EVFTA có hiệu lực, cổ phiếu nông nghiệp, hoá chất lên ngôi
Nhiều doanh nghiệp niêm yết trên sàn được hưởng lợi trực tiếp, tác động ngay đến doanh thu và lợi nhuận khi EVFTA có hiệu lực
Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên Minh Châu Âu (EVFTA) và hiệp định bảo hộ đầu tư IPA đã được nghị viện Châu Âu thông qua chính thức vào tháng 2/2020 và quốc hội Việt Nam thông qua vào tháng 6/2020, có hiệu lực chính thức từ ngày 1/8/2020. Hiệp định này được coi là cú hích quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 5-10 năm tới, ngoài ra nó còn có ý nghĩa góp phần đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu của Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh kinh tế.
Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và đầu tư, hiệp định EVFTA sẽ góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm khoảng 2,18% đến 3,25% vào năm 2025 (giai đoạn 5 năm đầu thực hiện), 4,57%-5,3% vào năm 2030 (5 năm tiếp theo) và 7,07%-7,72% vào năm 2035 so với kịch bản cơ sở (năm 2020).
Công ty Chứng khoán SSI vừa có báo cáo phân tích về các doanh nghiệp niêm yết được hưởng lợi khi EVFTA có hiệu lực.
SSI phân tích, năm 2019, EU 27 (không tính Anh) là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam sau Mỹ và Trung Quốc, với tổng kim ngạch thương mại đạt 49,8 tỷ USD, trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đạt 35,78 tỷ USD còn nhập khẩu từ EU vào Việt Nam đạt 14,05 tỷ USD.
Tuy vậy SSI cho rằng, các nhóm ngành xuất khẩu được cho là sẽ tăng trưởng mạnh mẽ nhất nhờ hiệp định EVFTA gồm có nông sản như gạo, đường, thịt gia súc gia cầm, rau củ quả; Ngành chế biến chế tạo như dệt may, da giày. Ngoài ra, dịch vụ vận tải, logistics… cũng hưởng lợi đáng kể.
Trong khi đó, các mặt hàng nhập khẩu được hưởng lợi gồm có máy móc linh kiện, ôtô... Bên cạnh đó, trong dài hạn, các ngành dịch vụ như ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, phân phối cũng sẽ được mở cửa cho các nhà đầu tư EU.
Riêng về ngành hàng xuất nhập khẩu SSI đánh giá sẽ được được hưởng lợi trực tiếp ngay sau EVFTA có hiệu lực, và tác động đối với các doanh nghiệp niêm yết trong ngành đó.
Triển vọng tăng trưởng mà hiệp định này mang lại cho nền kinh tế tuy được dự báo là lớn trong dài hạn, tuy nhiên trong ngắn hạn, không phải thuế giảm ngay về 0% hoặc hạn ngạch trong khuôn khổ EVFTA được dỡ bỏ là các doanh nghiệp được hưởng lợi ngay lập tức. Một phần lí do nằm ở việc một số mặt hàng đã có thuế xuất/nhập khẩu bằng 0% trước khi EVFTA được kí kết bên cạnh các lí do khác như các ngành hàng/doanh nghiệp của Việt Nam như chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu về quy tắc xuất xứ, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm, các rào cản kĩ thuật,…
Báo cáo của SSI nhận định, 9 ngành gồm có: gạo, rau củ quả, cà phê, điều, dệt may, thủy sản, gỗ, hóa chất, sữa là những ngày mà EVFTA có tác động ngay lập tức đến doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết.
Cụ thể, trong ngành gạo, NSC (Công ty cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam), TAR (Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An) là những cổ phiếu được hưởng lợi rất tích cực từ EVFTA.
Riêng ngành rau củ quả, NAF (Nafoods Group) hưởng lợi rất tích cực, theo đánh giá của SSI.
Ngành hoá chất có DGC (Hoá chất Đức Giang) cũng lọt danh sách này, tuy vậy ở cấp độ tích cực.
Ngành điều thì có LAF (Công ty Cổ phần Chế biến Hàng xuất khẩu Long An), cà phê (Vinacafe Biên Hoà), thuỷ sản (Vĩnh Hoàn, Camimex), dệt may (Dệt may Thành Công, TNG, Sợi thế kỷ) được hưởng lợi ở cấp độ tích cực.
SSI đánh giá ngành gỗ ở mức độ trung tính còn ngành sữa có triển vọng tiêu cực nhẹ khi EVFTA có hiệu lực.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận