Đường sắt Nhổn - ga Hà Nội không kịp tiến độ vận hành vào cuối năm
Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội có khả năng không đạt được mốc tiến độ khai thác đoạn trên cao vào cuối năm 2021.
Sáng 16/9, Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) đã thông tin về tiến độ triển khai cũng như công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội. Đáng chú ý, theo MRB, dự án có thể không đạt được mốc tiến độ khai thác, vận hành vào cuối năm 2021 như kế hoạch.
Theo báo cáo của MRB, trong 8 tháng năm 2021 dù dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, MRB cùng các nhà thầu vẫn triển khai thực hiện dự án và đạt được những kết quả khả quan, tiến độ chung dự án đạt được 74%/kế hoạch, tiến độ đoạn trên cao đạt 89,41% kế hoạch.
Toàn bộ nhân sự trên công trường luôn chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng; Tham gia test trên địa bàn phường sở tại khi được yêu cầu.
MRB cũng đã tiếp thu và tuân thủ các yêu cầu bổ sung của các cơ quan chức năng về: Xét nghiệm Covid-19, tìm mọi nguồn lực để sớm tiêm phòng Covid-19 cho người lao động; Lên kịch bản diễn tập xử lý F0, F1 tại công trường; Bổ sung bộ đồ bảo hộ y tế, phun khử khuẩn định kỳ nơi làm việc… để bảo đảm chống dịch hiệu quả.
Theo ông Lê Trung Hiếu, Phó Trưởng ban MRB, diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của dự án, làm đứt gãy, gián đoạn quá trình triển khai thi công. Các đơn vị liên quan đã và đang tiếp tục nỗ lực cao nhất để thi công các gói thầu trong điều kiện vừa làm vừa chống dịch. Tuy vậy, khả năng dự án sẽ không đạt được mốc tiến độ khai thác, vận hành vào cuối năm 2021.
Dưới tác động nhất định của dịch Covid-19, cùng với việc thắt chặt các biện pháp kiểm soát công trường gây biến động cho tiến độ các dự án xây dựng, thời gian vận chuyển các thiết bị nhập khẩu từ nước ngoài về công trường chậm hơn nhiều so với kế hoạch. Việc huy động chuyên gia nước ngoài cũng bị ảnh hưởng đáng kể.
Trong quá trình thi công, do hạn chế đi lại giữa các địa phương nên việc huy động công nhân, trang bị máy móc của nhà thầu khó khăn. Môi trường làm việc luôn áp dụng các biện pháp hạn chế tiếp xúc, giữ khoảng cách nên ảnh hưởng phần nào đến công tác thi công.
Để thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch vừa triển khai dự án, MRB đề xuất thành phố cần tạo điều kiện cấp phép cho các chuyên gia nước ngoài; Hướng dẫn, cấp phép cho xe chuyên chở, cung ứng thiết bị, vật tư, vật liệu phục vụ thi công từ nước ngoài, từ các tỉnh khác đến công trường thuận lợi, bảo đảm tiến độ; Đồng thời có các giải pháp linh hoạt trên cơ sở phù hợp nhằm tạo điều kiện cho công tác thanh toán, giải ngân vốn đầu tư công…
Đến nay dự án metro Nhổn - ga Hà Nội đã nhập về 9 đoàn tàu do nhà sản xuất Alstom (Cộng hòa Pháp) thiết kế. Đoàn tàu thứ 10 - đoàn tàu cuối cùng - sẽ vận chuyển về trong tháng 9/2021. Hệ thống thu vé tự động phục vụ cho giai đoạn vận hành đoạn trên cao cũng được chuyển từ Pháp về lắp đặt tại dự án từ ngày 29/8/2021.
Tuy nhiên, do đoàn tàu thứ 10 chưa về, việc lắp đặt thẻ thu hồi vé tự động và một số hạng mục kỹ thuật ở depot chưa hoàn thành, khiến phần trên cao của dự án metro Nhổn - ga Hà Nội chậm 10,59%, khó khai thác được vào cuối năm 2021
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận