Đừng để “phái sinh” biến tướng!
Sự vụ doanh nghiệp yến sào Hubnest mới thành lập và đi vào hoạt động chưa tới 1 năm, chỉ trong vòng 7 ngày đã liên tục xuất nhiều hóa đơn trị giá hơn 34 ngàn tỷ đồng không chỉ khiến dư luận choáng váng mà ngành thuế cũng rơi vào… bối rối.
Là công ty có ngành nghề kinh doanh chính là “Bán lẻ thực phẩm trong các cửa hàng chuyên doanh” (trụ sở đóng tại số 435R Phạm Văn Đồng, phường 11, quận Bình Thạnh, TPHCM), nhưng số hóa đơn nói trên đều ghi chung chung là xuất cho các cá nhân trong lĩnh vực cổ phiếu, chứng khoán. Toàn bộ số hóa đơn này được xuất ra vào thời điểm cuối quý 1/2023.
Giải trình với cơ quan thuế, doanh nghiệp này cho biết công ty kinh doanh yến sào nhưng thực tế phát sinh hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh mã VN30. Công ty thực hiện giao dịch thông qua một công ty chứng khoán lớn tại TPHCM bằng phương thức khớp lệnh. Doanh thu phát sinh trong quý 1 lên đến hơn 34,574 tỷ đồng, cao hơn nhiều lần so với số vốn đăng ký của doanh nghiệp là 2.5 tỷ đồng.
Lần đầu tiên, Chi cục Thuế quận Bình Thạnh tiếp nhận trường hợp doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh, vốn có đặc trung là tỉ lệ đòn bẩy rất lớn, gấp 4 lần vốn, có thể mua/bán ngay lập tức, nhiều lần trong ngày, dẫn đến giá trị giao dịch của thị trường phái sinh cực lớn. Vì vậy, Chi cục Thuế quận Bình Thạnh đề nghị Cục Thuế TPHCM chỉ đạo, hướng dẫn và phân cấp quản lý để xử lý vụ việc.
Trong khi chờ các cơ quan chức năng kiểm tra, làm sáng rõ những dấu hiệu bất ngờ (về tổng trị giá số hóa đơn) và có vẻ bất thường (về tổng vị thế mua/bán chứng khoán phái sinh của khách hàng trong công ty vượt mức tổng vị thế theo quy định) thì những nghi ngại, thậm chí là nghi ngờ không thể không nảy sinh.
Trong đó, với các công cụ phái sinh, từ mục tiêu ban đầu nhằm phòng chống những rủi ro đã nhanh chóng “catch-up” một cách tinh quái nhất với sự bùng nổ của thị trường tài chính, công nghệ giao dịch (với giao dịch thuật toán, tần suất cao), biến thành “dụng cụ” tìm kiếm lợi nhuận và thực hiện các hoạt động đầu cơ.
Chưa nói đúng sai, nhưng với chỉ số VN30 đang ở mức 1,186 điểm thì một hợp đồng VN30F hiện có giá trị hơn 118 triệu đồng nhưng nhà đầu tư chỉ cần vốn đôi ba chục triệu đồng là đã có thể giao dịch. Trong kỳ, công ty giao dịch khoảng 30,634 hợp đồng, chiếm 0.5 – 0.7% giao dịch toàn thị trường. Tuy nhiên, vốn thực tế giao dịch chỉ là 4.38 tỷ đồng.
Không thể là một phép tính bình thường!
Một con số lợi nhuận nằm ngoài việc sản xuất?
Hơn nữa, trường hợp công ty kinh doanh yến nhưng có phát sinh hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh thì khoản thu nhập này lại không chịu thuế VAT theo quy định tại Thông tư 219/2013/TT-BTC. Chưa xét tới đề xuất của Chi cục Thuế Quận Bình Thạnh là công ty vẫn phải lập hóa đơn theo quy định; thì đây là một “điểm mù” về luật rất dễ bị lạm dụng, dẫn tới những tác động tiêu cực của thị trường phái sinh (lẫn cơ sở) khi đạt mức biến động lớn.
Một khuyến cáo không thừa, trong kinh doanh, tìm mọi cách để nộp ít thuế cũng là cách tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, là đồng nghĩa với hành vi trốn thuế.
Một vấn đề cũng được đặt ra: Đơn giá cho hóa đơn xuất bán chứng khoán phái sinh trên sàn chứng khoán là giá thanh toán khớp lệnh giao dịch hợp đồng tương lai giữa các nhà đầu tư thông qua hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch chứng khoán. Song, nói như ông Đặng Khắc Phúc - Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Bình Thạnh, cho biết với quy định hiện hành rất khó phát hiện ngay các trường hợp gian lận bởi việc xuất hóa đơn điện tử thì công ty đặt ở bất cứ đâu, kể cả Campuchia, Tây Ninh cũng có thể xuất hàng ngàn tỷ hóa đơn suốt ngày đêm.
“Đối với doanh nghiệp xuất hóa đơn điện tử, doanh nghiệp có thể xuất hóa đơn bên kia biên giới hay bất cứ thời gian nào trong ngày. Như vậy, để ngành thuế có thể phát hiện ngay những vi phạm là điều không thể”, lời ông Phúc.
Rõ ràng, so với sự thông thoáng về thủ tục, dễ dàng trong thành lập doanh nghiệp, đi cùng với đó là tính đa dạng của các ngành, lĩnh vực kinh doanh; song bộ công cụ, ứng dụng để hỗ trợ việc kiểm soát “đường đi” của hóa đơn, dòng chảy của thuế vẫn còn yếu, lực lượng công chức thì thiếu, quá tải nên những rủi ro, sơ hở, phát sinh trong thực tế là rất dễ xảy ra.
Mà cách thức nhận diện, ứng phó với những hiện tượng ấy lại có phần lúng túng, thậm chí thụ động. Thiệt hại sau cùng, lớn nhất vẫn là nguồn thu của nhà nước, là môi trường hoạt động kinh doanh ẩn chứa nhiều tiêu cực, biến tướng ngay trên những mục tiêu “phái sinh” ban đầu vốn đúng và hợp lý.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận