Fed có thể tăng mạnh lãi suất, tác động ra sao tới giảm lãi suất trong nước?
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang hướng đến mục tiêu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, việc Fed phát đi thông điệp lãi suất có thể tăng mạnh trong đợt điều hành tới đây liệu có trở thành “chướng ngại vật” trong quá trình thực hiện mục tiêu của nhà điều hành?
Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho rằng, lạm phát Mỹ đã tăng tốc trở lại, khiến họ có thể phải thắt chặt tiền tệ hơn nữa. Điều này có thể buộc Fed phải áp dụng chính sách lãi suất mạnh tay hơn. "Nếu các dữ liệu chỉ ra rằng cần phải thắt chặt nhanh hơn, thì chúng tôi sẽ sẵn sàng tăng tốc độ tăng lãi suất", ông Jerome Powell nhấn mạnh.
"Cản đường" giảm lãi suất
Hiện nay, sau đợt cao điểm tăng lãi suất năm 2022, đến đầu năm 2023 mặt bằng lãi suất huy động tại các ngân hàng bắt đầu giảm từ 0,5 – 1%, thậm chí một số ngân hàng giảm tới 1,5%. Nguyên nhân do chủ trương định hướng điều hành của NHNN cố gắng giảm mặt bằng lãi suất huy động để giảm mặt bằng lãi vay nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp và chủ thể của nền kinh tế.
Theo khảo sát của VnBusiness với các ngân hàng, mức lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 - 12 tháng, chủ yếu dao động từ 6,5 - 9,6%/năm, tức đã giảm từ 1,5 - 2% so với giai đoạn cao điểm trước Tết Nguyên đán.
Riêng với kỳ hạn từ 12 - 36 tháng, lãi suất trong khoảng từ 6,2 - 9,5%/năm. Mức lãi suất trên 9% chỉ có ở một vài ngân hàng nhỏ. Riêng với khối ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, mức lãi tiền gửi cao nhất chỉ xoay quanh 7,4%/năm. Cùng với việc giảm lãi suất huy động, nhiều ngân hàng cũng đã bắt đầu giảm lãi suất cho vay.
Tuy nhiên, trước việc Fed phát đi thông điệp trong đợt điều hành lãi suất tới đây có thể tăng mạnh lãi suất, nhiều ý kiến cho rằng, điều này sẽ tạo áp lực lên tỷ giá USD/VND, theo đó sẽ "cản đường" giảm lãi suất – mục tiêu mà nhà quản lý tiền tệ đang hướng đến.
Một chuyên gia đến từ WiGroup thừa nhận, thông điệp cứng rắn của Fed trong điều hành lãi suất có thể nhanh chóng gây áp lực lên tỷ giá USD/VND trong nước. Vị này cũng nhấn mạnh: "Việt Nam không thể độc lập chính sách tiền tệ với Fed. Chúng ta vẫn phải tiếp tục chính sách thắt chặt hoặc nới lỏng theo Fed để kiểm soát tỷ giá. Tuy nhiên, với diễn biến hiện nay, áp lực tỷ giá là chưa quá căng thẳng để NHNN phải có những hành động mạnh tay hơn lúc này".
Nhà quản lý cần điều hành ra sao?
Trao đổi với VnBusiness, bà Phạm Thị Hoàng Anh, Phó giám đốc Học viện Ngân hàng cho rằng, khi Fed tăng lãi suất sẽ gây áp lực mặt bằng lãi suất trong nước, bởi lẽ NHNN phải tạo ra chênh lệch lãi suất đủ lớn giữa tài sản ngoại tệ và nội tệ tránh gây áp lực tới tỷ giá USD/VND.
“Trong điều hành tỷ giá NHNN phải cân đối hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá đảm bảo tránh gây áp lực tới tỷ giá nhưng cũng không làm tăng lãi suất gây áp lực cho doanh nghiệp. Vấn đề này cũng đc NHNN điều hành, giải bài toán này khá tốt trong năm 2022 và tôi kỳ vọng năm 2023 với định hướng điều hành linh hoạt, NHNN sẽ điều hành hợp lý”, bà Hoàng Anh cho hay.
Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng, Fed tăng lãi suất mạnh hơn dự kiến trước đó sẽ "tác động không lớn" tới điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, thị trường ngoại hối đang thuận lợi để cơ quan quản lý điều hành tỷ giá đó là tỷ giá trong nước ổn định, các giao dịch trên thị trường ngoại tệ thông suốt. “Hiện nay VND chỉ mất giá 0,6% so với cuối năm 2022, đây là mức mất giá thấp so với các đồng tiền trong khu vực. Thậm chí, có tháng tỷ giá còn giảm. Mặt khác, Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách theo dõi thao túng tiền tệ. Vì vậy, việc điều hành chính sách tiền tệ trong năm nay "đỡ" áp lực hơn, mang tính độc lập và chủ động hơn”, ông Thịnh nói.
Hơn nữa, mặc dù có khả năng Fed đẩy mạnh mức độ tăng lãi suất trong năm 2023, song số lần tăng và mức độ tăng cũng thấp so với năm 2022.
Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào USD Index. Fed tăng lãi suất lên, song hiện tại chỉ số USD Index đang trong xu hướng giảm. So với đỉnh ghi nhận vào năm ngoái, chỉ số USD Index đã giảm khoảng 8,7%, từ 114 xuống còn khoảng 105,6 (tính đến thời điểm hiện tại).
"Điều hành chính sách tiền tệ, điều quan trọng nhất hiện nay của Việt Nam là nhanh chóng giảm mặt bằng lãi suất. Mức lãi suất cho vay hiện nay cao hơn nhiều với khả năng chống chịu của doanh nghiệp. Vừa qua, lãi suất có giảm nhưng theo hướng tuyên truyền, vận động, vì vậy mức giảm này không đáng kể", TS. Lê Xuân Nghĩa nói.
Theo Huyền Anh/vnbusiness.vn
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận