Đừng chỉ kêu gọi 'người dân cần tỉnh táo'
“Báo chí đăng như thế rồi mà vẫn bị lừa, chỉ tại lòng tham thôi” là lời bình luận thường thấy nhất sau mỗi bài báo đăng về những vụ lừa đảo trực tuyến mà trong đó nạn nhân mất số tiền lớn lên đến cả tỉ đồng trở lên. Nhưng tại sao người dân lại dễ dàng bị lừa đảo đến vậy, và còn bị lừa hết lần này đến lần khác cũng là một câu hỏi cần cơ quan quản lý nhà nước có liên quan có một lời đáp tường tận.
Hình dung về các vụ lừa đảo trong thời gian vừa qua sẽ dễ thấy sự thiếu tương quan lực lượng giữa bên lừa đảo và nạn nhân.
Bên bị lừa đảo là một lực lượng rất lớn khó bề xác nhận, sống rộng khắp từ đô thị hiện đại đến nông thôn và mù mờ về Internet, công nghệ nhưng đang loay hoay trong công cuộc chuyển đổi số của đất nước. Có thể gọi thân thương là hai lúa công nghệ.
Sự chồng chéo trong các quy định, cách ứng xử chọn sự an toàn trước hết cho mình của các doanh nghiệp có liên quan cũng đã và đang tạo ra quá nhiều lỗ hổng cho các nhóm tội phạm mạng lợi dụng và tung hoành, đẩy những hai lúa công nghệ vào thế yếu, dễ thành mồi ngon của chúng.
Hãy bắt đầu từ các ứng dụng như VNeID, VssID, thuế… Hẳn nhiều người còn nhớ thời điểm làm CCCD gắn chip, lúc đó cả đội ngũ công an lẫn người dân phải làm suốt ngày đêm vì đây là một nội dung của chuyển đổi số trong toàn dân. Có căn cước rồi, người dân lại được yêu cầu cài đặt ứng dụng VNeID, xác thực định danh điện tử mức 2 – cũng là một nội dung của chuyển đổi số toàn dân. Việc chuyển các loại giấy tờ tùy thân từ giấy sang phần mềm ứng dụng (app) này nhiều ích lợi nhưng cũng lắm phiền hà.
Ở quê tôi vào thời điểm đó ai chưa tải app để định danh là bị “điểm danh” trên loa phường. Sau đó, công an xã tiếp tục gọi điện thoại, nhắn Zalo để giục từng người hoàn thành công đoạn “qua app”. Cũng chính trong thời gian này, những kẻ lừa đảo đã giả mạo công an hướng dẫn cài đặt ứng dụng VNeID, gửi “link độc” để chiếm đoạt tài sản. Cứ thế, sau VNeID là các app về bảo hiểm xã hội, thuế… các nhóm lừa đảo luôn tạo ra app giả, web giả và sẵn cả kịch bản giả mạo các cơ quan nhà nước để giăng bẫy chờ mồi.
Trong khi các hai lúa vẫn đang dùng Internet bằng sự “hồn nhiên” của mình, không có kỹ năng phân biệt thật – giả và luôn tin những gì “trên mạng nói”. VNeID, VssID… có thể là những ứng dụng đầu tiên phải dùng một cách nghiêm túc và bắt buộc với nhiều người, kể cả với những người dùng điện thoại thông minh đủ lâu cũng khó mà phân biệt được app, web thật – giả. Họ không thể hiểu những khái niệm “tên miền”, “đường link”, “file APK” nên không thể “không tải các trang web/đường link/QRCode lạ hoặc file APK” như lời khuyên trên báo chí?
Thật khó khi chỉ kêu gọi suông rằng “người dân cần tỉnh táo, kiểm tra kỹ trước khi thực hiện giao dịch trên mạng”. Để người dân không bị lừa dễ dàng (nhiều lần bị lừa) thì ở các thôn/xóm/phường/xã cần có chương trình “đào tạo cơ bản” về kiến thức nhận diện ứng dụng, trang web… thật và giả. Điều này có thể áp dụng ngay vào các buổi họp thôn xóm, kiểu “cầm tay chỉ việc” vì rất nhiều người dân thiếu kiến thức nền, họ đang hoang mang trước vô số thông tin trên mạng.
Bên cạnh đó các tổ chức như ngân hàng, bảo hiểm xã hội, đơn vị dịch vụ công… cũng cần giúp người dân nhận diện các thủ đoạn lừa đảo khi sử dụng thẻ, app ngân hàng. Hay sắp tới đây, khi sắp có ứng dụng giúp phát hiện lừa đảo qua mạng thì cũng cần có hướng dẫn cụ thể, tận tình với những nhóm người dùng dễ bị lừa đảo (người già, ở nông thôn, người không có kiến thức nền về công nghệ thông tin…) để giúp họ không tải nhầm app giả mạo.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận