F88 cầm thêm trăm tỉ
Chuỗi cho vay cầm cố hàng đầu Việt Nam vừa nhận được 100 tỉ đồng sau đợt phát hành trái phiếu.
Thời điểm MeKong Capital quyết định đầu tư vào Công ty Cổ phần Kinh doanh F88 có nhiều tranh luận về việc phát triển một ngành kinh doanh nhạy cảm. Tuy nhiên, đến thời điểm này, F88 đang chứng tỏ là một khoản đầu tư rất có tiềm năng.
Mới đây, F88 đã huy động được nguồn tiền chỉ sau 2 tuần chào bán trái phiếu. Theo thông tin của F88, người mua chủ yếu là các tổ chức lớn, có uy tín trong nước. Ngoài ra, tham gia mua trái phiếu F88 lần này còn có thông tin về một số cá nhân như cựu hoa hậu Mai Phương Thúy đã đầu tư 10 tỉ đồng. Theo chia sẻ của ông Phùng Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm CEO của F88, huy động vốn lần này nhằm giúp Công ty có thêm nguồn vốn cần thiết để đáp ứng tốc độ tăng trưởng trong hoạt động cho vay.
F88 thành lập năm 2013, hiện là chuỗi cho vay cầm cố có quy mô lớn nhất Việt Nam. Tính đến nay, F88 đã sở hữu 90 phòng giao dịch trên toàn quốc, tăng gấp đôi so với năm 2018. Trong đó, 41 phòng giao dịch của F88 đặt tại Hà Nội, 44 tại TP.HCM và 5 tại các tỉnh miền Bắc khác. Như vậy, kế hoạch Nam tiến, chiếm lĩnh thị trường TP.HCM với mục tiêu đạt 50 điểm giao dịch ngay trong năm 2019 của F88 đã gần chạm tới.
F88 thực ra chỉ mới bắt đầu hành trình chinh phục thị trường miền Nam từ tháng 11.2018, với 3 phòng giao dịch đầu tiên đặt tại quận Tân Phú, Tân Bình (TP.HCM). Nhưng chỉ trong khoảng nửa năm, chuỗi cầm đồ này tăng tốc và nâng số lượng phòng giao dịch tại TP.HCM lên gấp hơn 13,3 lần. Năng lực mở chuỗi thần tốc của F88 khiến nhiều người phải tò mò. Tuy nhiên, với những ai dõi theo F88, thì kết quả này không bất ngờ.
Về vốn, F88 đã được 2 quỹ đầu tư ngoại là Mekong Capital và Granite Oak lần lượt rót vốn vào năm 2016 và năm 2018. Số tiền tuy không được tiết lộ nhưng ở thời điểm Granite Oak, quỹ đầu tư đến từ châu Âu hiện diện, F88 được định giá gần 1.000 tỉ đồng. Năm 2018, F88 giải ngân lũy kế 873 tỉ đồng. Sang năm 2019, F88 dự kiến đầu tư 1.837 tỉ đồng, tức tăng thêm gần 1.000 tỉ đồng. Mục tiêu của F88 là ngay trong năm nay sẽ hoàn thành kế hoạch phát triển 100 phòng giao dịch. Đến năm 2021, F88 có thể mở chuỗi lên 300 phòng giao dịch khắp cả nước.
F88 đã đổ vốn vào việc mở rộng mạng lưới và hỗ trợ cho vay. Hiện nay, số dư cho vay trung bình trên mỗi chi nhánh tăng khoảng 8% so với quý I/2019. Đồng thời, F88 đã đầu tư vào sản phẩm, dịch vụ, nhân lực. Hiện tại, F88 không chỉ cầm cố xe máy, ô tô, điện thoại, đồ gia dụng (TV, tủ lạnh, máy điều hòa...) mà còn cầm giấy đăng ký xe. F88 cũng triển khai mô hình phòng giao dịch như một ngân hàng nhỏ, sạch sẽ, lịch sự, có nhân viên tư vấn với cam kết tài sản cầm cố được bảo quản tốt.
Ông Simon Wagner, Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư Granite Oak, từng nhận định, lối đi bài bản cùng nền tảng công nghệ tốt hứa hẹn giúp F88 phát triển nhanh. Thực tế, ngoài mở rộng mạng lưới, năm 2018, F88 đã ghi nhận doanh thu thuần gần 64 tỉ đồng và có lãi. Sang năm 2019, F88 đặt mục tiêu đạt doanh thu thuần 284 tỉ đồng, lãi ròng là 83 tỉ đồng.
Tính ra, đây là mức tăng rất mạnh so với con số lãi ròng 3 tỉ đồng của năm ngoái. Đến năm 2021, F88 kỳ vọng gia tăng doanh thu lên 1.619 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế là 816 tỉ đồng; tỉ suất lợi nhuận ước đạt trên 50%.
Rõ ràng, cùng với tiếp nhận nguồn vốn và hậu thuẫn từ các quỹ ngoại, F88 phải chạy đua về tăng trưởng kinh doanh. Mekong Capital còn yêu cầu F88 phải sớm niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn trên triển vọng thị trường, lãnh đạo F88 có niềm tin sẽ đạt các mục tiêu kế hoạch.
Cho vay cá nhân tại Việt Nam là một thị trường hấp dẫn, với quy mô tài chính tiêu dùng ước đạt 1 triệu tỉ đồng vào năm 2019, theo dự báo cách đây 3 năm của StoxPlus. Vì thế, những năm gần đây, tín dụng tiêu dùng trở thành miếng bánh béo bở để các ngân hàng và công ty tài chính đua tranh.
Tuy nhiên, theo đánh giá chung, thị trường cho vay cá nhân ở Việt Nam vẫn còn sơ khai, phân mảnh. Những mô hình cho vay cầm cố số tiền nhỏ, đáo hạn nhanh (15-20 ngày), mức lãi hợp lý (4-6%), thủ tục đơn giản (15 phút) như F88 càng không nhiều. Đó là lý do để F88 dễ dàng thuyết phục nhà đầu tư bỏ vốn cũng như là cơ sở cho F88 thực hiện tham vọng.
Hiện tại, mô hình F88 hoạt động có nét tương tự với các mô hình đã thành công trên thế giới như First Cash (Mỹ), Srisawad (Thái Lan), Maxi-Cash (Singapore). Nhưng tương lai, F88 muốn trở thành chuỗi cửa hàng tiện lợi về tài chính. Bước chuẩn bị nền tảng là F88 đã ký kết hợp tác với Cổng thanh toán Payoo và Ví điện tử MoMo. “F88 cũng sẽ hợp tác với các ngân hàng để thực hiện nghiệp vụ như mở tài khoản, gửi tiền tiết kiệm...”, ông Tuấn cho biết.
Điều này đồng nghĩa F88 sẽ dấn bước vào một thị trường tuy rộng lớn hơn nhưng sẽ rất nóng bỏng, với sự tham gia hợp sức của các quỹ ngoại và sự nhập cuộc của nhiều công ty fintech, startup. Nếu như năm 2015 chỉ mới có vài công ty tham gia thị trường cho vay tiêu dùng, thì đến năm 2018 đã có 16 công ty được cấp phép, chưa kể các nền tảng cho vay khác. Ngoài áp lực cạnh tranh, Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến dự thảo thông tư siết chặt hoạt động cho vay tiền mặt của các công ty tài chính. “Nếu dự thảo này được thông qua thì ngành cho vay tiêu dùng sẽ chứng kiến sự giảm tốc rõ rệt”, bình luận của Công ty Chứng khoán HSC trong báo cáo gửi các khách hàng về dự thảo mới này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận