menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Ngọc Diệp

EVN nói về việc tăng giá bán lẻ điện

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa tổ chức buổi gặp mặt báo chí để trao đổi thêm thông tin về việc điều chỉnh giá điện.

Căn cứ nào điều chỉnh giá điện?

Ngày 3/2/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 02/2023/QĐ-TTg về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, mức giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu (chưa bao gồm thuế GTGT) là 1.826,22 đồng/kWh, mức giá bán lẻ điện bình quân tối đa là 2.444,09 đồng/kWh.

Theo quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân (Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg), hàng năm, sau khi kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN, giá bán điện bình quân được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối-bán lẻ điện, điều hành-quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện) so với thông số được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành.

Căn cứ trên khung giá được Thủ tướng Chính phủ ban hành, cùng kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN năm 2022, EVN đã có các văn bản gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về phương án giá bán lẻ điện bình quân năm 2023. Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến về phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg.

Hiện nay, giá bán lẻ điện bình quân hiện hành thực hiện theo Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019.

Theo ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng giám đốc EVN, mức tăng giá này phần nào giảm bớt khó khăn tài chính của EVN. Năm nay còn 8 tháng, doanh thu tập đoàn tăng thêm cỡ khoảng hơn 8.000 tỷ đồng, góp phần giảm thiểu khó khăn tài chính của EVN. Về tác động CPI, nếu tăng giá điện 5% sẽ làm CPI tăng 0,17%, nên việc tăng giá 3% sẽ có tác động lên CPI rất nhỏ.

"Tăng giá điện chỉ là một trong các giải pháp giảm thiểu khó khăn tài chính của EVN. Tập đoàn cũng đã có các giải pháp nội tại, như tiết giảm chi phí - năm ngoái giảm 10% chi phí thường xuyên thì năm nay giảm 15%, sửa chữa lớn tiếp tục cắt giảm mạnh… Bên cạnh đó, EVN cũng phải thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện, đồng thời huy động tối đa các nguồn điện có giá thành rẻ.

EVN cũng sẽ làm việc với các nhà cung ứng nhiên liệu khí, than… chia sẻ khó khăn, có thể giảm giá bán đầu vào để giảm thiểu chi phí. Ngoài ra, tập đoàn cũng đàm phán các nhà đầu tư có nguồn năng lượng, như năng lượng tái tạo, để có đảm bảo hài hòa lợi ích EVN và chủ đầu tư. Tập đoàn cũng sẽ báo cáo Chính phủ hỗ trợ liên quan đến các chi phí đầu vào…".

Tác động không đáng kể

Thực hiện Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ, mới đây, EVN đã có Quyết định số 377/QĐ-EVN ngày 27/4/2023 về việc điều chỉnh mức giá bén lẻ điện bình quân. Theo đó EVN quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày ngày 4/5/2023. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.

Theo ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN, với mức tăng 3%, thì số tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 50 kWh/tháng là 2.500 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện dưới 50 kWh toàn EVN năm 2022 là 3,33 triệu hộ, chiếm 11,98% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt).

Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 100 kWh/tháng là 5.100 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện từ 51-100 kWh toàn EVN năm 2022 là 4,7 triệu hộ, chiếm 16,85% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt).

Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 200 kWh/tháng là 11.100 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện từ 101-200 kWh toàn EVN năm 2022 là 10,04 triệu hộ, chiếm 36,01% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt - đây là nhóm khách hàng đang chiếm tỉ trọng lớn nhất).

Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 300 kWh/tháng là 18.700 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện từ 201-300 kWh toàn EVN năm 2022 là 4,96 triệu hộ, chiếm 17,81% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt).

Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 400 kWh/tháng là 27.200 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện từ 301-400 kWh toàn EVN năm 2022 là 2,21 triệu hộ, chiếm 7,95% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt).

Đối với 528.000 khách hàng kinh doanh dịch vụ, bình quân mỗi tháng khách hàng kinh doanh trả tiền điện 5,3 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá mỗi tháng sẽ trả thêm là 141.000 đồng/tháng.

Có 1,822 triệu hộ sản xuất, thì bình quân mỗi tháng mỗi hộ sản xuất trả tiền điện 10,6 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá mỗi tháng sẽ trả thêm là 307.000 đồng/tháng.

Có 662.000 khách hàng hành chính sự nghiệp, bình quân mỗi tháng mỗi khách hàng hành chính sự nghiệp trả tiền điện 2,01 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá mỗi tháng sẽ trả tăng thêm là 40.000 đồng/tháng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại