EVFTA sẽ giúp hàng triệu người Việt thoát nghèo
Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) với Liên minh châu Âu được kỳ vọng sẽ đóng góp lớn vào kinh tế Việt Nam.
Sáng nay 20/5, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) đã được trình Quốc hội xem xét, dự kiến thông qua ngày 28/5.
Trong phần thuyết minh thêm về EVFTA, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng bên cạnh những tác động tích cực về mặt kinh tế và cải cách pháp luật - thể chế theo hướng tiệm cận với chuẩn mực quốc tế, hiệp định dự kiến cũng giúp việc giảm nghèo nhanh hơn.
"Theo kết quả nghiên cứu của Báo cáo ''Việt Nam: Tăng cường hội nhập quốc tế và thực thi EVFTA" do Ngân hàng Thế giới thực hiện vào cuối tháng 4 vừa qua, EVFTA sẽ giúp Việt Nam tăng thêm 0,8 triệu người thoát nghèo vào năm 2030, tương đương với mức giảm tỷ lệ nghèo 0,7%. Hiệp định này cũng có khả năng giúp thu hẹp khoảng cách tiền lương theo giới tính thêm 0,15%, đặc biệt cho các hộ gia đình thuộc nhóm 40% có thu nhập thấp nhất", ông Trần Tuấn Anh cho biết.
Cũng theo ông Trần Tuấn Anh, với việc thực thi Hiệp định EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch Covid-19 thời gian vừa qua, đồng thời cũng là cơ hội tốt giúp Việt Nam bước vào để lấp đầy chỗ trống trong các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, đây là tiền đề quan trọng để doanh nghiệp khôi phục và thúc đẩy việc sản xuất kinh doanh sau giai đoạn dịch bệnh. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội được mở rộng và đa dạng hóa hơn, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định.
Trong khi đó, tại phần báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do EVFTA với Liên minh châu Âu, ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho biết, theo báo cáo thuyết minh của Chính phủ, hiệp định sẽ giúp tăng trưởng kinh tế của nước ta dự kiến tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 - 3,25% giai đoạn 5 năm đầu thực hiện; từ 4,57% - 5,3% giai đoạn 5 năm tiếp theo và 7,07 - 7,72% trong giai đoạn 5 năm sau đó.
"Liên minh châu Âu là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của thế giới và cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Thông qua hiệp định này, Việt Nam có thể tiếp cận thị trường tiềm năng với dân số trên 500 triệu người, GDP khoảng 15.000 tỷ USD/năm - tương đương 22% GDP toàn cầu. Về trao đổi thương mại, Việt Nam và Liên minh châu Âu chủ yếu mang tính bổ trợ thay vì cạnh tranh lẫn nhau", ông Giàu cho biết.
EVFTA sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau tháng mà cả hai bên đã thông báo cho nhau về việc hoàn thành các thủ tục pháp lý nội bộ để Hiệp định này có hiệu lực. Hoặc hai bên cũng có thể thống nhất với nhau về một thời điểm khác để Hiệp định chính thức có hiệu lực.
Trước đó, vào ngày 12/02/2020, Hiệp định EVFTA đã được Nghị viện châu Âu phê chuẩn. Sau đó, đến ngày 30/3/2020, Hội đồng châu Âu ký duyệt Hiệp định này. Ngày 24/4 vừa qua, Hội đồng châu Âu đã gửi công hàm thông báo chính thức với Việt Nam về việc EU đã hoàn tất thủ tục pháp lý cuối cùng theo quy trình phê chuẩn nội bộ của mình.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận