Dừng bán nhà ở xã hội vì lãi suất và bão giá vật liệu xây dựng: Câu chuyện chưa từng có tiền lệ trên thị trường bất động sản
Mới đây, một số doanh nghiệp chuyên xây dựng nhà ở xã hội tại tỉnh Bắc Ninh đã làm đơn xin điều chỉnh giá bán, giá cho thuê, thậm chí xin ngừng bán các căn hộ nhà ở xã hội. Mặc dù dự án này đã bàn giao và đi vào sử dụng. Sự việc này đang gây xôn xao trên thị trường bất động sản.
Nguyên do khiến doanh nghiệp xin điều chỉnh giá bán, giá cho thuê và thậm chí xin tạm ngừng bán nhà nằm ở việc phê duyệt giá bán. Trong khi đó giá bán lại chịu tác động từ lãi vay ngân hàng và giá vật liệu xây dựng. Ông Phạm Tiến Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cát Tường cho hay: “Với nguồn cung nguyên vật liệu tăng 25% trên tổng suất đầu tư, lợi nhuận chỉ được 10%. Nếu chủ đầu tư tiếp tục bán nhà theo giá được phê duyệt sẽ bị lỗ. Sau khi tính toán, riêng với dự án từ 2019, phải bán khoảng 14 triệu/m2 mới được”.
Trong khi đó, Dự án nhà ở xã hội Cát Tường đã được Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh phê duyệt giá bán là 10,5 triệu đồng/m2 căn hộ, 3 năm sau dự án mới hoàn thành. Chủ đầu tư cho rằng, trong khoảng thời gian đó, giá nguyên vật liệu đã tăng mạnh, nếu vẫn bán với giá được phê duyệt, doanh nghiệp sẽ thua lỗ.
Cũng tại Huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, dự án nhà ở xã hội do Công ty Cổ phần đầu tư Xây dựng và Thương mại Sao Hồng cũng đã gặp phải khó khăn trong việc xin điều chỉnh giá bán, giá cho thuê khi theo đúng thông báo kết quả thẩm định giá là 9.290.000 đồng/m2 và giá thuê căn hộ là 47.000 đồng/m2. Một số doanh nghiệp đang xây dựng nhà ở xã hội khác cũng cho biết, do không có nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nên họ đang phải vay ngân hàng thương mại với lãi suất 9,6%/năm. Tuy nhiên, khi làm cơ sở để phê duyệt giá bán nhà, các cơ quan chức năng lại chỉ tính lãi suất là 4,8%, theo suất của nhà ở xã hội.
Trước ý kiến lo ngại, nếu linh hoạt trong giá bán nhà ở xã hội, bỏ khung giá cứng, không được vượt quá 10% tổng chi phí xây dựng như hiện nay sẽ dẫn đến tình trạng nhà ở xã hội tăng cao, không khác gì nhà ở thương mại, các doanh nghiệp cho rằng có thể quy định mức giá trần và giá sàn. “Nên đặt ra tiêu chuẩn về nhà ở xã hội, sau đó đưa ra giá trần, giá sàn. Bởi về thị trường nhà ở xã hội cũng phải cạnh tranh, quyết định bán ở giá nào cũng cần có yếu tố thị trường quyết định”, ông Phạm Tiến Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cát Tường bày tỏ.
Ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết: “Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu trong sửa đổi Luật Nhà ở 2014, cũng như các nghị định để ưu đãi cho chủ đầu tư thực chất hơn. Ví dụ tăng mức lợi nhuận của dự án lên so với quy định hiện hành là 10%; xem xét không quy định lợi nhuận định mức mà làm giá trần, do từng địa phương quy định”.
Những nút thắt phải dần được tháo gỡ, bởi sẽ là tiền đề cho doanh nghiệp được kinh doanh hiệu quả, đảm bảo dự án, mang lại hiệu quả cho an sinh xã hội địa phương.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận