Fed có thể đã phạm sai lầm về lãi suất
“Fed đã phạm một sai lầm. Lẽ ra họ phải giảm lãi suất từ mấy tháng trước"...
Lượng việc làm mới ở Mỹ giảm mạnh trong tháng 7 vừa qua làm dấy lên mối lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quá chậm trễ trong việc cắt giảm lãi suất, đặt nền kinh tế trước khả năng rơi vào một cuộc suy thoái - kết cục mà các nhà hoạch định chính sách tiền tệ Mỹ đã cố gắng hết sức để tránh trong cuộc chiến chống lạm phát.
Báo cáo việc làm do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 2/8/2024 cho thấy khu vực phi nông nghiệp của Mỹ có 114.000 công việc mới trong tháng 7/2024, giảm mạnh so với mức bình quân 215.000 công việc mỗi tháng trong vòng 12 tháng trở lại đây. Tỷ lệ thất nghiệp tăng 0,2 điểm phần trăm so với tháng 6, lên mức 4,3% - phù hợp với Nguyên tắc Sahm (Sahm Rule) mà theo đó, một cuộc suy thoái bắt đầu khi trung bình động 3 tháng của tỷ lệ thất nghiệp tăng ít nhất nửa điểm phần trăm so với mức thấp nhất của trung bình động 3 tháng trong 12 tháng trước đó.
Dữ liệu trên được công bố vào thời điểm 2 ngày sau khi Fed đưa ra quyết định giữ nguyên lãi suất quỹ liên bang ở mức 5,25-5,5%. Đây là mức lãi suất cao nhất 23 năm và đã được Fed duy trì từ tháng 7/2023.
“LẼ RA FED PHẢI GIẢM LÃI SUẤT RỒI”
Để biện minh cho quyết định chưa giảm lãi suất ngay trong lần họp này, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) - bộ phận ra quyết sách trong Fed - muốn có thêm bằng chứng về việc lạm phát giảm về mục tiêu 2% trước khi khởi động việc nới lỏng. Nhưng cùng với đó, ông Powell nhấn mạnh một điều quan trọng là ông “không muốn chứng kiến thị trường việc làm suy yếu thêm nhiều”.
Bằng cách nhấn mạnh như vậy, nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới phát tín hiệu rõ rằng chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ có thể sẽ được triển khai vào tháng 9/2024. Báo cáo việc làm tháng 7/2024 gần như cũng xác nhận rằng FOMC sẽ hạ lãi suất trong cuộc họp chính sách tiền tệ vào ngày 18/9/2024. Tuy nhiên, do việc bắt đầu nới lỏng vào cuộc họp tới có thể là một sự trì hoãn quá lâu, Fed rất có khả năng sẽ phải hạ lãi suất nhanh và mạnh hơn so với trong trường hợp khởi động việc cắt giảm lãi suất sớm hơn.
“Fed đã phạm một sai lầm. Lẽ ra họ phải giảm lãi suất từ mấy tháng trước. Có vẻ như mức giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào tháng 9 sẽ là không đủ. Đó sẽ phải là mức giảm 0,5 điểm phần trăm, đi kèm với tín hiệu rõ ràng rằng Fed sẽ quyết liệt hơn nhiều trong việc bình thường hóa lãi suất so với những gì họ đã dự định”, nhà kinh tế trưởng Mark Zandi của Công ty đánh giá tín nhiệm Moody’s nhận định.
Nhà kinh tế trưởng Gregory Daco của Công ty EY Parthenon đồng tình với quan điểm rằng cuộc họp tháng 7 của Fed là một “cơ hội bị bỏ lỡ”, và “lựa chọn tối ưu” của Fed là tiến hành đợt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 6. “Nếu bạn có tầm nhìn, bạn sẽ thấy rằng tổng quan dữ liệu phản ánh các hoạt động kinh tế đang giảm tốc, xung lực của thị trường việc làm yếu đi và tiến trình giảm lạm phát tiếp diễn. Tất cả đều là những gì Fed mong muốn đạt được để có thể bắt đầu hạ lãi suất”, ông Daco cho biết.
Các nhà kinh tế không phải là những người duy nhất cho rằng Fed đã chậm chân trong việc cắt giảm lãi suất. Bà Elizabeth Warren - một thượng nghị sỹ cấp tiến của Đảng Dân chủ, người từ lâu đã có quan điểm phê phán ông Powell và trước cuộc họp tháng 7 của Fed đã hối thúc ông hạ lãi suất - kêu gọi vị Chủ tịch Fed hành động ngay lập tức.
“Ông ấy đã được cảnh báo hết lần này đến lần khác rằng việc trì hoãn giảm lãi suất quá lâu có thể đẩy nền kinh tế xuống hố. Số liệu việc làm đang phát đi tín hiệu báo động đỏ. Ông Powell cần hủy ngay kỳ nghỉ hè của ông ấy và giảm lãi suất ngay bây giờ, chứ không phải là sau 6 tuần nữa”, bà Warren viết trên mạng xã hội X.
NGUY CƠ SUY THOÁI KHÔNG PHẢI QUÁ LỚN
Những ngày gần đây, các nhà giao dịch trên thị trường lãi suất tương lai gia tăng đặt cược rằng Fed sẽ giảm lãi suất 3 lần trong thời gian còn lại năm nay, với tổng mức giảm có thể lên tới 1,5 điểm phần trăm.
Trước khi báo cáo việc làm tháng 7 được công bố, thị trường đặt cược khả năng Fed giảm lãi suất tổng cộng 0,75 điểm phần trăm trong 3 cuộc họp cuối cùng của năm. Các ngân hàng đầu tư ở Phố Wall đã nhanh chóng điều chỉnh dự báo lãi suất. JP Morgan Chase và Citigroup dự báo hai lần giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm mỗi lần vào tháng 9 và tháng 11/2024, tiếp đến là mức giảm 0,25 điểm phần trăm mỗi lần họp sau đó cho tới khi lãi suất chính sách về mức trung tính - ngưỡng lãi suất không có hiệu ứng kích thích hay kìm hãm tăng trưởng.
Theo một số đánh giá, nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ ở thời điểm này là có, nhưng không phải là quá lớn.
Ngân hàng Goldman Sachs Group Inc. nâng khả năng xảy ra suy thoái kinh tế ở Mỹ trong thời gian 1 năm tới từ mức 15% lên 25%, nhưng cho rằng có một số lý do để không phải lo lắng về nguy cơ xảy ra một cú sụt mạnh của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Họ cho rằng nền kinh tế Mỹ vẫn “ổn định về tổng thể”, không có sự mất cân đối tài chính lớn nào, Fed có nhiều dư địa để cắt giảm lãi suất và có thể giảm lãi suất nhanh nếu cần.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg, Chủ tịch Fed Chi nhánh Chicago, ông Austan Goolsbee đã bày tỏ quan ngại về tình trạng của thị trường lao động, nhưng cho rằng Fed không nên vội vã trong việc hạ lãi suất vì việc đó là không cần thiết. “Chúng tôi không bao giờ muốn phản ứng quá mức với số liệu kinh tế của bất kỳ một tháng nào”, ông Goolsbee chia sẻ.
Ông Powell cũng tin rằng sẽ không có chuyện nền kinh tế lớn nhất thế giới suy sụp. Tại họp báo sau cuộc họp ngày 31/7/2024 của Fed, ông Powell nhận định khả năng nền kinh tế Mỹ “hạ cánh cứng” (việc giảm lạm phát dẫn tới suy thoái kinh tế) vẫn còn ở mức thấp. “Tôi không thấy có lý do nào để cho rằng nền kinh tế này đang quá nóng hay đang giảm tốc mạnh, theo như phản ánh qua số liệu hiện tại”, ông nhấn mạnh.
Trong quý 2/2024, nền kinh tế Mỹ đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế gần 3%. Người tiêu dùng vẫn chi tiêu và các doanh nghiệp vẫn tuyển dụng, dù cả hai hoạt động này đều diễn ra với tốc độ chậm hơn trước.
Ông Michael Gapen, nhà kinh tế trưởng về Mỹ thuộc Ngân hàng Bank of America, nhìn nhận nền kinh tế đang giảm nhiệt nhưng chưa đến mức rạn nứt. Dù vậy, trong một lời cảnh báo tới Fed, ông Gapen cho rằng: “Nếu Fed không sớm giảm lãi suất, họ thực sự đặt ra rủi ro một cuộc suy thoái mà họ không muốn có”.
Mối lo về sự sụt tốc của nền kinh tế và khả năng Fed phản ứng chậm đã góp phần dẫn đến đợt bán tháo mạnh trên thị trường chứng khoán Mỹ trong những ngày đầu tháng 8. Ngược lại, giá trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh, kéo tụt lợi suất - diễn biến phản ánh kỳ vọng Fed sẽ phải giảm nhanh lãi suất. Sự phục hồi của giá trái phiếu kho bạc Mỹ đã đẩy lợi suất của kỳ hạn 10 năm - vốn được coi là lợi suất tiêu chuẩn và giữ vai trò là cơ sở quan trọng cho lãi suất các khoản vay trên các thị trường - có thời điểm giảm về mức 3,8%, thấp nhất kể từ tháng 12/2023.
Đến ngày 7/8/2024, mối lo kinh tế Mỹ suy thoái không còn căng thẳng như mấy ngày trước, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng trở lại mức 3,95%, bằng với lợi suất ở thời điểm trước khi báo cáo việc làm tháng 7/2024 được công bố.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận