EVFTA: Tận dụng cơ hội, hóa giải thách thức
Thị trường EU, với GDP khoảng 15 ngàn tỷ USD, là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Vị trí này sẽ được cải thiện một khi EVFTA có hiệu lực và khởi động quá trình loại bỏ 99% thuế quan lên hàng hóa.
“Đại lộ thương mại và đầu tư” với EU đã mở
Sáng 18/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU và các nước thành viên EU (EVIPA). Ngày 8/6/2020 với tỷ lệ tán thành rất cao, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư EU - Việt Nam (EVIPA). Như vậy trải qua gần 10 năm đàm phán, ký kết và phê chuẩn, cuối cùng EVFTA đã hoàn tất để chuẩn bị cho ngày có hiệu lực (dự kiến ngay từ đầu tháng 8 tới).
Theo ông Pier Giorgio Aliberti, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam, Việt Nam đang đứng trước lợi thế và cơ hội rất lớn. Hiện trong khối ASEAN, chỉ có Việt Nam và Singapore có FTA với EU. Tuy nhiên, trong khi Singapore chỉ chủ yếu tập trung vào mảng dịch vụ thì Việt Nam là trung tâm sản xuất hàng hoá. Và tất nhiên nếu so sánh với các quốc gia khác trong khu vực thì Việt Nam, với EVFTA và EVIPA, đang là nước số 1 có được các lợi thế trong tiếp cận thị trường EU.
Đồng quan điểm trên, Chủ tịch EuroCham Nicolas Audier nhận định, thỏa thuận lịch sử này tượng trưng cho sự ghi nhận và tin tưởng đối với Việt Nam, khi đây là quốc gia thứ hai trong ASEAN mà EU ký kết FTA. Nó đánh dấu một khởi đầu mới trong mối quan hệ giữa Việt Nam và EU. “Thỏa thuận này thể hiện lợi ích đôi bên cùng có lợi thực sự, không chỉ dành cho các doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam mà còn cho công dân của cả hai phía”, ông Nicolas Audier tin tưởng.
Ngay sau thông tin Quốc hội Việt Nam phê chuẩn các hiệp định này, CEO của HSBC Việt Nam - ông Tim Evans cho biết: “Là một ngân hàng với trọng tâm hướng về tài trợ thương mại quốc tế, HSBC chào đón EVFTA. Hiệp định này góp phần khẳng định vị thế tiên phong của Việt Nam trong số những quốc gia thương mại lớn trên thế giới”, ông Tim Evans nói.
Thị trường EU, với GDP khoảng 15 ngàn tỷ USD, là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Vị trí này sẽ được cải thiện một khi EVFTA có hiệu lực và khởi động quá trình loại bỏ 99% thuế quan lên hàng hóa. Hai phần ba thuế lên hàng xuất khẩu từ EU sẽ được dỡ bỏ ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, trong khi khoảng 71% thuế áp lên hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu sẽ được dỡ bỏ ngay với phần còn lại có hiệu lực theo lộ trình 7 đến 10 năm. Là một Hiệp định thế hệ mới, EVFTA còn bao gồm những điều khoản quy định về bảo vệ sở hữu trí tuệ, tự do đầu tư và phát triển bền vững.
Hiệu quả đến đâu phụ thuộc vào thực thi
Ông Tim Evans cho biết, các chuyên gia HSBC kỳ vọng EVFTA có thể đóng góp trung bình 0,1% vào tăng trưởng GDP thực của Việt Nam mỗi năm (dao động từ 0-0,3%). Trong đó, dệt may và da giày sẽ là những lĩnh vực hưởng lợi nhiều nhất do thuế áp lên khu vực này đang ở mức cao nhất. Đơn cử năm 2019, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 9 tỷ USD hàng dệt may và da giày sang EU với thuế suất bình quân gia quyền là 9%.
Tuy nhiên, theo ông để tận dụng hết cơ hội từ Hiệp định này, cần cải tổ và thiết kế lại chuỗi cung ứng. Lấy ví dụ về lĩnh vực kỳ vọng hưởng lợi nhất từ EVFTA là dệt may, hiện sản phẩm của nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam chưa đạt đủ tỷ lệ nguyên liệu đầu vào trong nước để có thể đáp ứng quy định nghiêm ngặt của EU về xuất xứ hàng hóa. Vì vậy “Chính phủ và doanh nghiệp cần chung tay hợp tác để mở rộng ngành dệt may nội địa, bao gồm việc sản xuất các nguyên liệu đầu vào, nếu chúng ta muốn tận dụng hết lợi thế từ Hiệp định”, ông Tim Evans nói.
Bên cạnh đó, sự chuyển đổi thương mại này cũng cần diễn ra song hành với những thay đổi về quản trị. Các tập đoàn quốc tế đang chịu sức ép gia tăng, buộc họ phải xem xét kỹ lưỡng chuỗi cung ứng của mình, đảm bảo rằng mỗi bước đều thỏa những tiêu chuẩn toàn cầu về môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Để các doanh nghiệp Việt có thể hiện thực hóa tiềm năng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Chính phủ cần hỗ trợ ngành công nghiệp phụ trợ trong việc áp dụng các tiêu chuẩn toàn cầu, chỉ dẫn cho các doanh nghiệp về khung pháp lý mới và những cam kết của Việt Nam trong EVFTA (như các cam kết về môi trường, bảo vệ sở hữu trí tuệ và xuất xứ…).
Nhận định cơ hội và lợi ích mang lại từ các hiệp định là rất lớn nhưng Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam cho rằng, thực tế diễn ra thế nào sẽ phụ thuộc vào thực thi các cam kết đến đâu. Với Việt Nam, ông Pier Giorgio Aliberti nhấn mạnh một trong những thách thức với Nhà nước là quá trình cải cách để tạo ra môi trường, chính sách thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, đặc biệt là vấn đề số hoá các quy trình, thủ tục hành chính được đơn giản hoá… Trong khi đó với các doanh nghiệp, để có được sự cải thiện trong xuất khẩu cần đặc biệt tập trung vào đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, lao động, xuất xứ… của hàng hóa sản xuất.
Chủ tịch EuroCham cho rằng sau phê chuẩn, bước tiếp theo là đảm bảo việc triển khai EVFTA suôn sẻ và hiệu quả khi có hiệu lực. “EuroCham cùng với 17 Tiểu ban Ngành nghề, đại diện cho hơn 1.000 doanh nghiệp thành viên, sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để đảm bảo tất cả các bên có thể mở khóa toàn bộ tiềm năng của EVFTA trong hiện tại và tương lai”, ông cam kết.
EVFTA và EVIPA rõ ràng mang lại nhiều lợi ích và cơ hội. Song không vì thế mà các thách thức liên quan trong quá trình thực thi tự nhiên mất đi. Với thương mại, nổi lên là các thách thức liên quan đến xuất xứ, phòng vệ thương mại, lẩn trốn thuế... Và với đầu tư là những cải cách thể chế cần thực hiện để thực sự thu hút được các dòng đầu tư chất lượng từ EU. Một thực tế là trong bản đồ đầu tư nước ngoài của Việt Nam hiện nay, sự hiện diện đầu tư EU nói chung và từng nước thành viên EU nói riêng là chưa tương xứng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận