24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lê Thúy Hằng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Dừng xuất khẩu gạo – nhìn từ bài học năm 2008!

Theo ông Trường Thanh Phong, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), quyết định tạm hoãn xuất khẩu gạo nếu không làm rõ sẽ tác hại rất lớn, và bài học năm 2008 vẫn còn nguyên giá trị!

Năm 2008, do lo ngại bất ổn về an ninh lương thực, lúc đó đích thân cựu Tổng thống Philippines bà Gloria Macapagal Arroyo, gọi điện thoại đề nghị Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bán gạo cho Philippines khoảng 2 triệu tấn, giá gạo xuất khẩu lúc bấy giờ lên đến 900 USD/tấn.

Tuy nhiên, do lo ngại thiếu gạo tiêu dùng trong nước, Bộ Trưởng Bộ NN-PTNT, Cao Đức Phát đã đề nghị chính phủ dừng xuất khẩu, khiến ngành gạo Việt Nam tuột mất cơ hội giúp nông dân thoát nghèo và doanh nghiệp phất lên nhờ giá bán tốt.

Dừng xuất khẩu gạo nguy cơ bồi thường hợp đồng là rất lớn

Ông Trường Thanh Phong, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, quyết định tạm hoãn xuất khẩu gạo nếu không làm rõ thì sẽ tác hại rất lớn, và bài học năm 2008 vẫn còn nguyên giá trị!

Lúc đó, Việt Nam gia nhập các tổ chức quốc tế chưa sâu, nay đã gia nhập sâu phải giữ vững cam kết với họ. Năm 2008, do chúng ta - Việt Nam đơn phương tuyên bố dừng xuất khẩu chứ không phải do điều kiện “bất khả kháng” nên có một số hợp đồng phải bồi thường cho khách hàng, vì trong nước chúng ta vẫn còn gạo và các hợp đồng đang trong quá trình giao nhận.

Bây giờ nếu ngừng xuất khẩu sẽ rất phức tạp và khi ngưng chúng ta lấy lý do bất khả kháng, vì dịch bệnh thì trên thế giới nước nào cũng bị, trong khi dịch bệnh của Việt Nam lại bị nhẹ hơn thế giới.

Nếu nói bị thiệt hại mấy trăm ngàn hecta lúa ở ĐBSCL xâm nhập mặn, nhưng vụ Đông Xuân chỉ thu hoạch hơn 60%, cho năng suất khá cao, vụ Hè Thu đang chuẩn bị gieo sạ. Cả nước Việt Nam chỉ có thiệt hại mấy trăm ngàn hecta lúa không phải là vấn đề lớn, theo Luật thương mại quốc tế ai tuyên bố lý do mà không phù hợp thì phải bồi thường hợp đồng.

Sau khi dừng xuất khẩu gạo, chúng ta phải thương lượng với khách hàng nước ngoài đề nghị họ kéo giãn hợp đồng, nếu họ không đồng ý thì phải bồi thường.

Lúc đó chúng ta có thế mạnh là ký những hợp đồng lớn với khách hàng lớn, họ đồng ý gia hạn hợp đồng nên vài khách hàng nhỏ cũng đồng ý không kiện tụng, nhưng cũng có nhiều khách hàng bị thiệt hại nhiều họ cũng đi kiện Việt Nam. VFA thu xếp với khách hàng bồi thường bằng cách ký bán với giá mềm ở các lô hàng xuất khẩu sau đó và bán với khối lượng tương đương mức thiệt hại. Đối với doanh nghiệp trong nước, những thiệt hại của họ như nợ Ngân hàng nhà nước phải xử lý.

“Bây giờ, doanh nghiệp xuất khẩu gạo hầu hết là doanh nghiệp tư nhân, nếu họ thỏa thuận với khách hàng nước ngoài không được, bắt buộc phải bồi thường hợp đồng, như vậy Chính phủ phải có trách nhiệm với họ trong vấn đề này. Năm 2008, tất cả những tổn thất của doanh nghiệp trong và ngoài nước, VFA kiến nghị Chính phủ chịu trách nhiệm xử lý, vì lúc đó Chính phủ ra lệnh mà không bàn trước với VFA”, ông Phong cho biết.

Cần nắm lại chính xác các thông số về sản xuất, tồn trữ, nhu cầu tiêu thụ và xuất khẩu

Ông Lâm Định Quốc, Nguyên Giám đốc Công ty Lương thực Sóc Trăng nhớ lại, khi đó VFA liên tục tổ chức họp với các doanh nghiệp thành viên, và quan điểm chung của tất cả thành viên là không đồng ý với chủ trương dừng xuất khẩu gạo của chính phủ. Lúc đó, VFA có văn bản đề nghị chính phủ cho tiếp tục xuất khẩu gạo nhưng không được.

Giá gạo xuất khẩu bất giờ quá tốt, lên đến 900 USD/tấn, không có cơ hội nào tốt hơn lúc này và VFA bảo đảm không có ảnh hưởng đến an ninh lương thực trong nước. Nhưng sau khi dừng xuất khẩu giá rớt xuống còn 300 USD/tấn, người nông dân rất thê thảm.

“Bộ trưởng Bộ NN-PTNT lúc đó là ông Cao Đức Phát lại kiến nghị lên Thủ tướng là cấm xuất khẩu gạo vì sợ ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Sau này, khi Quốc hội họp chất vấn ông Phát về vấn đề này, ông Phát ra trước Quốc hội nhận sai sót vì những đánh giá tình hình không đúng”, ông Quốc nói.

Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, sau khi nghe lệnh tạm dừng xuất khẩu gạo của Chính phủ chúng tôi đã liên hệ trực tiếp với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT yêu cầu Bộ cho người xuống các tỉnh điều tra nắm số liệu sản xuất, sản lượng lúa trong dân, trong doanh nghiệp, nhà máy xay xát, các đầu mối cung ứng gạo. Nếu sản lượng lúa trong dân còn nhiều mà dừng xuất khẩu thì giá sẽ xuống sâu gây thiệt thòi cho người nông dân.

Dừng xuất khẩu gạo – nhìn từ bài học năm 2008!
Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp.

“Từ hôm qua, Ủy ban cũng đã cho người xuống địa bàn nắm lại tình hình để có số liệu thống kê đầy đủ báo cáo về Bộ NN-PTNT lượng lúa còn tồn trong dân, nếu lượng lúa còn nhiều sẽ xin chủ trương Chính phủ cho lưu thông bình thường. Nếu sản lượng lúa còn ít sẽ theo ý kiến của Chính phủ dừng xuất khẩu.

Lúa Đông xuân trong tỉnh còn đang thu hoạch, một số diện tích lúa Hè Thu đang xuống giống. Kết thúc vụ Đông xuân thì vụ Hè thu cũng đến lúc thu hoạch. Theo đánh giá ban đầu của tỉnh thì vụ Đông xuân 2019 - 2020 ở Đồng Tháp là trúng mùa”, ông Dương nói.

Trung bình xuất khẩu gạo của Việt Nam từ 6,5 - 7 triệu tấn/năm. Năm 2019 Việt Nam xuất 6,73 triệu tấn, năm nay dự kiến xuất khẩu bằng bằng 2019 hoặc nhỉnh hơn chút. Theo thống kê sơ bộ của Tổng Cục hải quan, xuất khẩu gạo tháng 3/2020, ước đạt 741 ngàn tấn, với 175 triệu USD. Cộng dồn 3 tháng đạt 1,67 triệu tấn, còn 5 triệu tấn gạo mới tới thời hạn mức xuất khẩu, trong khi đó vụ Đông xuân chúng ta thu hoạch chưa xong.

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, vụ Đông Xuân 2019-2020, các tỉnh phía Nam xuống giống được 1,505 triệu ha, tăng 60 nghìn ha so với vụ Đông Xuân năm ngoái (1,445 nghìn ha). Vụ Hè Thu 2020 đã xuống giống được 80 nghìn ha/1,6 triệu ha diện tích kế hoạch.

Khu vực ĐBSCL đang thu hoạch lúa Đông Xuân khoảng 60 – 70% diện tích xuống giống, như vậy sản lượng lúa trong dân còn rất nhiều, theo tôi chúng ta nên nắm lại số liệu cho thật kỹ để có chủ trương và quyết sách cho đúng đắn.

"Thực ra, nhu cầu bán lúa trong dân và doanh nghiệp thu mua chế biến là rất lớn. Hôm 24/3, khi trao đổi với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tôi đề nghị Bộ nắm lại số liệu sản xuất của các tỉnh ĐBSCL báo cáo Thủ tướng để ra chủ trương cho phù hợp", Chủ tịch UBDN Đồng Tháp nói.

"Năm 2008, lúc đó tôi làm giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, khi lệnh tạm dừng xuất khẩu gạo của chính phủ hầu hết người nông dân đều lao đao, nông dân là giới dễ bị tổn thương nhất do họ không có năng lực tài chính. Từ khi có lệnh ngừng xuất khẩu gạo các hoạt động mua bán gạo trên thị trường đã bị đóng băng.

Trước mắt, đề nghị Thủ tướng rút lại quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo, chờ các tỉnh ĐBSCL thống kê lại diện tích sản xuất, sản lượng lúa trong tỉnh báo cáo về Bộ NN-PTNT và Thủ tướng. Sau khi nắm chắc tình hình sản xuất, số lượng tồn kho trong doanh nghiệp, trong dân, các nhà cung ứng, thương lái... nhu cầu tiêu thụ gạo, nhu cầu bán gạo để có quyết định phù hợp và chính xác.

Từ đầu năm tới nay chỉ có xuất khẩu gạo là khởi sắc trong khi có các nông sản khác như cà phê tiêu điều ra quả rất khó khăn bây giờ đến mặt hàng gạo nữa thì tất cả các nông sản chủ lực của Việt Nam đều khó khăn”, ông Dương chia sẻ.

Văn phòng Chính phủ ngày 25/3 có văn bản gửi các Bộ Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm tra, đánh giá nguồn cung và tình hình xuất khẩu gạo.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các Bộ nói trên và các cơ quan liên quan thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để làm việc với các địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu gạo chủ chốt, rà soát, kiểm tra, đánh giá về nguồn cung thóc gạo, tình hình xuất khẩu gạo và thực hiện dự trữ lưu thông, tình hình thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo.

Trên cơ sở đó, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc điều chỉnh hoạt động xuất khẩu gạo theo đúng quy định.

Trong khi chờ báo cáo đánh giá của Đoàn kiểm tra liên ngành, Thủ tướng yêu cầu tạm dừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo mới.

Đối với hợp đồng xuất khẩu gạo đã ký kết theo đúng quy định pháp luật sẽ được xử lý cụ thể sau khi Đoàn kiểm tra liên ngành báo cáo.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả