Đường dài thị trường chứng khoán Việt Nam
Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 đã được trình Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu tăng quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu, tăng dư nợ thị trường trái phiếu; TTCK phái sinh tăng trưởng trung bình 20 - 30% mỗi năm.
Nhìn lại Quyết định số 368/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược tài chính đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 21/3/2022 nhằm xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập có đặt ra mục tiêu đến năm 2025, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP; dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP, trong đó dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP.
Cho đến ngày 21/3/2023, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu mới đạt 46% GDP; dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt chưa tới 15% GDP…
Bên lề cuộc hội thảo do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với Jica tổ chức tuần qua, giới đầu tư nhắc đến nhiều bất cập về chính sách khiến người dân e ngại với kênh đầu tư chứng khoán.
Trước hết là kênh trái phiếu và những hệ quả tăng trưởng nóng của nó trước đây vẫn là “vùng xám” của thị trường hiện nay. Trước tình trạng doanh nghiệp đua nhau khất nợ trái phiếu, người dân vẫn mòn mỏi chờ được giải quyết quyền lợi qua các vụ án đã được khởi tố khiến niềm tin cạn kiệt, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng cần “sớm giải quyết, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư trong các vụ việc vừa qua”.
Nghịch lý đã thành chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi" là đầu tư cổ phiếu, trái phiếu thua lỗ, mất tiền, song nhà đầu tư vẫn phải nộp thuế thu nhập cá nhân bằng 0,1% giá trị mỗi lần bán chứng khoán hoặc 5% trên lợi tức trái phiếu, cổ phiếu được trả.
Chứng khoán èo uột, tiền tiết kiệm của người dân trở lại các nhà băng, song đây không hẳn là điều đáng mừng. Ông Nakajima Junichi, cao ủy viên Cơ quan Dịch vụ Tài chính Nhật Bản (FSA) cho biết nếu nguồn tín dụng cung cấp cho các doanh nghiệp phụ thuộc qua kênh gián tiếp, tức là rủi ro tín dụng tập trung vào ngân hàng, sẽ đẩy nhanh quá trình rủi ro suy thoái kinh tế, ảnh hưởng lớn đến đất nước.
Nhật Bản đã rút ra bài học lớn từ nền kinh tế bong bóng năm 1990, trước đó giá cổ phiếu giảm mạnh, giá đất giảm mạnh tác động đến toàn bộ bảng cân đối của các doanh nghiệp… Rủi ro tập trung vào các tổ chức tín dụng khiến ngay cả các ngân hàng lớn cũng phá sản. Thống kê cho thấy, có tới cả trăm ngân hàng phá sản, Nhật Bản phải mất tới 15 năm sau đó mới xử lý xong nợ xấu của hệ thống ngân hàng.
Việc phát triển thị trường vốn, do đó còn có tác dụng phân tán rủi ro kinh tế. Vậy nên, từ năm 2022, chính quyền Thủ tướng Kishida đã bắt tay vào triển khai kế hoạch “tăng gấp đôi thu nhập từ tài sản” với người dân Nhật Bản. Đây là chiến lược thu hút người dân bỏ vốn vào TTCK một cách bền vững. Nhật Bản đang triển khai thành lập doanh nghiệp giáo dục và tư vấn tài chính cho các F0 mới tham gia thị trường.
Với TTCK Việt Nam, đâu sẽ là những giải pháp được ưu tiên thực thi để có thể dần lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, những giải pháp nào sẽ hỗ trợ thị trường phát triển bền vững và có một diện mạo xứng tầm, là những chủ đề được Đầu tư Chứng khoán tập trung phân tích trong mục Tiêu điểm tuần này.
Chứng khoán biến động thất thường, không chỉ phụ thuộc vào diễn biến kinh tế trong nước mà còn chịu tác động nhiều ở bối cảnh kinh tế thế giới, đặc biệt khi tính liên thông trong quan hệ giao thương, kinh doanh toàn cầu trở nên chặt chẽ hơn bao giờ hết. Bởi vậy, nếu không có các giải pháp thực thi hiệu quả và quyết liệt, các mục tiêu được ban hành không dễ trở thành hiện thực.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận