24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Phong
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Dừng phát triển qua đại lý, lượng SIM mới ra thị trường hiện ra sao?

Theo Cục Viễn thông, từ ngày 10/9/2023, các nhà mạng cam kết với Bộ TT&TT dừng phát triển SIM tại các đại lý ủy quyền, chỉ tập trung vào các kênh chuỗi.

Trả lời câu hỏi của Người Đưa Tin về tình hình xử lý các chủ thuê bao sở hữu 10 SIM, tình trạng xử lý SIM rác thời gian qua tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) ngày 5/10, đại diện Cục Viễn thông cho biết:

Trên cơ sở tiến hành đối soát với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, các doanh nghiệp viễn thông đã xử lý và 7,15 triệu thuê bao tiến hành chuẩn hóa lại thông tin.

Từ 10/9/2023, các nhà mạng cam kết với Bộ sẽ dừng phát triển SIM tại các đại lý ủy quyền, chỉ tập trung vào các kênh chuỗi…

Dừng phát triển qua đại lý, lượng SIM mới ra thị trường hiện ra sao?
Số lượng phát triển SIM mới hiện giảm khoảng 35% so với trung bình tháng 8.

“Theo báo cáo của các doanh nghiệp viễn thông, sau gần một tháng triển khai số lượng phát triển mới hiện giảm khoảng 35% so với trung bình tháng 8”, đại diện Cục Viễn thông cho hay.

Trả lời cho câu hỏi mặc dù đã có các biện pháp truyền thông, cảnh báo tới người dân nhưng SIM rác, các cuộc gọi lừa đảo vẫn diễn ra, phải chăng chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe?

Đại diện Cục Viễn thông cho biết thêm, Cục đang phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, đề xuất một số nội dung đưa vào dự thảo Luật Viễn thông nhằm luật hóa các giải pháp nhằm xử lý tình trạng SIM rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác cụ thể như:

Bổ sung vào quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp viễn thông và giao Chính phủ quy định chi tiết: Xác thực, lưu giữ, quản lý thông tin thuê bao, bảo đảm chính xác với giấy tờ giao kết hợp đồng; có biện pháp để người dùng kiểm tra thông tin thuê bao, danh sách các số thuê bao đang sử dụng;

Thực hiện ngăn chặn, xử lý SIM rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo, cuộc gọi giả mạo số; triển khai sử dụng tên định danh đối với các cuộc gọi, tin nhắn của thuê bao viễn thông.

Cùng với đó, bổ sung vào quy định nghĩa vụ của người sử dụng: Thông báo cho doanh nghiệp viễn thông để ngừng dịch vụ nếu không có nhu cầu sử dụng số thuê bao đã đăng ký;

Không sử dụng SIM thuê bao không do mình đăng ký trừ trường hợp đăng ký cho con dưới 14 tuổi, người thuộc quyền giám hộ, cho các thiết bị và trường hợp khác theo quy định của Chính phủ.

Dừng phát triển qua đại lý, lượng SIM mới ra thị trường hiện ra sao?
Tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan triển khai đồng bộ giải pháp hạn chế tình trạng cuộc gọi rác.

Để hạn chế tình trạng SIM rác, đại diện Cục Viễn thông cho biết thêm: Các cơ quan, tổ chức (các trường học, Ngân hàng, bệnh viện) cần chủ động triển khai brandname (tên thương hiệu) các số điện thoại với người dân, cộng đồng;

Các đơn vị chức năng của Bộ Công thương, Bộ Văn hóa, Bộ TT&TT có các biện pháp xử lý, ràng buộc trách nhiệm của các đơn vị cung ứng dịch vụ, sản phẩm khi thực hiện quảng cáo qua các kênh không được phép – bao gồm việc thuê/sử dụng cuộc gọi quảng cáo không được đăng ký brandname theo quy định (tương tự như việc quảng bá sản phẩm trên các trang mạng/kênh youtube có hành vi vi phạm);

Về phía người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ thông tin cá nhân, tầm quan trọng của việc sử dụng SIM chính chủ (khi mà SIM điện thoại hiện đã gắn với rất nhiều hoạt động hàng ngày như Vneid, thanh toán số…);

Đồng thời, chủ động nâng cao ý thức cảnh giác khi nghe, thực hiện theo các yêu cầu từ số máy lạ (không có trong danh bạ); chủ động cài đặt, sử dụng các dịch vụ chặn lọc, cảnh báo cuộc gọi rác, cuộc gọi lạ do nhà mạng cung cấp (dịch vụ hộp thư thoại;…);

Các nhà mạng di động triển khai giải pháp hiển thị tên định danh (Voice Brand name) từ các cuộc gọi quảng cáo theo quy định.

"Bộ TT&TT đã và đang thúc đẩy tăng cường triển khai Định danh cuộc gọi (voice brandname) theo quy định tại nghị định 91/2020/NĐ-CP (cụ thể Bộ đang phối hợp để triển khai thí điểm với các đơn vị của Bộ TT&TT, Bộ Công an, Tòa án)", đại diện Cục Viễn thông cho biết.

Đồng thời nhấn mạnh, trong thời gian tới Bộ TT&TT sẽ tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan để triển khai đồng bộ các giải pháp hạn chế tình trạng cuộc gọi rác.

Theo thống kê, trong tháng 9/2023, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) đã ghi nhận 3 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến nhất, bao gồm: Giả mạo website, lừa đảo chiếm đoạt bằng đường link/file nén và lừa đảo thẻ tín dụng, chiếm đoạt tài sản thông qua mã QR.

Cũng trong tháng 9/2023, hệ thống cảnh báo, ngăn chặn tên miền độc hại quốc gia cũng đã ngăn chặn triệt để 441 website vi phạm pháp luật, lừa đảo trực tuyến.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả