng khẳng định việc thị trường lao động tiếp tục suy yếu là điều không ai mong muốn.
Trước đợt giảm lãi suất vừa qua, Fed đã neo lãi suất ở mức cao nhất 23 năm qua.
Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Hưng, chuyên gia phân tích từ New World Education cho rằng các dữ liệu vĩ mô của nền kinh tế Mỹ củng cố quan điểm tự tin của Fed trong việc đưa lạm phát về mục tiêu 2%. Mục tiêu mới sau khi kiểm soát được lạm phát sẽ là tăng trưởng kinh tế.
“Để đạt được mục tiêu mới này, Fed cần giảm lãi suất để nền kinh tế tăng trưởng, tránh nguy cơ suy thoái về mặt kỹ thuật”, ông Hưng nhận định.
Một số chỉ báo kinh tế cho thấy nguy cơ Mỹ suy thoái có thể xảy ra nếu như Fed vẫn cứng nhắc trong việc giữ lãi suất ở mức cao. Mặt khác, thị trường cũng không hài lòng nếu như cơ quan này chỉ cắt giảm lãi suất ở mức nhỏ hoặc không cắt giảm.
Vì vậy, việc Fed hạ lãi suất 0,5 điểm % là một tín hiệu làm hài lòng thị trường, đồng thời giúp tâm lý thị trường chung không bị xáo trộn mạnh.
Thực tế, Fed là một trong số ngân hàng trung ương duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ lâu nhất trên thế giới trong khi các ngân hàng trung ương khác tại châu Âu (ECB), Anh (BOE), Canada (BOC) đã giảm lãi suất hoặc duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ như Trung Quốc (PBoC). Động thái giảm 0,5 điểm % cho thấy xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ đang diễn ra trên nhiều quốc gia và Mỹ cũng không ngoại lệ.
Chứng khoán, Bitcoin ra sao?
Theo ông Nguyễn Việt Hưng, quyết định cắt giảm lãi suất từ Fed sẽ ảnh hưởng đến nhiều tài sản, đặc biệt là các tài sản rủi ro hoặc có tính biến động cao. Trong đó, cổ phiếu, tiền mã hóa sẽ bị tác động ngay lập tức.
Bên cạnh đó, giá vàng cũng có xu hướng tăng lên khi mức độ hấp dẫn của đồng USD giảm đi. Sự điều chỉnh có thể diễn ra mạnh hơn nhưng khó làm thay đổi xu hướng tăng giá dài hạn.
Ông Hưng cho rằng việc chứng khoán Mỹ, giá vàng giảm so với trước thời điểm Fed công bố lãi suất chủ yếu do kỳ vọng cắt giảm lãi suất đã phản ánh vào giá trong giai đoạn trước đó. Điển hình như Dow Jones đã tăng gần 14% tính từ đầu năm và gần 9% tính từ đầu tháng 8.
Mặt khác, việc công bố thông tin cắt giảm lãi suất cũng có thể kích hoạt cơ chế chốt lời ở một số nhóm nhà đầu tư.
Dự báo, thị trường tài chính bước vào giai đoạn lãi suất giảm dần và có thể duy trì ở mức thấp một thời gian. Theo đó, dòng vốn sẽ chảy vào kênh tài sản rủi ro hơn và đưa thị trường chứng khoán thế giới sôi động trở lại.
Dù vậy, một số rủi ro tiềm ẩn với nền kinh tế thế giới cũng như thị trường tài chính toàn cầu vẫn nên được chú ý tới như xung đột địa chính trị, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung…
Đối với thị trường Việt Nam, việc Fed cắt giảm lãi suất làm tâm lý nhà đầu tư trong nước được cải thiện.
Quan trọng hơn, động thái của Fed sẽ làm hạ nhiệt tỷ giá, tạo điều kiện giảm bớt đà bán ròng của khối ngoại trên thị trường. Đồng thời, NHNN có thể mua USD trên thị trường, gián tiếp đẩy tiền Đồng ra làm thanh khoản hệ thống dồi dào hơn, ủng hộ cho xu hướng tăng giá trong dài hạn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận