menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Dũng Bùi

Fed cam kết tiếp tục mua trái phiếu cho đến khi nền kinh tế trở lại trạng thái toàn dụng

Kéo dài thời hạn trái phiếu sẽ thúc đẩy thị trường cổ phiếu.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào đêm qua theo giờ Việt Nam đã công bố một điều chỉnh quan trọng trong nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế, đồng thời nâng mức triển vọng tăng trưởng của nước này.

Đúng như dự đoán, sau khi kết thúc cuộc họp kéo dài hai ngày, Fed đã giữ lãi suất chuẩn gần bằng 0.

Đồng thời, Fed cũng cho biết sẽ tiếp tục mua ít nhất 120 tỷ đô la trái phiếu mỗi tháng "cho đến khi đạt được tiến bộ đáng kể đối với mục tiêu ổn định giá cả và toàn dụng việc của Ủy ban Thị trường mở Liên bang", tuyên bố sau cuộc họp đề cập.

“Những giao dịch mua tài sản này giúp thúc đẩy thị trường hoạt động trơn tru và các điều kiện tài chính phù hợp hơn, do đó hỗ trợ dòng tín dụng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp”, FOMC cho biết thêm trong một tuyên bố.

Tuy nhiên, Ủy ban không cho biết họ sẽ kéo dài thời hạn của các giao dịch mua đó đến lúc nào.

Fed đã cam kết không tăng lãi suất cho đến khi lạm phát vượt quá mục tiêu 2%, ngay cả khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức mà thông thường phát đi báo động áp lực giá cả. Quan điểm về việc mua tài sản cũng một lần nữa nhấn mạnh cam kết của ngân hàng trung ương trong việc đảm bảo ​​sự phục hồi sẽ đến, sau khi nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19. Kéo dài thời hạn trái phiếu sẽ thúc đẩy thị trường cổ phiếu

“Cùng với nhau, các biện pháp này sẽ đảm bảo rằng chính sách tiền tệ tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ cho nền kinh tế cho đến khi hoàn toàn phục hồi”, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết tại cuộc họp báo đêm qua.

Các thị trường đang tìm kiếm những điều chỉnh tiềm năng mà FOMC sẽ thực hiện đối với chương trình mua tài sản. Kể từ những ngày đầu của đại dịch, ngân hàng trung ương đã chủ yếu mua trái phiếu có thời hạn ngắn trong một nỗ lực nhằm giữ cho thị trường tài chính hoạt động trơn tru.

Tại các cuộc họp gần đây, các quan chức đã thảo luận về lợi ích của việc kéo dài thời hạn trái phiếu nhằm hướng nhiều hơn vào việc thúc đẩy nền kinh tế phát triển, giống như cách mà cơ quan này đã làm sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Việc kéo dài thời hạn trái phiếu sẽ giúp giảm lãi suất dài hạn, giảm chi phí đi vay và thúc đẩy các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận với các tài sản rủi ro hơn như cổ phiếu.

Powell nhấn mạnh rằng Fed đang tuân theo các chính sách "dựa trên kết quả".

Điều đó có nghĩa là nếu cơ quan này cảm thấy tiến độ chậm lại so với mục tiêu của họ, Fed có thể đẩy mạnh việc mua tài sản của mình, vốn đã làm tăng bảng cân đối kế toán lên 7,3 nghìn tỷ USD. Fed cũng sẽ cam kết giữ lãi suất được neo gần 0 trong một thời gian dài hơn, ông nói.

Nâng triển vọng kinh tế

Ngoài việc thay đổi quan điểm chính sách đối với chương trình mua trái phiếu, các quan chức Fed đã nâng triển vọng kinh tế kể so với lần dự báo trước đó vào tháng 9.

Họ dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2020 sẽ giảm 2,4%, thấp hơn so với mức âm 3,7% đưa ra vào tháng 9; triển vọng cho năm 2021 ở mức tăng 4,2% so với tăng 4% trước đó; và tăng 3,2% vào năm 2022 so với tăng 3%.

Tuy nhiên sau đó, triển vọng tăng trưởng lại được điều chỉnh giảm nhẹ, xuống tăng 2,4% vào năm 2023 từ tăng 2,5% trước đó; và tăng trung bình 1,8% từ tăng 1,9% trong thời gian dài hơn sau đó.

Ủy ban cũng đưa ra một triển vọng lạc quan hơn đáng kể về tình trạng thất nghiệp. Vào năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp đến cuối năm được dự đoán là 6,7%, từ mức 7,6% trong dự báo đưa ra vào tháng 9; năm 2021 là 5% so với 5,5% trước đó; trong khi hai năm tiếp theo là 4,2% (trước đây là 4,6%) và 3,7% (4%).

Về giá cả, các quan chức vẫn tỏ ra e ngại khả năng đạt mục tiêu lạm phát 2% của Fed cho đến năm 2023, mặc dù năm 2020 và hai năm tiếp theo đã chứng kiến ​​mức tăng 0,1 điểm phần trăm so với triển vọng đưa ra trước đó, lần lượt lên mức 1,4%, 1,8% và 1,9%.

Ở các góc độ khác, tuyên bố lần này cho thấy về cơ bản ngân hàng trung ương không có thay đổi so với cuộc họp tháng 11.

Fed vẫn nhận thấy hoạt động kinh tế đang phục hồi nhưng quy mô hiện tại vẫn “thấp hơn rất nhiều” so với mức trước đại dịch. Nhìn chung, Ủy ban cho rằng đại dịch sẽ "tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế, việc làm, và lạm phát trong ngắn hạn, đồng thời gây ra rủi ro đáng kể cho triển vọng kinh tế trong trung hạn”.

Các quan chức Fed đã thúc giục Quốc hội nước này tăng cường kích thích tài khóa, theo dự luật mà lưỡng đảng có thể cam kết cung cấp thêm 900 tỷ đô la hỗ trợ người lao động, các doanh nghiệp và hỗ trợ nỗ lực chung của quốc gia trong việc điều trị và tiêm chủng COVID-19.

Fed đã tham gia cùng Bộ Tài chính Mỹ trong các nỗ lực kích thích nền kinh tế, nhưng một số chương trình cho vay mà họ đã triển khai sẽ kết thúc vào cuối năm 2020. Mua trái phiếu và giữ lãi suất thấp vẫn là những vũ khí chính để Fed giúp nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường.

Vì Fed đã hứa sẽ giữ chính sách phù hợp cho đến khi ghi nhận sự phục hồi kinh tế đầy đủ, Powell cam kết đảm bảo các thị trường sẽ được thông báo trước khi bất kỳ thay đổi nào được thực hiện.

“Khi chúng tôi thấy mình đang trên con đường đạt được mục tiêu, chúng tôi sẽ nói trước khi nào chúng tôi sẽ xem xét giảm tốc độ giao dịch mua”, Powell nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại