EVFTA - Điểm sáng trong lộ trình phục hồi kinh tế Việt Nam
Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư cạnh tranh, hấp dẫn và thân thiện với các doanh nghiệp châu Âu.
Theo Chủ tịch EuroCham Nicolas Audier, đại dịch Covid-19 đã khiến các hoạt động thương mại và đầu tư trên toàn thế giới bị ngưng trệ. Hoạt động kinh doanh thông thường cũng đã bị tạm dừng trong thời gian áp dụng các biện pháp cách ly toàn xã hội để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
'Cứu cánh' cho Việt Nam và EU
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đang nổi lên là một trong những quốc gia thành công trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, là một trong số ít các quốc gia đang mở cửa trở lại nền kinh tế, Việt Nam cũng trở thành hình mẫu cho những quốc gia khác noi theo. Tuy nhiên, trong tương lai, triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phụ thuộc vào thương mại tự do, công bằng và dựa trên những quy tắc (đặc biệt là xuất khẩu) với các thị trường quan trọng trên thế giới, điển hình như Liên minh châu Âu (EU).
Theo Chủ tịch EuroCham, trong bối cảnh thương mại có nhiều biến động như hiện tại, Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) được coi là một điểm sáng trong lộ trình phục hồi kinh tế Việt Nam. Sau khi được phê chuẩn và có hiệu lực, Hiệp định này sẽ loại bỏ gần như toàn bộ thuế quan, đồng thời mở ra các lĩnh vực mới cho đầu tư. Với lộ trình thực hiện kéo dài một thập kỷ, EVFTA sẽ xóa bỏ gần 99% các dòng thuế và rào cản thương mại giữa Việt Nam và EU.
Như vậy, Hiệp định EVFTA sẽ mang đến cho doanh nghiệp Việt Nam cơ hội “truy cập” vào thị trường châu Âu, thị trường rộng lớn với khoảng 500 triệu người tiêu dùng. Ngược lại, người tiêu dùng Việt Nam cũng được tiếp cận với hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao và sáng tạo của châu Âu. EVFTA cũng góp phần thúc đẩy thương mại, đầu tư, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và đưa quốc gia này trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư châu Âu ở châu Á.
“Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư cạnh tranh, hấp dẫn và thân thiện với các doanh nghiệp châu Âu. Trên hết, với các thế mạnh sẵn có của Việt Nam cùng Hiệp định EVFTA, chắc chắn thương mại và đầu tư giữa Việt Nam - EU sẽ phát triển trở lại ngay khi Hiệp định có hiệu lực”. (Chủ tịch EuroCham Nicolas Audier)
Chủ tịch Nicolas Audier nhấn mạnh, “Có thể thấy, bất chấp tác động ngắn hạn của đại dịch Covid-19 đối với hoạt động kinh doanh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 5% vào năm 2020. Mặc dù con số này đã giảm so với tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong những năm gần đây, tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới”.
Ông Nicolas Audier cho rằng, EVFTA sẽ đóng một phần tích cực trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, những lợi ích này sẽ được minh chứng theo thời gian bởi một số dòng thuế sẽ được loại bỏ ngay khi thỏa thuận có hiệu lực, nhưng cũng có những dòng thuế lại được loại bỏ dần dần trong khoảng thời gian kéo dài 10 năm. Do đó, tác động của EVFTA đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam nên được đo lường ít nhất trong một thập kỷ chứ không phải vài ngày.
Dù vậy, ông Nicolas Audier cho biết, các học giả châu Âu vẫn dự đoán rằng, EVFTA có thể góp thêm 7-8% vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, tăng tiền lương của người lao động và tăng thu nhập hộ gia đình trong thời gian thực hiện thỏa thuận.
Vươn lên trong thách thức
Theo ông Nicolas Audier, đối với doanh nghiệp châu Âu, Việt Nam là một quốc gia phát triển nhanh với thu nhập khả dụng tăng cao, tầng lớp tiêu dùng trung lưu lớn và đang phát triển. Vì vậy, quốc gia Đông Nam Á này là điểm đến lý tưởng để các doanh nghiệp châu Âu khai thác nhu cầu của người tiêu dùng đối với hàng hóa chất lượng cao và dịch vụ sáng tạo. Ví dụ, việc giảm thuế đối với các sản phẩm châu Âu như ô tô, dược phẩm, rượu vang và rượu mạnh sẽ giúp cho hàng hóa của EU cạnh tranh hơn trên thị trường.
Bên cạnh thương mại hàng hóa, EVFTA cũng mở ra cơ hội mới cho doanh nghiệp EU trong ngành dịch vụ. Việt Nam đã sẵn sàng mở cửa cho những lĩnh vực như giáo dục đại học, dịch vụ tài chính, viễn thông và các doanh nghiệp châu Âu cũng sẵn sàng “mạnh tay” đầu tư vào những lĩnh vực này.
Chủ tịch Nicolas Audier cho hay, EVFTA không chỉ dừng lại ở việc kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. EU và Việt Nam cũng đã đàm phán Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA), Hiệp định này sẽ giúp các nhà đầu tư châu Âu tự tin hơn khi đầu tư tại Việt Nam. EVIPA sẽ mất nhiều thời gian hơn để có hiệu lực bởi Hiệp định này cũng yêu cầu phê chuẩn ở từng quốc gia thành viên EU, song, EVIPA cũng là cơ hội lớn dành cho doanh nghiệp châu Âu.
Do đó, không thể phủ nhận rằng, EVFTA mang đến những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Hơn 70% thuế quan đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được loại bỏ ngay khi EVFTA có hiệu lực và nâng lên 99% thuế quan trong vòng bảy năm tiếp theo. Các sản phẩm của Việt Nam như hải sản, nông sản, dệt may, giày dép, đồ nội thất và đồ da sẽ trở nên cạnh tranh hơn trên thị trường EU. Hiệp định này sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cho EU và đóng góp một phần không nhỏ vào tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, song hành với cơ hội cũng là những thách thức. Để tận dụng tối đa lợi ích từ EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam phải đảm bảo thực hiện suôn sẻ và thành công thỏa thuận lịch sử này. Điều này đòi hỏi tất cả những đối tượng liên quan đến EVFTA như Chính phủ, chính quyền địa phương, cũng như cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế, phải hợp tác để nâng cao nhận thức về EVFTA và các điều khoản của Hiệp định.
“Thách thức tiếp theo dành cho doanh nghiệp bao gồm cải cách khung pháp lý của Việt Nam để phù hợp với các quy định của EVFTA, đảm bảo hàng hóa Việt Nam có thể đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn cao của thị trường châu Âu. Song, bất kể nhiều thử thách đang chờ ở phía trước, tôi tin tưởng rằng, Việt Nam sẽ vươn lên bởi quốc gia này đã từng vượt qua rất nhiều khó khăn trong quá khứ” Chủ tịch EuroCham khẳng định.
Hiệp định EVFTA và IPA: Những mốc thời gian chính 10/2010: Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch EU đồng ý khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA. 6/2012: Bộ trưởng Công Thương Việt Nam và Cao ủy Thương mại EU chính thức tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA. 12/2015: Kết thúc đàm phán và bắt đầu rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định. 6/2017: Hoàn thành rà soát pháp lý ở cấp kỹ thuật. 9/2017: EU chính thức đề nghị Việt Nam tách riêng nội dung bảo hộ đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước với nhà đầu tư (ISDS) ra khỏi Hiệp định EVFTA thành một hiệp định riêng do phát sinh một số vấn đề mới liên quan đến thẩm quyền phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do của EU hay từng nước thành viên. Theo đề xuất này, EVFTA sẽ được tách thành hai hiệp định riêng biệt, bao gồm: - Hiệp định Thương mại tự do bao gồm toàn bộ nội dung EVFTA hiện nay nhưng phần đầu tư sẽ chỉ bao gồm tự do hóa đầu tư trực tiếp nước ngoài. Vh này, EU có quyền phê chuẩn và đưa vào thực thi tạm thời. - Hiệp định Bảo hộ đầu tư (Hiệp định IPA) bao gồm nội dung bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư. Hiệp định IPA này phải được sự phê chuẩn của cả Nghị viện châu Âu và của Nghị viện các nước thành viên thì mới có thể thực thi. 6/2018: Việt Nam và EU đã chính thức thống nhất việc tách riêng EVFTA thành hai hiệp định gồm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA); chính thức kết thúc toàn bộ quá trình rà soát pháp lý Hiệp định EVFTA; và thống nhất toàn bộ các nội dung của Hiệp định IPA. 8/2018: Hoàn tất rà soát pháp lý Hiệp định IPA. 17/10/2018: Ủy ban châu Âu đã chính thức thông qua EVFTA và IPA. 25/6/2019: Hội đồng châu Âu đã phê duyệt cho phép ký Hiệp định. 30/6/2019: Việt Nam và EU chính thức ký kết EVFTA và IPA. 21/1/2020: Ủy ban Thương mại Quốc tế Liên minh châu Âu thông qua khuyến nghị phê chuẩn EVFTA. 12/2/2020: Nghị viện châu Âu thông qua EVFTA và IPA. 30/3/2020: Hội đồng châu Âu thông qua Hiệp định EVFTA. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận