ECB cắt giảm lãi suất tiền gửi, ra mắt chương trình mua trái phiếu mới
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã công bố một chương trình mua trái phiếu mới có quy mô khổng lồ vào hôm thứ Năm, trong một nỗ lực để kích thích nền kinh tế khu vực đồng euro đang suy yếu.
Chương trình nới lỏng định lượng (QE) của ngân hàng trung ương bao gồm 20 tỷ euro (21,9 tỷ USD) được đưa ra mỗi tháng để mua tài sản ròng.
ECB cũng cắt giảm lãi suất tiền gửi (ngân hàng thương mại gửi tiền tại ngân hàng trung ương) thêm 10 điểm cơ bản, từ -0,4% xuống -0,5%, mức thấp kỷ lục nhưng phù hợp với kỳ vọng của thị trường.
Hiện tại, thị trường hy vọng lãi suất sẽ duy trì ở mức hiện nay hoặc thấp hơn cho đến khi các thông tin về triển vọng lạm phát được đưa ra “tiến tới đủ gần với tỷ lệ lạm phát mục tiêu nhưng vẫn dưới 2% trong phạm vi dự báo”.Trong một cuộc họp báo sau quyết định nói trên, Chủ tịch ECB Mario Draghi kêu gọi các chính phủ thực hiện các biện pháp tài khóa để tăng hiệu ứng cho kích thích tiền tệ của ngân hàng trung ương và kiến tạo lại nền kinh tế khu vực đồng euro.
“Với tầm nhìn triển vọng kinh tế đang suy yếu và sự nổi lên liên tục của rủi ro giảm giá, các chính phủ còn không gian tài khóa nên hành động một cách hiệu quả và kịp thời”, ông Draghi nói.
Tuy nhiên, “tại các quốc gia có nợ công cao, chính phủ cần theo đuổi các chính sách thận trọng để đảm bảo nền kinh tế duy trì được ổn định. Tất cả các quốc gia nên củng cố những nỗ lực của mình để đạt được tăng trưởng cao hơn và nền tài chính công an toàn hơn”, ông nói thêm.
Ngoài ra, ECB cũng thay đổi tỷ lệ TLTRO (hoạt động tái cấp vốn dài hạn theo mục tiêu) để cung cấp các điều kiện cho vay đối với ngân hàng thương mại thuận lợi hơn và phù hợp với tỷ lệ tái cấp vốn của cơ quan này, xóa bỏ mức chênh lệch 10 điểm cơ bản trước đó.
Với hệ thống chính sách mới, phía ngân hàng thương mại đi vay ECB sẽ nhận được lãi suất ưu đãi nếu điều kiện khoản vay ròng vượt chuẩn, điều này tạo động lực cho các ngân hàng tận dụng chính sách tiền tệ này.
Trong một động thái được cho là phù hợp với kỳ vọng của thị trường, ECB cũng giới thiệu một hệ thống lãi suất hai cấp, một biện pháp được khuyến khích bởi người đứng đầu của nhiều ngân hàng lớn ở châu Âu. Động thái này nhằm giảm bớt một số áp lực của lãi suất âm trên bảng cân đối kế toán của các ngân hàng châu Âu, vốn đã chứng kiến lợi nhuận bị co hẹp bởi môi trường lãi suất thấp kéo dài.
Draghi nói thêm trong cuộc họp báo của mình: Để hỗ trợ việc truyền tải chính sách tiền tệ dựa trên ngân hàng, Hội đồng Quản trị ECB đã quyết định đưa ra một hệ thống hai cấp được thụ hưởng lợi ích, một phần trong đó là ngân hàng nắm giữ thanh khoản dư thừa sẽ được miễn trừ lãi suất cơ sở tiền gửi âm.
Nỗ lực cuối cùng của Draghi
Các thị trường đã dự đoán về một số hình thức của gói kích thích lần này của ECB, mặc dù những thành viên có quan điểm cứng rắn hơn trong Hội đồng quản trị ECB trong những tuần gần đây đã đưa ra các quan điểm về việc gói kích thích chỉ nên có quy mô thấp hơn dự đoán của thị trường.
Nhưng, một nền kinh tế khu vực đồng euro tăng trưởng chậm lại, lạm phát thấp kéo dài và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đã chỉ ra rằng ngân hàng trung ương buộc phải bơm đủ tiền kích thích kinh tế.
Dữ liệu kinh tế gần đây không như kỳ vọng, mặc dù Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) mới nhất cho thấy sự ổn định của nền sản xuất, bất chấp những yếu kém trong ngành công nghiệp.
Đây sẽ là gói QE thứ hai của ECB, lần đầu tiên được đưa ra bốn năm trước để đối phó với sự sụp đổ hỗn loạn của cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng euro.
Chỉ tịch sắp mãn nhiệm Mario Draghi sẽ hy vọng quyết định chính sách cuối cùng của ông tại vị trí lãnh đạo ECB sẽ giúp khối này tránh khỏi suy thoái kinh tế và đưa tăng trưởng cùng lạm phát trở lại đúng hướng.
Christine Lagarde, người sắp thay thế ông, đã kêu gọi kích thích tài khóa nhiều hơn để bổ sung cho chính sách ECB.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế trưởng của ING Carsten Brzeski cho biết trong một lưu ý hôm thứ Năm rằng, bất chấp sự phấn khích của thị trường hiện tại, câu hỏi vẫn là liệu điều chỉnh chính sách lần này của ECB có đủ để tăng trưởng và lạm phát trở lại đúng quỹ đạo không, khi “con voi trong phòng” là chính sách tài khóa (vấn đề hiển nhiên dễ thấy là chính sách tài khóa, nhưng đang bị lờ đi).
“Rõ ràng là không có chính sách kích thích tài khóa, nỗ lực cuối cùng của Draghi sẽ không đi đến một kết cục có hậu”, theo ông Brzeski.
Phản ứng của thị trường
Chỉ số Stoxx 600 của châu Âu đã tăng 0,6% ngay sau thông báo đầu tiên về chính sách mới, cho thấy sự phản ứng tích cực với quyết định của Chủ tịch ECB Mario Draghi khi đưa ra gói kích thích như kỳ vọng của thị trường.
Lợi suất trái phiếu khu vực đồng euro sụt giảm và đồng euro suy yếu sau khi các biện pháp kích thích tài khóa mới được công bố. Lợi tức trái phiếu 10 năm của Đức giảm 8 điểm cơ bản xuống -0,64%, trong khi đồng euro giảm xuống dưới 1,10 USD/EUR.
Trong khi đó, cổ phiếu ngân hàng châu Âu lao dốc, trả lại mức tăng trước đó để giảm 0,9% xuống dưới nền giá phẳng.
Artur Baluszynski, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Henderson Rowe, cho biết ECB đẩy lãi suất sâu hơn vào vùng tiêu cực “về cơ bản là đánh thuế đối với các ngân hàng khu vực đồng euro, và đối với nền kinh tế tài chính ngân hàng đã suy yếu như khu vực đồng euro thì động thái này có thể gây ra nhiều rắc rối hơn”.
“Ngoài ra, với việc Fed vẫn là ngân hàng trung ương duy trì chính sách tiền tệ chặt chẽ nhất nhóm G7, thanh khoản euro - dollar có thể chịu áp lực gây thêm căng thẳng cho hệ thống ngân hàng châu Âu đang ngày càng chịu nhiều thách thức”, ông nói thêm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận