EVFTA: Cơ hội cho ngành nông nghiệp Việt Nam chinh phục thị trường 150 tỷ USD
Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN&PTNT, hiệp định thương mại tự do thế hệ mới EVFTA mở ra một cơ hội rộng lớn cho ngành nông nghiệp, bởi đây là một thị trường lớn với GDP đứng thứ 4 thế giới và hàng năm lượng nhập khẩu nông sản của họ khoảng 150 tỷ USD.
Chiều muộn ngày 12/2 (giờ Việt Nam), với 401 phiếu thuận (đạt tỉ lệ 63,33%); 192 phiếu chống và 40 phiếu trắng, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) đã được Nghị viện châu Âu thông qua.
Với Hiệp định này, cả Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam đã trải qua một chặng đường dài. Nếu tính từ khi hai bên nhất trí khởi động đàm phán EVFTA vào tháng 10/2010 cho tới khi Hiệp định này chính thức được EU phê chuẩn vào đầu năm 2020, thời gian đã kéo dài gần tròn 10 năm.
Việc Nghị viện châu Âu phê chuẩn EVFTA đã đưa Việt Nam thành nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương có quan hệ thương mại tự do với EU. Điều này khẳng định vai trò và vị thế chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực, khẳng định Việt Nam - từ quốc gia đi sau trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, lần đầu tiên đã vươn lên trở thành nước đi đầu trong quan hệ thương mại với EU.
EVFTA khi có hiệu lực sẽ xóa bỏ hơn 99% số dòng thuế theo lộ trình, tạo thuận lợi cho các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu sang thị trường EU hiện nay của Việt Nam. Có được kết quả trên là nhờ sự chung tay góp sức, vận động chuẩn bị của cả hệ thống chính trị.
Phát biểu tại Tọa đàm “EVFTA: Hành trình một thập kỷ nỗ lực không ngừng nghỉ” do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức chiều 14/2, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN&PTNT cho biết, hiện nay, ngành nông nghiệp Việt Nam xuất khẩu trên toàn cầu mới được trên 40 tỷ, xuất khẩu sang EU mới khoảng trên 5 tỷ. Chúng ta còn rất nhiều dư địa khi giảm thuế để chúng ta có thể đưa hàng sang EU.
Đặc biệt, thu nhập trung bình của người dân ở EU thuộc mức thu nhập cao thì họ sẽ sẵn sàng trả cho những mặt hàng giá cao hơn và chất lượng, tiêu chuẩn cao hơn. Đây là một cơ hội rất tốt để ngành nông nghiệp Việt Nam chuyển mình không chỉ về số lượng mà quan trọng là về chất lượng để theo đúng định hướng tái cơ cấu nông nghiệp hướng tới một nền nông nghiệp mà giá trị cao hơn, chất lượng tốt hơn, bền vững về môi trường hơn và con người hơn.
"Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới EVFTA mở ra một cơ hội rộng lớn cho ngành nông nghiệp, bởi đây là một thị trường lớn với GDP đứng thứ 4 thế giới và hàng năm lượng nhập khẩu nông sản của họ khoảng 150 tỷ USD", ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nói.
Theo như ước lượng của một số nhóm nghiên cứu, khi Hiệp định này được thực thi, nó thể giúp tăng trưởng xuất khẩu mỗi năm trên 1tỷ USD vào thị trường EU và từ đó cũng giúp cho một phần nào tăng trưởng GDP trong nông nghiệp vào cỡ 0,4 – 0,5% /năm.
Đặc biệt, với một loạt các yêu cầu khắt khe của thị trường Châu Âu nếu chúng ta vượt qua được thì có nghĩa là chúng ta có thể đưa hàng sang các thị trường khác. Trong bối cảnh chúng ta vẫn còn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa thành chuỗi liên kết nên rất khó để mà quản lý thì ngành nông nghiệp cần tận dụng tốt các cơ hội mà xử lý các thách thức; làm sao tổ chức được sản xuất, đổi mới mô hình sản xuất cho ngành nông nghiệp.
"Chúng tôi hướng tới đặt mục tiêu là phát triển kinh tế hợp tác xã, mục tiêu đến năm 2020 có 15.000 hợp tác xã và thu hút doanh nghiệp vào đầu tư thành những cái chuỗi ví dụ như là trong khoảng 3 – 4 năm vừa qua, số doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp đã tăng khoảng 3 lần (12.381 doanh nghiệp và đã dựng lên khoảng 1.400 chuỗi sản phẩm an toàn)", ông Tuấn chia sẻ.
Bên cạnh đó, một thách thức khác đó là sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tiêu biểu nhất là ngành chăn nuôi. Đối với các doanh nghiệp đủ lớn họ có đủ khả năng để cạnh tranh còn đối với các doanh nghiệp quy mô nhỏ, hợp tác xã thì đây là một thách thức lớn. Chính vì vậy, thời gian tới ngành nông nghiệp tục tục củng cố phát triển hợp tác xã quy mô lớn hơn, hiệu quả tốt hơn.
Cũng theo ông Tuấn, trước khi nói về tranh chấp, khi đưa ra kiện thì trong nhà chúng ta phải sạch sẽ nên trong thời gian vừa qua ngành nông nghiệp khi tham gia các Hiệp định thì đảm bảo các tiêu chuẩn bên phía Châu Âu là quan trọng nhất. "Chúng tôi đã tập trung nỗ lực xử lý một loạt vấn đề như xử lý gỗ đảm bảo chứng chỉ bền vững, gỡ thẻ vàng với ngành thủy sản, tập trung nỗ lực cao nhất để làm sao xây dựng được mã số vùng trồng…", ông Tuấn nói.
"Những việc đó phải làm từ câu chuyện chính sách, khung pháp lý, đầu tư hỗ trợ, tuyên truyền vận động với người dân và DN. Hiện nay, chúng tôi đang phối hợp với bộ Công Thương triển khai theo dõi thương mại nông nghiệp của thị trường Liên minh Châu Âu. Vấn đề cuối cùng, nếu có tranh chấp thì xử lý thế nào? Chúng tôi đã có chủ trương phối hợp với các hiệp hội để có thông tin đầy đủ, thậm chí liên kết với hiệp hội, ngành hàng bên Châu Âu để nếu có việc gì chúng ta có thể xử lý trước khi đưa ra kiện tụng. Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương để tham gia vào câu chuyện tranh chấp, câu chuyện hàng giả để xây dựng cơ chế hòa giải trong EVFTA", Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế nhận định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận