EU chỉ có 5 năm để “cai nghiện” dầu mỏ và khí đốt Nga
Kinhtedothi - Lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu (EU) nhất trí chấm dứt hoàn toàn sự phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ và khí đốt của Nga vào năm 2027.
Các nhà lãnh đạo EU nhóm họp tại TP Versailles (Pháp) trong 2 ngày 10 và 11/3, tập trung thảo luận tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine đối với kinh tế, chi tiêu quốc phòng và nguồn cung năng lượng của khối.
Theo CNN, tại cuộc họp thượng đỉnh lần này, lãnh đạo các nước EU đã nhất trí giảm dần sự phụ thuộc của khối vào dầu, khí đốt và than đá Nga, cũng như chấm dứt hoàn toàn sự phụ thuộc này vào năm 2027.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 11/3 cho biết các nhà lãnh đạo EU đã đồng ý dành hai tháng tới để soạn thảo các đề xuất nhằm loại bỏ sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu năng lượng của Nga vào năm 2027. "Đến giữa tháng 5, chúng tôi sẽ đưa ra các đề xuất nhằm loại bỏ dần sự phụ thuộc của EU vào khí đốt, dầu và than đá của Nga vào năm 2027” - bà Von der Leyen thông báo sau khi kết thúc cuộc họp thượng đỉnh EU hôm thứ Sáu.
Phát biểu tại cuộc họp báo cùng Chủ tịch Hội đồng EU Charles Michel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sau hội nghị thượng đỉnh ở Versailles, bà Von der Leyen nói rằng EC sẽ đưa ra đề xuất yêu cầu các cơ sở lưu trữ khí đốt của các nước châu Âu phải được lấp đầy 90% vào đầu tháng 10 hàng năm để đảm bảo ổn định nguồn cung năng lượng.
Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) hôm 8/3 công bố kế hoạch được kỳ vọng sẽ giúp EU giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga trong vòng một năm thông qua những bước đi như tăng cường mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), đẩy nhanh phát triển năng lượng tái tạo, thúc đẩy hiệu quả sử dụng năng lượng.
Ông Frans Timmermans, Giám đốc chính sách khí hậu của EU, ngày 8/3 nói rằng châu Âu có thể đảm bảo nguồn cung để bù đắp 100 tỷ mét khối khí đốt nhập khẩu của Nga vào cuối năm 2022.
Các nước EU vẫn đang phụ thuộc vào năng lượng của Nga, với nhiên liệu nhập khẩu từ Nga hiện chiếm tới 40% nhu cầu khí đốt, 27% nhập khẩu dầu mỏ và 46% nhập khẩu than đá của toàn liên minh.
Cú sốc giá năng lượng do xung đột Nga - Ukraine đang đe dọa đến nền kinh tế EU vốn vẫn đang phục hồi sau đại dịch Covid-19. Sự phụ thuộc nói trên cũng gây chia rẽ trong phản ứng của phương Tây đối với việc Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. EU trong tuần này từ chối tham gia với Mỹ và Anh trong việc áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga.
Đến nay, các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) nhằm đáp trả việc Nga thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine mới chỉ tập trung vào các ngân hàng Nga, một số nhân vật có tầm ảnh hưởng, cấm máy bay Nga và không phận EU và ngừng xuất khẩu công nghệ sang Nga.
Trước đó, hôm 7/3, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cảnh báo Nga có thể cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Đức qua tuyeensn đường ống Nord Stream 1 để trả đũa việc Berlin ngừng cấp giấy chứng nhận cho dự án Dòng chảy Phương Bắc 2.
Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa tuyên bố Moscow sẽ tiếp tục cung cấp khí đốt cho châu Âu theo hợp đồng đã ký kết.
Phát biểu trong cuộc họp chính phủ ngày 10/3, Tổng thống Putin khẳng định, Nga sẽ tiếp tục đáp ứng các nghĩa vụ theo hợp đồng cung cấp khí đốt cho châu Âu mặc dù bị áp đặt các lệnh trừng phạt toàn diện, trong đó có cả lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ Nga của Mỹ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận