24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
NGUYỄN HỒNG ĐIỆP Vip
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Dùng vũ khí đất hiếm, Trung Quốc đang rơi vào "cái bẫy" của Mỹ?

Truyền thông Trung quốc và một số nước "a dua", mấy hôm nay đưa tin nhiều về ĐẤT HIẾM. Họ coi đó là vũ khí chiến lược trong trận chiến với Mỹ. Thậm chí lãnh đạo Trung Quốc mới đi thị sát một công ty chuyên tinh chế quặng và đất hiếm ở Hàng Châu. Động thái trên được cho là nhằm gửi thông điệp cảnh báo tới Mỹ về sự thống trị của Bắc Kinh trên thị trường đất hiếm toàn cầu, giá đất hiếm cũng vì thế đang tăng cao lên mức kỷ lục. Tuy nhiên rất có thể Trung Quốc đang rơi vào cái bẫy của Mỹ...

Đất hiếm có thực sự hiếm?

Đất hiếm là tên gọi chung của nhóm 17 nguyên tố hóa học dùng để sản xuất các linh kiện quan trọng của nhiều sản phẩm như điện thoại thông minh, tivi, máy ảnh, bóng đèn, xe điện, nam châm và nhiều loại vũ khí. Số liệu từ nhiều nguồn cho rằng Trung Quốc chiếm 95% tổng sản lượng đất hiếm thế giới, nhưng theo Ban khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) thì số liệu đó đã cũ, con số thực tế hiện tại là khoảng gần 80% và phần lớn lượng đất hiếm Mỹ đang nhập khẩu đều đến từ Trung Quốc. Nhưng cần lưu ý rằng, Trung Quốc đang là nước sản xuất phần lớn đất hiếm cho thế giới, không có nghĩa là chỉ có Trung Quốc mới làm được đất hiếm.

Thực ra, đất hiếm không hề hiếm. Braxin, Canada, Úc, Nga, Ấn Độ... đều đang sở hữu những mỏ đất hiếm với trữ lượng khổng lồ, không hề kém Trung Quốc. Đặc biệt mới đây, Nhật Bản mới phát hiện mỏ đất hiếm với trữ lượng gần như vô tận. Mỹ cũng sở hữu mỏ đất hiếm. Ngay cả Việt nam, cũng có mỏ đất hiếm không hề nhỏ.

Dùng vũ khí đất hiếm, Trung Quốc đang rơi vào "cái bẫy" của Mỹ?

Mỏ đất hiếm đang được khai thác

Vậy tai sao đất hiếm không hiếm, mà TQ lại thống trị việc tinh chế? Câu trả lời rất đơn giản: thứ không hiếm, rẻ tiền, không phải là thứ quá quan trọng với nền công nghiệp hiện đại. TQ đang làm chủ chuỗi cung ứng đất hếm. Nhưng điều này hoàn toàn có thể thay đổi. Bản thân Mỹ, nếu muốn, có thể tự cung tự cấp đất hiếm. Không kể việc một loạt các nước khác sẽ trỗi dậy, phát triển ngành công nghiệp này.

Khai thác, sản xuất đất hiếm là sự đánh đổi rất đắt về môi trường

Khó khăn trong việc tinh chế đất hiếm (và cũng là lý do chúng được đặt cái tên “hiếm”) nằm ở việc đất hiếm không đóng thành quặng, mà lẫn cùng nhiều tạp chất khác. Tính chất hóa học của đất hiếm ngang ngửa với một thanh niên hòa đồng, ai cũng có thể bắt cặp; việc trích xuất đất hiếm từ quặng thì lại giống việc thuyết phục anh bạn say rượu dừng uống để về nhà, một quá trình dông dài và gây ức chế.

Theo lời Eugene Gholz, chuyên gia đất hiếm và giáo sư đang công tác tại Đại học Notre Dame: “Một khi bạn lấy đất hiếm ra khỏi đất, mới thấy khó khăn nằm ở khâu xử lý hóa học chứ không phải công đoạn khai thác”.

Không giống những lời lẽ ngọt nhạt dùng để khuyên nhủ một người bạn say xỉn, xử lý đất hiếm cần acid mạnh và một lượng phóng xạ có thể gây ung thư. Đây là một trong những lý do nhiều nước không đầu tư khai thác sản xuất đất hiếm mà để việc sản xuất đất hiếm cho Trung Quốc, quốc gia có lượng lao động tay chân dồi dào và những mỏ đất hiếm trữ lượng lớn, người dân cũng như Chính phủ không quan tâm tới môi trường.

Dùng vũ khí đất hiếm, Trung Quốc đang rơi vào "cái bẫy" của Mỹ?

Lao động làm việc tại mỏ kim loại đất hiếm ở Nam Xương, tỉnh Giang Tây vào tháng 10/2010. Ảnh: Getty Images.

Thực ra Trung Quốc chỉ chiếm 1/3 trữ lượng đất hiếm toàn thế giới và việc khai thác công nghiệp các quặng đất hiếm không khởi nguyên từ Trung Quốc. Từ những năm 1950, người ta đã khai thác monazit sa khoáng trên các bãi biển; nhưng khoáng vật phosphat đất hiếm này chứa nhiều thorium có tính phóng xạ, nên từ năm 1965 chuyển sang khai thác carbonat đất hiếm bastnasit tại các mạch đá vùng núi Pass, bang Colorado, Mỹ.

Về sau, phần do các phí tổn khai thác đất hiếm quá cao, phần e ngại các tác hại đối với môi trường, các nước phương Tây, mà cụ thể là Mỹ, đã đình chỉ sản xuất đất hiếm để dựa vào nguồn cung ứng dồi dào và giá rẻ đến từ Trung Quốc. Sự ỷ lại đó đã tạo điều kiện cho Trung Quốc mặc nhiên độc quyền trong lĩnh vực đất hiếm. Cho đến năm 2009, họ đã nắm tới 97% lượng đất hiếm xuất khẩu trên toàn thế giới. Tuy nhiên hiện nay với công nghệ tiên tiến hơn, một số quốc gia khác cũng đã tự khai thác sản xuất đất hiếm và sản lượng của Trung Quốc giảm xuống còn khoảng 80%.

Dùng vũ khí đất hiếm, Trung Quốc đang rơi vào "cái bẫy" của Mỹ?

Biểu đồ của USGS cho thấy sản lượng đất hiếm của Trung Quốc cung ứng cho thế giới đã giảm từ 97% xuống dưới 80%

"Cái bẫy" để chấm dứt sự độc quyền sản xuất đất hiếm của Trung Quốc

Sau khi chính quyền Mỹ cấm vận Huawei, truyền thông Trung Quốc đồng loạt đả kích Washington. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi nước này sẵn sàng cho cuộc "Vạn lý trường chinh" mới: “Đáp ứng nhu cầu nội địa sẽ là ưu tiên, nhưng Trung Quốc sẵn sàng cung cấp đất hiếm toàn cầu nếu chúng được dùng một cách hợp lý”, hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã bình luận ngày 29/5. “Tuy nhiên, nếu ai đó dùng đất hiếm nhập khẩu để chống lại Trung Quốc, người Trung Quốc sẽ không đồng ý”. Rõ ràng Trung Quốc đang dùng thứ "vũ khí" đất hiếm để đối phó Mỹ.

Về mặt dài hạn, Mỹ luôn muốn cô lập Trung Quốc, muốn kinh tế đất nước đông dân nhất thế giới này giảm tốc, thậm chí suy thoái càng tốt. Để làm điều này, đầu tiên là cần thời gian. Điều thứ hai là cần cắt đứt các quan hệ thương mại của Mỹ (và đồng minh) với Bắc Kinh. Cho nên, một khi Trung Quốc "làm mình làm mẩy" vụ đất hiếm, chính là đã rơi vào cái bẫy của Mỹ. Cắt đứt xuất khẩu đất hiếm thì Trung Quốc sẽ mất hết các đối tác. Các nhà máy, công xưởng chuyển khỏi Trung Quốc là điều không thể tránh khỏi. Nếu tiếp tục "tự bắn vào chân" với hành động hạn chế xuất khẩu đất hiếm, Trung Quốc sẽ tự đẩy nhanh hơn quá trình bị cô lập, "rơi vào tăm tối".

Dùng vũ khí đất hiếm, Trung Quốc đang rơi vào "cái bẫy" của Mỹ?

Tất nhiên khi nguồn đất hiếm từ Trung Quốc bị cắt đứt thì các doanh nghiệp sản xuất hàng điện tử của của Mỹ và nhiều nước khác cũng sẽ rơi vào tình thế khó khăn nhất định, nhưng khó khăn đó chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn vì sẽ sớm có những nguồn cung đất hiếm mới ngoài Trung Quốc ra đời để đáp ứng. Sự độc quyền nguồn cung đất hiếm của Trung Quốc sẽ chấm dứt.

Kết luận lại, đất hiếm không hiếm. Vũ khi này cũng không có nhiều giá trị trong cuộc chiến trường kỳ này. Nhiều người dự báo được kết cục của cuộc chiến. Nhưng điều quan trọng hơn, là biết tận dụng cơ hội lịch sử này để định vị đất nước chúng ta, làm giàu cho bản thân, cũng như phụng sự tổ chức.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Theo dõi người đăng bài

NGUYỄN HỒNG ĐIỆP Vip

Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY

Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả