EU lên kế hoạch rót hàng tỷ USD cho ngành sản xuất chip
Liên minh châu Âu (EU) đang hỗ trợ nhiều khoản đầu tư hơn vào việc sản xuất chip nhằm ngăn chặn những gián đoạn chuỗi cung ứng trong thời gian tới - và cuối cùng trở nên ít phụ thuộc hơn vào các công ty nước ngoài.
Thứ Ba vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành của EU, đã công bố Đạo luật Chip châu Âu mới, cho phép 15 tỷ euro (17.11 tỷ USD) đầu tư công và tư nhân bổ sung cho đến năm 2030 sau khi đã phê duyệt 30 tỷ euro đầu tư công trước đó.
“Đại dịch đã làm bộc lộ lỗ hổng của chuỗi cung ứng chip một cách đau đớn. Tình trạng thiếu chip trên toàn cầu đã thực sự làm chậm quá trình phục hồi của chúng tôi”, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nói hôm thứ Ba.
Các nhà sản xuất xe hơi và những doanh nghiệp khác trong khối liên minh đã phải vất vả chống chọi với đại dịch Covid, vì chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng và khiến khả năng tiếp cận công nghệ rất cần thiết bị hạn chế. Chip được sử dụng cho tất cả mục đích hàng ngày, chẳng hạn như sản xuất hàng gia dụng và xe hơi.
“Chúng tôi tự đặt mục tiêu vào năm 2030 có 20% thị phần toàn cầu trong lĩnh vực sản xuất chip, ngay tại châu Âu. Hiện tại, chúng tôi đang ở mức 9%”, von der Leyen nói.
Thúc đẩy sản xuất chip ở EU là một trong những lời hứa quan trọng mà von der Leyen đưa ra vào tháng 9 khi phát biểu trước các nhà lập pháp châu Âu.
Hôm thứ Ba, EC đã thông báo ý định điều chỉnh các quy tắc viện trợ của Nhà nước để hỗ trợ nhiều hơn đầu tư công vào lĩnh vực này. Để một dự án mới nhận được nguồn tài trợ công đồng thời tôn trọng các quy tắc viện trợ của Nhà nước, nó phải đáp ứng được tiêu chí “đầu tiên”, nghĩa là chưa tồn tại hoặc sắp tồn tại một cái tương đương.
Những đề xuất mới nhất vẫn chưa được các nước thành viên châu Âu và các nhà lập pháp thảo luận và thông qua. Tuy nhiên, chúng đến vào thời điểm EU đang tìm cách nâng cao vai trò trong thế giới công nghệ.
Thuật ngữ chủ quyền kỹ thuật số mô tả ý tưởng rằng liên minh này cần thúc đẩy sự đổi mới và trở nên ít phụ thuộc hơn vào công nghệ và các công ty nước ngoài. Những năm gần đây, khái niệm này đã được các cộng đồng châu Âu chú ý và ủng hộ nhiều hơn trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ.
Hiện tại, phần lớn việc sản xuất chip trên thế giới diễn ra ở Trung Quốc và Đài Loan.
“Nếu muốn kiểm soát vận mệnh của mình, châu Âu phải tham gia thiết kế các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) thế hệ tiếp theo. Điều này đòi hỏi phải có R&D, thiết kế và sản xuất chip ngay tại châu lục này”, các nhà phân tích tại ING cho biết hôm thứ Ba.
Tuy nhiên, phát biểu với CNBC hồi tháng 11, trưởng bộ phận cạnh tranh của châu Âu cảnh báo châu Âu không nên có bất kỳ kỳ vọng không thực tế nào về vai trò trong lĩnh vực bán dẫn.
“Những con số mà tôi nghe nói đến, những khoản đầu tư được ứng trước để có thể tự túc hoàn toàn, điều đó khiến nó không thể thực hiện được”, Margrethe Vestager, phó chủ tịch điều hành của EC, nói với CNBC trong một cuộc phỏng vấn độc quyền tại London.
“Điều quan trọng là có một mức năng lực sản xuất khác ở châu Âu”, bà nói. Thị phần chất bán dẫn của châu Âu từng là 40% vào những năm 1990, theo dữ liệu từ EC.
“Đồng thời, bạn sẽ cần rất nhiều chip đến từ công nghệ kế thừa, dùng cho kết nối internet vạn vật (IoT), tủ lạnh, máy pha cà phê của bạn. Đó là công nghệ kế thừa, và sẽ mất một thời gian vì loại hình đó chuyển sang vị trí dẫn đầu”, Vestager nói và lưu ý điều quan trọng là “phải nhìn nhận bản thân ở góc độ toàn cầu và xem chúng ta muốn có sự phụ thuộc lẫn nhau thực sự, cả về mặt chính trị, để cam kết giúp đỡ lẫn nhau lúc khó khăn”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận