EU áp thuế VAT hàng hóa trực tuyến: Doanh nghiệp cần chiến lược bài bản
Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, EU đã chính thức áp dụng thuế VAT đối với các giao dịch điện tử của nhà cung ứng từ nước thứ ba đến khách hàng. Điều này buộc các DN Việt Nam cần phải tính bài toán lâu dài khi xuất khẩu vào thị trường này.
Cụ thể, từ ngày 1/7/2021, hàng hóa được đưa vào EU có nguồn gốc giao hàng từ nước thứ ba đều thuộc diện chịu thuế VAT và phải khai báo hải quan kể cả hàng hóa có giá trị nhỏ. Các quốc gia EU thành lập Hệ thống IOSS (thủ tục nhập khẩu một cửa) để thông quan hàng hóa với những giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) có giá trị từ 150 Euro trở xuống. Điều này sẽ cho phép người bán hoặc sàn tính thuế VAT tại điểm bán hàng và chuyển trực tiếp cho các cơ quan chức năng.
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) - cho rằng, quy định mới sẽ góp phần phát triển giao dịch TMĐT theo hướng tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các DN TMĐT trong và ngoài EU. Tuy nhiên, trong bối cảnh giao dịch TMĐT ngày càng phát triển, quy định của EU ảnh hưởng đến cả người tiêu dùng EU và các DN kinh doanh hàng tiêu dùng B2C (từ nhà bán hàng đến người tiêu dùng) trên nền tảng trực tuyến, từ một nước thứ ba ngoài lãnh thổ EU. Bên cạnh đó, với quy định tính thuế VAT, các DN muốn đưa nông sản hay các loại hàng hóa vào thị trường EU cũng gặp khó.
Lý giải vấn đề này, bà Huyền nêu cụ thể, hiện nay các giao dịch TMĐT của Việt Nam sang EU còn rất sơ khởi. Quy định mới này sẽ khiến cho hoạt động bán hàng trực tuyến từ các nước bên ngoài vào EU gặp nhiều khó khăn khi chi phí gia tăng khá nhiều. "Cụ thể, bưu điện của Bỉ đã thử nghiệm thu phí đối với giao dịch TMĐT ngoài EU trong bối cảnh chưa có nhà kinh doanh nào đăng ký IOSS thì mua hàng trực tuyến từ ngoài EU vào EU đang gặp nhiều khó khăn khi chi phí gia tăng rất nhiều. Do đó, có nhiều khách hàng từ chối nhận hàng hoặc hoàn trả sản phẩm"- bà Huyền thông tin.
Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho rằng, các DN Việt Nam muốn phát triển bán hàng online hoặc qua sàn giao dịch TMĐT tới người tiêu dùng EU cần đăng ký kinh doanh ở một nước EU và nên khai báo các giao dịch theo trang web IOSS của từng nước thành viên. Nếu sàn giao dịch không thực hiện đăng ký IOSS, các nhà cung ứng dịch vụ logistics như bưu điện, chuyển phát sẽ thu thuế (VAT) và phí (cho thủ tục khai thuế VAT với hàng hóa nhập khẩu) của dịch vụ mua hàng trực tuyến. Do đó, bán hàng trực tuyến vào EU sẽ gặp nhiều khó khăn khi chi phí gia tăng khá nhiều.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, với quy định này, nếu lượng hàng hóa xuất khẩu sang EU lớn, DN xuất khẩu Việt Nam qua TMĐT quy mô ngày càng tăng thì chi phí logistics cho hàng hóa xuất khẩu sang EU sẽ càng giảm, từ đó tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU. "DN Việt Nam có thể thấy TMĐT xuyên biên giới đang là cơ hội ngày càng lớn tại châu Âu, và sẽ có cơ hội thành công trên thị trường này nếu tiếp cận một cách bài bản và có một chiến lược dài hạn" - Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ đánh giá.
Là đơn vị mới ở sân chơi xuất khẩu hàng hóa qua nền tảng TMĐT vào EU, đại diện Sàn TMĐT Vỏ Sò cho biết, đã nghiên cứu kỹ các quy định và sẽ phải có nhiều điều chỉnh để thực hiện các quy định mới. Cụ thể, DN này đang xúc tiến thành lập đại diện tại EU, ngoài nhiệm vụ xúc tiến thương mại bán hàng, đại diện của Vỏ sò tại EU sẽ thực hiện các nghĩa vụ VAT theo IOSS. Theo đó kế hoạch trong dài hạn, đơn vị này chia sẻ sẽ tiếp tục triển khai đưa các nông sản, đặc sản đạt chất lượng ra thị trường quốc tế thông qua hình thức TMĐT xuyên biên giới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận