Đức: Sân bay trở thành “sân khấu” cho đình công, 700 chuyến bay bị hủy
Đình công ở quốc gia có nền kinh tế lớn nhất châu Âu diễn ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán về tiền lương bị đình trệ.
Các sân bay Düsseldorf, Hamburg và Cologne/Bonn trở nên hoang vắng vào sáng ngày 20/4 do cuộc đình công kéo dài 24 giờ của nhân viên an ninh.
Theo Hiệp hội sân bay Đức (ADV), ít nhất 100.000 hành khách sẽ bị ảnh hưởng và khoảng 700 chuyến bay khởi hành sẽ bị hủy bởi làn sóng đình công.
Người phát ngôn của sân bay Hamburg cho biết: “Tình hình tại các nhà ga ngày hôm nay giống như các cuộc đình công trước đó của Verdi trong năm nay: Các nhà ga khởi hành trống rỗng, tình hình yên tĩnh”.
Làn sóng đình công mới nhất, do Nghiệp đoàn các ngành dịch vụ và giải trí Verdi kêu gọi nhằm phản đối chi phí sinh hoạt tăng cao, dự kiến sẽ mở rộng sang các nhân viên an ninh tại sân bay Stuttgart vào ngày 21/4.
Các cuộc đình công diễn ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán về tiền lương bị đình trệ, với việc Nghiệp đoàn Verdi yêu cầu tăng lương cho những ca làm việc vào ban đêm, cuối tuần và ngày nghỉ lễ.
Lạm phát ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã dẫn đến làn sóng đình công trong những tháng gần đây, khi người lao động đòi tăng lương để bù đắp chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ.
Trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến hết nửa đầu tháng 3 năm nay, hơn 900.000 hành khách đã buộc phải đổi lịch hoặc thậm chí hủy chuyến bay vì các cuộc đình công do Verdi kêu gọi.
ADV hôm 19/4 bày tỏ lo ngại rằng các sân bay đang bị “lạm dụng làm sân khấu trường kỳ cho đình công”. Các cuộc đàm phán giữa Verdi và Hiệp hội an ninh hàng không Đức (BDLS) dự kiến sẽ tiếp tục vào tuần tới.
Ngoài các cuộc đình công ở sân bay, Nghiệp đoàn vận tải và đường sắt Đức EVG đã kêu gọi một cuộc đình công vận tải trên toàn quốc vào ngày 21/4, dự kiến sẽ ảnh hưởng đến khoảng 50 công ty, bao gồm cả nhà điều hành đường sắt quốc gia Deutsche Bahn.
Hành khách được khuyến cáo nên lên lịch lại nếu có thể, vì giao thông đường dài và khu vực sẽ bị đình trệ, ít nhất là trong nửa đầu ngày.
EVG đang theo đuổi việc tăng lương 12%, hoặc tối thiểu 650 Euro/tháng, cho 230.000 thành viên của mình. Nghiệp đoàn này lập luận rằng việc tăng lương là cần thiết do “gánh nặng tài chính tăng mạnh”.
Trong khi đó, Deutsche Bahn đã đề nghị tăng lương 5%, cùng với khoản thanh toán một lần trị giá 2.500 Euro.
Một giải pháp cho tranh chấp tiền lương trong khu vực công đã được đề xuất bởi các trọng tài viên độc lập vào cuối tuần qua. Các nghiệp đoàn có kế hoạch tham gia đàm phán với Chính phủ Liên bang và chính quyền địa phương vào cuối tuần tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận