EuroCham: Việt Nam nên duy trì chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt ổn định để hỗ trợ doanh nghiệp
Việc thay đổi chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt trong bối cảnh vừa ký kết Hiệp định EVFTA sẽ không khỏi gây ra những quan ngại về việc Việt Nam có thực sự mong muốn tạo điều kiện cho doanh nghiệp được hưởng lợi từ hiệp định mới này hay không, theo Hiệp hộ
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2019 (VBF 2019) mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, một trong những lợi ích từ Hiệp định EVFTA là giảm dần thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Liên minh Châu Âu.
Tuy nhiên, cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt của Việt Nam gần đây nhất vào năm 2016 đã đưa ra lộ trình tăng thuế suất 3 năm liên tiếp, gây ra những nghi ngại và khó khăn nhất định cho các doanh nghiệp Châu Âu.
Nhận định về chính sách thuế trên, EuroCham cho rằng chính sách trên của Việt Nam đã có những tác động đáng kể đối với các sản phẩm rượu nhập khẩu và hoàn toàn làm vô hiệu hóa những lợi ích tiềm năng từ việc cắt giảm thuế quan.
"Mặc dù vấn đề mấu chốt là rượu nằm ngoài kiểm soát, không nộp thuế ở Việt Nam hiện chiếm 75% tổng lượng tiêu thụ, Bộ Tài chính đã nhiều lần dựa vào một số tài liệu quốc tế cho rằng thuế rượu ở Việt Nam thấp so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, điều này là không chính xác đối với mặt hàng rượu vang và rượu mạnh cao cấp", EuroCham nhấn mạnh.
Cũng tại VBF 2019, EuroCham bày tỏ lo ngại rằng bất kỳ thay đổi nào trong chính sách thuế ở giai đoạn này cũng sẽ cản trở những nỗ lực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia mà Việt Nam đang tiến hành.
Bên cạnh đó, thay đổi chính sách thuế cũng sẽ gây ra những tác động ngoài mong muốn đến sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
Việt Nam cần duy trì chính sách thuế ổn định để hỗ trợ doanh nghiệp
Tại VBF 2019, EuroCham đã đề xuất Bộ Tài chính tham vấn Chính phủ việc ổn định hệ thống chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm tạo điều kiện cho hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và cộng đồng doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam nói riêng.
Theo EuroCham, bất kỳ một thay đổi nào về chính sách thuế cũng sẽ có ảnh hưởng đến các kế hoạch kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp.
Kể từ năm 2013 đến nay, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã sửa đổi 5 lần vào các năm 2003, 2005, 2008, 2014 và 2016. Chỉ tính riêng từ năm 2014 đến nay, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng rượu bia đã tăng liên tục hàng năm.
Việc thay đổi này dẫn đến việc trong một số trường hợp, gánh nặng thuế tiêu thụ đặc biệt có thể tăng gấp ba. Cứ mỗi năm, các doanh nghiệp trong ngành lại phải điều chỉnh chi phí tài chính, doanh thu và lợi nhuận theo thuế suất mới, ảnh hưởng trực tiếp tới kế hoạch kinh doanh ngắn và trung hạn của doanh nghiệp.
"Các doanh nghiệp sẽ ngần ngại trong việc đầu tư mở rộng vì lo ngại rằng thuế suất không ổn định và hoạt động kinh doanh sẽ khó khăn hơn. Gánh nặng thuế, phí cũng sẽ làm giảm sức hấp dẫn và tính cạnh tranh của môi trường đầu tư tại Việt Nam", EuroCham nhấn mạnh trong đề xuất của mình.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần đảm bảo công bằng, không phân biệt giữa các sản phẩm nhập khẩu và sản phẩm trong nước theo tinh thần của Hiệp ước chung trong "Quy tắc tối hệ quốc" và "Quy tắc đối xử quốc gia"
EuroCham cho rằng, Việt Nam vừa ký Hiệp định EVFTA với Liên minh Châu Âu với kỳ vọng sẽ đem lại những lợi ích đáng kể cho các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp của các nước thành viên thông qua giảm thuế đối với những mặt hàng nhập khẩu từ những nước này.
Trong bối cảnh này, việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và tăng thuế suất đối với một số mặt hàng như rượu và ô tô đang nhập khẩu từ Châu Âu và một số nước thành viên thuộc CPTPP sẽ không khỏi gây ra những quan ngại về việc Việt Nam có thực sự mong muốn tạo điều kiện cho họ được hưởng lợi từ hiệp định mới này hay không ?
Mặc dù Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã được sửa đổi 5 lần kể từ năm 2003 và thuế suất đối với mặt hàng rượu vẫn đang tăng hàng năm kể từ năm 2014 nhưng cho đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu nào đánh giá một cách toàn diện về tác động kinh tế, xã hội của những cải cách thuế này.
Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng rượu, bia chủ yếu nhằm mục đích giảm tiêu dùng mặt hàng này và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có báo cáo hay nghiên cứu nào cho thấy những thay đổi về thuế suất hay cách tính thuế trước đây có hiệu quả ra sao đối với việc giảm tiêu dùng và cải thiện sức khỏe người dân.
Đặc biệt, trong bối cảnh hơn 70% lượng rượu tiêu thụ trên thị trường là các sản phẩm nằm ngoài kiểm soát như rượu nấu thủ công, rượu giả... thì việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt không góp phần làm giảm lượng tiêu thụ mà còn tạo điều kiện cho các hoạt động kinh doanh rượu bất hợp pháp phát triển.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận