Đừng im lặng chấp nhận doanh nghiệp gian lận tài chính
Một số doanh nghiệp có tình trạng chênh lệch lỗ, lãi trước và sau kiểm toán lên tới cả trăm tỷ đồng; có công ty bị hủy niêm yết vì đơn vị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến… Làm thế nào quyền lợi cổ đông, nhà đầu tư được bảo vệ? Báo Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với luật sư Hồ Hữu Hoành, Giám đốc Công ty TNHH Saigonmind, đơn vị chuyên về tư vấn tái cấu trúc doanh nghiệp.
Doanh nghiệp có sự chênh lệch lớn về số liệu lỗ, lãi trước và sau khi kiểm toán thì ai là người phải chịu trách nhiệm, theo ông?
Khi có sự chênh lệch lớn về số liệu lỗ, lãi trước và sau kiểm toán, vấn đề xác định trách nhiệm tùy thuộc vào bối cảnh, tình trạng cụ thể. Nếu đó là một doanh nghiệp bình thường (không phải công ty cổ phần đại chúng), số liệu kế toán chênh lệch như vậy sẽ đặt ra trách nhiệm của bộ phận kế toán trước ban quản lý điều hành công ty và trách nhiệm của ban quản lý điều hành công ty trước các thành viên góp vốn, cổ đông.
Trường hợp là công ty đại chúng, nếu thông tin chêch lệch chưa được công bố thì bộ phận kế toán có trách nhiệm trước ban quản lý điều hành. Còn nếu thực hiện công bố trước đó không chính xác, thì ban quản lý điều hành phải chịu trách nhiệm trước cổ đông, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) và pháp luật.
Trong trường hợp cổ đông, nhà đầu tư bị thiệt hại do giá cổ phiếu giảm mạnh vì số liệu tài chính tại doanh nghiệp có sự chênh lệch lớn, có những cơ chế nào để họ bảo vệ quyền lợi?
Về vấn đề công bố thông tin, Thông tư 155/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định rất rõ về thời hạn công bố thông tin đối với báo cáo tài chính năm và báo cáo thường niên.
Hai loại báo cáo này chỉ có sau khi đã có kết quả, phản hồi của đơn vị kiểm toán được chấp thuận thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng. Do đó, nhà đầu tư cần phải lưu ý quy định này để quyết định việc đầu tư, mua, bán cổ phiếu.
Cổ đông, nhà đầu tư có quyền giám sát đối với nội dung thông tin mà công ty công bố, có quyền yêu cầu công ty giải trình, hoặc đề xuất cơ quan quản lý yêu cầu doanh nghiệp giải trình.
Điều 11, Thông tư 155 có quy định, nếu số liệu chênh lệch từ 5% trở lên thì doanh nghiệp có trách nhiệm giải trình kèm với công bố báo cáo tài chính.
UBCK cần căn cứ vào giải trình đó, nếu có cơ sở để khẳng định chênh lệch có nguyên nhân chủ quan từ doanh nghiệp, thì sẽ quy hành vi này là công bố thông tin không chính xác và xử phạt theo quy định tại Điều 33, Nghị định 108/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
Khi nghi ngờ có dấu hiệu gian lận, UBCK cần kiểm tra, thanh tra; nếu phát hiện có dấu hiệu phạm tội, UBCK phải chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét xử lý trách nhiệm hình sự.
Cần lưu ý, điểm d, khoản 4, Điều 33, Nghị định 108/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính 70 - 100 triệu đồng trong trường hợp công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đối với lĩnh vực chứng khoán, cụ thể là cổ phiếu, việc chứng minh thiệt hại của các nhà đầu tư có gì khác biệt so với các tài sản khác? Liệu có khó khăn gì không?
Vấn đề thiệt hại của nhà đầu tư mặc nhiên được xác định khi hành vi công bố thông tin sai lệch nhằm trục lợi được xác định là các tội phạm tại Điều 209, 210, 211, Bộ luật Hình sự hiện hành, khi đó nhà đầu tư, cổ đông có thể yêu cầu việc xác lập thiệt hại khi diễn ra các hoạt động tố tụng liên quan.
Trong thực tế, việc công bố thông tin sai lệch, không chính xác của các công ty đại chúng nếu không bị quy trách nhiệm hình sự, nhà đầu tư cần phải có các cơ sở, luận chứng cụ thể để khởi kiện tại toà dân sự. Đương nhiên, việc chứng minh thiệt hại này là rất khó, vì chứng khoán là một loại hàng hoá đặc biệt, giá cả luôn biến động.
Ở nhiều nước, để xảy ra tình trạng chênh lệch số liệu lỗ, lãi sau kiểm toán như vậy, doanh nghiệp sẽ bị phạt rất nặng. Tại Việt Nam, với các quy định hiện hành, liệu có thể xử phạt doanh nghiệp?
Tại Mỹ có Hội đồng Giám sát kế toán công ty đại chúng và họ thực hiện việc giám sát rất triệt để với công ty niêm yết. Vừa rồi, nước này còn ra luật để giám sát kế toán đối với các công ty đại chúng ở nước ngoài nhưng đang niêm yết trên các sàn chứng khoán tại Mỹ.
Tại Việt Nam, hiện nay chưa có một cơ quan chức năng như kiểu này. Tuy nhiên, từ 1/1/2016, UBCK đã thành lập Vụ Giám sát công ty đại chúng, trong đó có chức năng giám sát, kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán của các tổ chức kiểm toán và kiểm toán viên được chấp thuận thực hiện kiểm toán đối với các tổ chức có lợi ích công chúng trong lĩnh vực chứng khoán, đồng thời giám sát nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin của công ty đại chúng.
Về quy định pháp luật, chúng ta đủ cơ sở pháp lý để xử phạt hành vi công bố thông tin không chính xác, sai lệch của công ty cổ phần đại chúng thông qua Nghị định 108/2013/NĐ-CP và Nghị định 145/2016/NĐ-CP; trường hợp đủ cơ sở xác định là tội phạm thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại các Điều 209 - 212, Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, Luật Chứng khoán 2019 có hiệu lực từ năm 2021 đã khắc phục các thiếu sót trước đây, quy định các hành vi cấm, tăng giá trị xử phạt vi phạm liên quan lên cao hơn nhiều và là tiền đề để xem xét quy trách nhiệm hình sự đối với tổ chức, cá nhân vi phạm.
Có ý kiến nêu khó khăn trong việc xử phạt hành chính là do báo cáo kiểm toán không có giá trị pháp lý, không thể căn cứ vào đó xử phạt. Theo ông, báo cáo của công ty kiểm toán độc lập có giá trị đến đâu?
Báo cáo tài chính có kiểm toán bởi đơn vị kiểm toán được chấp thuận thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng là các đơn vị được Bộ Tài chính, UBCK chọn lọc và phê duyệt. Báo cáo tài chính đã được kiểm toán là sự thể hiện rõ ràng của tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Báo cáo kiểm toán của đơn vị kiểm toán là “hàng hoá”, sản phẩm mà đơn vị kiểm toán cung cấp, đây là một chứng thư, một “phiếu đánh giá tình trạng sức khoẻ” của doanh nghiệp. Dù không phải là văn bản pháp quy, nhưng đó là cơ sở, là chứng cứ để UBCK thực hiện công tác giám sát, xử lý vi phạm của công ty đại chúng trong việc công bố thông tin.
Trường hợp cần thiết phải có chế tài xử phạt, theo ông, nên quy định như thế nào, cần bổ sung những quy định gì?
Quy định hiện đã có, nhưng nếu quy định thêm cho chặt chẽ thì tôi đề xuất, “bất kỳ thông tin tài chính chưa thông qua kiểm toán độc lập có chức năng thì công ty đại chúng không được công bố dưới bất kỳ hình thức nào”. Cùng với đó cần có chế tài xác định việc chêch lệch giá trị trong thông tin doanh nghiệp công bố không được quá 10% so với báo cáo đã kiểm toán, nếu vượt số đó sẽ bị xử phạt hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 33, Nghị định 108/2013/NĐ-CP và Điều 39, 40, 41, Nghị định 145/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 108/2013/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về công bố thông tin:
1. Cảnh cáo đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Không thực hiện đăng ký, đăng ký lại người công bố thông tin hoặc người được ủy quyền công bố thông tin hoặc không ban hành quy chế về công bố thông tin.
b) Không thông báo với UBCK, Sở giao dịch chứng khoán về địa chỉ trang thông tin điện tử và mọi thay đổi liên quan đến địa chỉ này theo quy định pháp luật.
2. Phạt tiền từ 10 - 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Không tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật về phương tiện, hình thức công bố thông tin.
b) Không lưu giữ thông tin công bố theo quy định pháp luật.
3. Phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng đối với hành vi công bố thông tin không đúng thời hạn, không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật hoặc theo yêu cầu của UBCK.
4. Phạt tiền từ 70 - 100 triệu đồng đối với một trong những hành vi vi phạm sau:
a) Không lập trang thông tin điện tử theo quy định pháp luật.
b) Không công bố thông tin theo quy định pháp luật hoặc theo yêu cầu của UBCK.
c) Không xác nhận hoặc đính chính thông tin hoặc xác nhận, đính chính thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật khi có thông tin làm ảnh hưởng đến giá chứng khoán hoặc khi nhận được yêu cầu xác nhận, đính chính thông tin của UBCK.
d) Công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
5. Hình thức xử phạt bổ sung:
Đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ chứng khoán trong thời hạn từ 1 - 3 tháng đối với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều này.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc hủy bỏ thông tin hoặc cải chính thông tin đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm c và d khoản 4 Điều này.
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 4 Điều này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận