EU chia rẽ trong việc trừng phạt dầu mỏ Nga
Ngoại trưởng Litva và Ireland hôm nay 21/3 cho rằng Liên minh châu Âu (EU) nên tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào lĩnh vực năng lượng béo bở của Nga.
Trước đó, Liên minh châu Âu và các đồng minh phương Tây đã áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt nhằm vào kinh tế Nga sau khi nước này tiến hành một chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine, bao gồm cả việc đóng băng tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga.
Cuộc khủng hoảng nhân đạo tại thành phố cảng Mariupol của Ukraine đang gia tăng áp lực buộc châu Âu phải hành động mạnh mẽ hơn nữa. Thành phố Mariupol đang bị vây hãm và hàng trăm ngàn cư dân bị mắc kẹt và nguồn lương thực, điện, nước bị cắt đứt. Nga đã ra tối hậu thư buộc phía Ukraine hạ vũ khí và thời hạn là 5 giờ ngày 21/3 (giờ địa phương). Đáp lại, Ukraine tuyên bố sẽ không đầu hàng tại Mariupol.
"Nhìn vào mức độ tàn phá ở Ukraine lúc này, rất khó để đưa ra quyết định rằng chúng ta không cần chuyển hướng tấn công vào lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là dầu và than đá", Ngoại trưởng Ireland Simon Coveney nói trước thêm cuộc họp của các bộ trưởng EU.
Tuy nhiên, trừng phạt dầu mỏ Nga như cách Mỹ và Vương quốc Anh đã làm, là một lựa chọn khó khăn và gây chia rẽ trong EU bởi khu vực này phụ thuộc tới 40% khí đốt từ Nga.
Các nhà ngoại giao nói với hãng tin Reuters rằng các nước Baltic (gồm: Estonia, Latvia, và Lithuania) đang thúc đẩy lệnh cấm vận năng lượng như bước đi hợp lý tiếp theo nhằm trừng phạt Nga, trong khi Đức, quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt của Nga, cảnh báo không nên hành động quá vội vàng bởi giá năng lượng ở châu Âu vốn đã tăng cao.
"Không thể tránh khỏi việc chúng ta bắt đầu nói về lĩnh vực năng lượng, và chúng ta hoàn toàn có thể bàn về dầu mỏ vì nó là nguồn thu lớn nhất cho ngân sách Nga", Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis nói.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock bày tỏ: "Những bức ảnh đến chúng tôi thấy được từ Ukraine thật đau lòng". "Điều này càng cho thấy rõ rằng EU, thế giới tin tưởng vào một trật tự dựa trên luật lệ, phải cô lập chế độ này", Ngoại trưởng Đức nói khi đến dự cuộc họp của EU. Tuy nhiên, bà Annalena Baerbock đã từ chối trả lời câu hỏi về điều gì có thể kích hoạt các lệnh trừng phạt đối với lĩnh vực năng lượng của Nga.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte phát biểu tại một cuộc họp riêng rằng EU vẫn phụ thuộc vào dầu khí của Nga và không thể "dứt áo" ngay ngày mai, đồng thời chỉ ra những hạn chế mà EU có thể thực hiện trong giai đoạn này.
Các nhà ngoại giao cho rằng một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học của Nga ở Ukraine, hoặc một cuộc oanh tạc nặng nề vào thủ đô Kyiv, có thể là "nguồn cơn" dẫn đến một lệnh cấm vận nhằm vào năng lượng Nga.
Bản thân Moscow cũng đã cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt của EU đối với dầu mỏ Nga có thể khiến nước này đóng cửa một đường ống dẫn khí đốt tới châu Âu.
Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ đến Brussels vào ngày 24/3 để đàm phán với 30 đồng minh của NATO, EU, và Nhật Bản trong một hy vọng gia cố phản ứng của phương Tây đối với Moscow.
Điện Kremlin cho đến nay vẫn chưa có động thái thay đổi hướng đi ở Ukraine sau một loạt các biện pháp trừng phạt của EU, trong đó 685 người Nga và Belarus cùng với ngành tài chính - thương mại Nga bị đưa vào diện trừng phạt.
Một số quan chức EU cho biết, vòng trừng phạt thứ 5 sẽ bao gồm việc bổ sung nhiều cái tên vào danh sách đen của EU, trong khi đó phía Pháp cho rằng nếu tình hình ở Ukraine xấu đi, thì không nên có "vùng cấm" trong các biện pháp trừng phạt.
Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ ngày 24/2. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gọi các hành động của Nga là một "hoạt động đặc biệt" nhằm phi quân sự hóa Ukraine.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận