menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Phạm Học

ECB hạ lãi suất, triển khai QE để vực dậy nền kinh tế

Chủ tịch NHTW châu Âu (ECB) Mario Draghi đã thực hiện một trong những nỗ lực cuối cùng trong nhiệm kỳ của mình nhằm vực dậy nền kinh tế EU. Tuy nhiên ông vẫn kêu gọi chính sách tài khóa nên đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy tăng trưởng.

Mạnh tay nới lỏng tiền tệ

Theo đó ECB hôm thứ năm tuần trước (12/9) đã quyết định giảm lãi suất tiền gửi xuống còn -0,5% từ mức -0,4% và cho biết sẽ tái khởi động lại chương trình mua tài sản (hay còn được gọi là chương trình nới lỏng định lượng – QE) từ ngày 1/11 tới với tốc độ 20 tỷ euro (22 tỷ USD) mỗi tháng và sẽ kéo dài chừng nào vẫn thấy cần thiết để đạt được mục tiêu lạm phát.

“Chúng tôi có không gian để tiếp tục duy trì nhịp điệu này trong một thời gian”, Draghi tuyên bố tại buổi họp báo ở Frankfurt sau quyết định chính sách của ECB. “Chúng tôi vẫn nghĩ rằng xác suất suy thoái đối với khu vực đồng euro là nhỏ, nhưng nó đã tăng lên”.

ECB đồng thời cắt giảm chi phí các khoản vay dài hạn của mình dành cho các ngân hàng và những người cho vay sẽ được miễn lãi suất âm đối với một số khoản tiền gửi của họ sau khi có sự phản đối từ ngành công nghiệp này về việc lãi suất âm đã bào mòn lợi nhuận của họ. ECB cũng thay đổi hướng dẫn về lãi suất khi nói rằng họ sẽ duy trì lãi suất ở mức hiện tại hoặc thấp hơn cho đến khi triển vọng lạm phát mạnh mẽ, hội tụ tới mục tiêu là ngay dưới 2%...

Việc ECB quyết định triển khai gói kích thích mới là một sự kiện đáng chú ý, song đã được cơ quan này báo trước từ lâu. Hiện lạm phát trong khu vực đồng tiền chung chỉ bằng khoảng một nửa mục tiêu và sự suy giảm trong lĩnh vực sản xuất có nguy cơ lan sang phần còn lại của nền kinh tế.

Chỉ vài giờ trước khi ECB đưa ra quyết định của mình, các số liệu sản xuất công nghiệp cho thấy sự khởi đầu khá yếu ớt trong quý thứ ba của năm với sản lượng khu vực đồng euro giảm 0,4% trong tháng 7, mạnh hơn dự kiến. Sự suy giảm bắt nguồn từ Đức và hiện nền kinh tế lớn nhất khu vực đang trên bờ vực suy thoái do sự suy giảm thương mại toàn cầu đang làm tổn thương nặng nề hoạt động xuất khẩu của Đức.

Việc triển khai các biện pháp nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ như vậy là một chiến thắng của ông Draghi tại một trong những cuộc họp cuối cùng trong nhiệm kỳ của ông. Các thống đốc từ các nền kinh tế lớn trong khu vực bao gồm Đức và Hà Lan đã phản đối việc khởi động lại chương trình mua tài sản, nói rằng chỉ nên xem nó là biện pháp cuối cùng trong trường hợp triển vọng xấu đi.

Bình luận về động thái này của ECB, các nhà kinh tế Jamie Rush và David Powell của Bloomberg Economics cho biết, phần lớn các quyết định đưa ra là phù hợp với dự báo của Bloomberg Economics. “Mặc dù quy mô mua tài sản ít hơn mức 45 tỷ USD/tháng mà chúng tôi dự kiến, thế nhưng ECB lại để ngỏ thời hạn thay vì sẽ triển khai trong 12 tháng như chúng tôi dự kiến ​và việc gắn với động lực lạm phát có nghĩa là quy mô cuối cùng là rất đáng kể”.

Thế giới nói gì?

Tuy nhiên, hiện vẫn có nhiều nghi ngờ về tính hiệu quả của gói kích thích tiền tệ mới mà ECB triển khai. Quả vậy, hiện lợi suất trái phiếu dài hạn đã sụt giảm rất mạnh do kinh tế trì trệ, nên một đợt mua nợ khác có thể không gây áp lực giảm nhiều hơn nữa.

Bên cạnh đó, các học giả cũng đã đặt câu hỏi về tính hiệu quả của lãi suất âm. Một nghiên cứu vừa được Đại học Bath công bố gần đây cho thấy, các ngân hàng đã giảm cho vay trong bối cảnh lãi suất âm. Trên thực tế việc cắt giảm lãi suất mới nhất đi kèm với các miễn trừ để giảm bớt tác động đối với các ngân hàng lại càng làm tăng thêm những lo ngại đó. Nhiều ngân hàng nói rằng họ đã buộc phải hấp thụ phần lớn chi phí của lãi suất âm bởi họ không dễ chuyển những chi phí này sang cho khách hàng.

Những nghi ngờ về tính hiệu quả của chính sách nới lỏng tiền tệ càng làm nổi bật hơn vai trò kích thích tài khóa. Draghi và người kế nhiệm của ông, bà Christine Lagarde, cả hai đã liên tục kêu gọi các chính phủ làm nhiều hơn để thúc đẩy nền kinh tế. “Có một điều đồng thuận”, ông nói. “Đó là chính sách tài khóa nên trở thành công cụ chính”.

Mặc dù vậy, quyết định của ECB cũng khiến nhiều NHTW khác phải nhanh chóng hành động. Sau khi quyết định chính sách của ECB được công bố, NHTW Đan Mạch cũng lập tức hạ lãi suất tiền gửi xuống -0,75% nhằm bảo vệ đồng tiền của mình không bị tăng giá quá mạnh so với đồng euro.

Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tweet rằng: “ECB đang hành động nhanh chóng, cắt giảm lãi suất 10 điểm cơ bản. Họ đã cố gắng và đã thành công trong việc giảm giá đồng euro so với đồng đôla rất mạnh, làm tổn thương xuất khẩu của Mỹ… Còn Fed chỉ ngồi yên, ngồi và ngồi. Họ được trả tiền để vay tiền, trong khi chúng ta phải trả lãi”.

Có thể xem lời tweet này của ông Trump như lời kêu gọi Fed nên cắt giảm mạnh lãi suất hơn nữa. Trong phát biểu trên tweet trước đó, ông Trump thậm chí đã kêu gọi Fed nên giảm lãi suất xuống còn 0%, thậm chí là thấp hơn và tái khởi động chương trình QE để hỗ trợ nền kinh tế. Hiện giới phân tích và các thị trường cũng đang kỳ vọng Fed có thể sẽ giảm chi phí vay vào tuần tới lần thứ hai trong năm nay trong bối cảnh làn sóng cắt giảm lãi suất đang lan rộng trên toàn cầu.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại