menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thạch Thảo

Dự toán ngân sách nhà nước 2021 và bài toán khó

Theo dự kiến trong chương trình họp ngày 12/11/2020 tới đây Quốc hội sẽ thảo luận về dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021. Hiện dự thảo dự toán NSNN năm 2021 đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến rộng rãi.

Thận trọng, tiết kiệm, bảo đảm an sinh và ổn định vĩ mô

Thuyết minh về dự thảo dự toán NSNN 2021, ông Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ NSNN thuộc Bộ Tài chính cho biết, dự toán này được xây dựng với tinh thần rất thận trọng khi dịch bệnh chưa biết khi nào kết thúc và khó khăn của nền kinh tế, của sản xuất kinh doanh trong nước còn kéo dài. Đồng thời dự toán căn cứ vào dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 với các chỉ tiêu tăng trưởng GDP là 6%, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân dưới 4%, kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 5%, dự báo giá dầu thô ở mức 45 USD/thùng.

Với những căn cứ đó, dự kiến tổng thu NSNN năm 2021 là 1.343.330 tỷ đồng, thấp hơn dự toán năm 2020; trong khi tổng chi là 1.687.000 tỷ đồng. “Đây cũng là lần đầu tiên trong rất nhiều năm, dự toán thu năm sau thấp hơn dự toán thu năm trước”, ông Tân cho biết.

Dự toán ngân sách nhà nước 2021 và bài toán khó

Theo giải thích của ông Tân, Bộ Tài chính cũng đã có nghiên cứu chỉ ra rằng cứ sau một cuộc khủng hoảng, khi tăng trưởng kinh tế trở lại được thì cũng phải mất 2-3 năm sau tốc độ tăng trưởng thu mới đạt được tốc độ phù hợp với tăng trưởng kinh tế. Sau đại dịch có rất nhiều DN phá sản, đóng cửa, giải thể, có nhiều DN đang cố gắng cầm cự, nên cũng cần có thời gian để hồi sinh, tạo ra lợi nhuận. Vì thế cho dù năm 2021 có đạt được mục tiêu tăng trưởng 6%, song thu NSNN không thể ngay lập tức đạt được mức tương ứng. Vì vậy số thu nội địa ở dự toán năm 2021 đặt ra thấp hơn số thu năm 2020.

Mặc dù thu ngân sách năm 2021 được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn, nhưng sẽ phải chi nhiều hơn để tiếp tục phòng dịch và bảo đảm an sinh xã hội, phục hồi kinh tế. Vì thế, Bộ Tài chính dự kiến bội chi NSNN năm 2021 sẽ lên ngưỡng cao là 343.670 tỷ đồng, tương đương khoảng 4% GDP điều chỉnh (tương ứng 5% GDP chưa điều chỉnh). Nếu tình hình kinh tế diễn biến theo chiều hướng xấu nhất thì dự kiến bội chi có thể tới 5,99% GDP chưa điều chỉnh và ở mức cận dưới cũng phải tới 5,35-5,45% GDP.

Phải chấp nhận mức bội chi cao như vậy là để đảm bảo chi cho đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng, nhưng chi thường xuyên sẽ tiếp tục được nén xuống. Chi đầu tư phát triển khoảng 28% tổng chi và chi thường xuyên nén xuống mức 61,5%.

Theo dự toán, nợ công 2021 cũng sẽ tăng cao, dự kiến nợ công 46,1% GDP điều chỉnh (tương ứng 58,6% GDP chưa điều chỉnh), nợ Chính phủ 41,9% GDP điều chỉnh (tương ứng 53,2% GDP chưa điều chỉnh). “Dự kiến mức bội chi này đã được Chính phủ cân nhắc trên mọi phương diện, kể cả khả năng an toàn kinh tế vĩ mô cũng như khả năng huy động từ nền kinh tế”, ông Tân cho biết.

“Khi chúng ta xác định một tỷ lệ bội chi nào đó thì chúng ta cũng phải xác định khả năng chúng ta vay ở đâu, vay bằng cách nào, có vay bằng mọi giá hay không. Cũng rất mừng là đến năm 2019 nợ công giảm mạnh xuống còn 44,7% GDP. Dư địa tài khóa của chúng ta đã được cải thiện một cách rất mạnh”, ông Tân thuyết minh thêm và cho biết, để bảo đảm an toàn ngân sách và để thực hiện tốt nhiệm vụ NSNN, năm 2021 vẫn thực hiện 8 nhóm giải pháp, trong đó sẽ xiết chặt kỷ luật kỷ cương tài chính, tiếp tục thực hiện mạnh hơn, kiên quyết hơn yêu cầu cắt giảm chi tiêu, khuyến khích tự chủ tài chính, sẽ cắt giảm 15% chi tiêu hành chính của cơ quan hành chính.

Không nên hoãn tăng lương

Đánh giá về bán dự thảo dự toán NSNN 2021, PGS-TS.Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) cho rằng, bản dự toán đã dự báo thận trọng hơn với cả thu và chi cho 2021, có đánh giá và định hướng cơ bản về thay đổi thu chi tiêu NSNN. Dự toán này cũng thuyết minh về thay đổi các khoản thu chính và dự toán có chi tiết 10 khoản chi thường xuyên của ngân sách TW. Đáng chú ý là trong dự toán này đã thấy thay đổi cơ cấu chi tiêu theo hướng tích cực hơn đó là giảm tỷ lệ chi thường xuyên, tăng tỷ lệ chi đầu tư. Đồng thời dự toán đã có thuyết minh giải pháp thực hiện dự toán.

Nhưng theo PGS-TS.Vũ Sỹ Cường, các chỉ tiêu như dự thảo dự toán vẫn còn hơi lạc quan quá và sẽ là thách thức lớn cho cơ quan điều hành ngân sách và nhiệm vụ thu ngân sách. Theo đó khó khăn phía trước còn rất lớn, nguồn thu sẽ giảm mạnh nhưng đặt dự toán thu nội địa vẫn xấp xỉ 2020 là một thách thức rất lớn. Đặc biệt thu từ đất đai vẫn dự toán tăng 10% liệu có khả thi? Bên cạnh đó nguồn thu từ dầu thô giảm và xuất nhập khẩu giảm không ít. Bởi vậy nếu đại dịch Covid-19 không kết thúc vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021 thì sẽ rất khó thực hiện mục tiêu thu nội địa.

Bên cạnh đó, dù đánh giá cao tinh thần thận trọng và tinh thần triệt để tiết kiệm tích cực giảm chi, nhất là chi thường xuyên, nhưng theo ông Cường không nên giảm đồng đều. Đặc biệt trong những lúc khó khăn này phải chấp nhận có những khoản tăng lên như chi bảo trợ xã hội, tăng dự phòng ngân sách và cần phải tăng lương.

Cụ thể theo lộ trình cải cách tiền lương là thực hiện tăng lương từ 1/7/2020, nhưng vì Covid-19, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội cho phép dừng tăng lương. Bộ Tài chính cho rằng vì thu thấp thì phải giảm chi nên năm 2021 chưa thể tăng lương và sẽ xem xét việc này ở năm 2022.

Tuy nhiên theo ông Cường, tổng cầu đang giảm rất mạnh thể hiện ở chi tiêu xã hội giảm, sản lượng tiêu thụ điện giảm mạnh 10 năm qua chưa bao giờ thấp thế. Trong khi để phục hồi kinh tế lúc này phải kích ở tổng cầu và tăng lương là một giải pháp, tăng lương sẽ tăng tiêu dùng và sẽ có tính lan tỏa nhanh hơn góp phần thúc đẩy tăng trưởng. “Ở năm 2020 đầy khó khăn này lẽ ra vẫn nên tăng lương như kế hoạch nhưng chúng ta đã bỏ qua, năm 2021 không nên bỏ lỡ cơ hội cải cách tiền lương.

Trì hoãn tăng lương là một sự lãng phí cơ hội thúc đẩy tăng trưởng”, ông Cường nói và nhấn thêm rằng: “Trong bối cảnh đặc biệt thì chúng ta phải có giải pháp đặc biệt. Chúng ta phải chấp nhận bội chi cao – không sao cả. Quan trọng là đi kèm với bộ chi cao là những giải pháp, biện pháp chống lãng phí, thất thoát, tiết kiệm triệt để những khoản cần tiết kiệm cần giảm chi, chống thất thu ngân sách và kéo giảm bội chi ở những năm sau”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại