Dư thừa thanh khoản ngân hàng sẽ giảm bớt trong quý II/2020
Trong tháng 3, NHNN đã hút ròng 24.000 tỷ đồng trên liên ngân hàng, nhưng cơ quan điều hành đã có tín hiệu chuyển sang bơm ròng.
Nhìn lại thanh khoản thị trường liên ngân hàng VND trong quý I/2020 duy trì trạng thái ổn định và về tổng thể khá dồi dào.
Nếu loại trừ giai đoạn khoảng 1 tuần trước Tết, lãi suất các kỳ hạn ngắn qua đêm - 1 tuần có xu hướng giảm nhẹ từ mức 2,3 - 2,9%/năm xuống quanh mức 2,2 - 2,5%/năm, trong khi lãi suất các kỳ hạn 1 - 3 tháng giảm mạnh khoảng 90-100 điểm phần trăm từ mức 3,8 - 4,2%/năm xuống quanh mức 2,8 - 3,3%/năm.
Tính chung cả quý, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lãi suất bình quân kỳ hạn 1 tuần ở mức 2,46%/năm, thấp hơn 0,3%/năm so với mức bình quân của quý 4/2019 và thấp hơn khoảng 1,9%/năm so với cùng kỳ năm 2019.
Theo đánh giá của lãnh đạo các ngân hàng, nền thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) duy trì rất dồi dào ngay từ giai đoạn đầu quý I do các NHTM đã duy trì bán ngoại tệ liên tục về NHNN trong giai đoạn cuối năm 2019 với khối lượng lên tới gần 5 tỷ USD.
Mặc dù việc thực hiện duy trì lạm phát mục tiêu 4% còn gặp nhiều thách thức, song đứng trước nhu cầu cấp bách từ việc hỗ trợ nền kinh tế do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 (tăng trưởng kinh tế trong quý 1 chỉ đạt 3,82%), NHNN đã tiến hành nới lỏng quyết liệt thông qua điều chỉnh hạ một loạt lãi suất điều hành với biên độ điều chỉnh từ 0,2 - 1,0%/năm vào giữa tháng 3, trong đó đáng chú ý nhất là mức giảm 0,5%/năm xuống mức 3,5%/năm lãi suất thị trường mở (OMO).
Ngoài ra, NHNN cũng duy trì bơm/hút nhịp nhàng qua kênh mua bán ngoại tệ và tín phiếu trong suốt thời gian cả quý 1, với việc bơm khoảng 104.000 tỷ đồng qua kênh mua bán ngoại tệ với các NHTM và duy trì hút tín phiếu kỳ hạn 3 tháng để hạn chế tình trạng dư thừa, với tổng số dư tín phiếu vào cuối quý I lên đến 147.000 tỷ đồng.
Ðáng chú ý, chênh lệch huy động vốn - tín dụng VND có xu hướng mở rộng khoảng 31.000 tỷ đồng kể từ đầu năm khi tăng trưởng tín dụng có phần chậm hơn tăng trưởng huy động vốn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Mặc dù huy động vốn và tín dụng VND có xu hướng tăng trưởng thấp so với cùng kỳ năm ngoái (ước tính tăng lần lượt khoảng 1% và 0,7% so với con số tăng khoảng 3% và 2,8% cùng kỳ 2019), xu hướng mở rộng của chênh lệch huy động vốn - tín dụng vẫn được duy trì và giúp thanh khoản của hệ thống duy trì trạng thái dồi dào.
Tình trạng trên đang được thay đổi khi bắt đầu tuần cuối tháng 3, NHNN liên tục bơm tiền qua OMO.
Gần đây nhất, trong tuần từ 6/4 đến 10/4, NHNN đã bơm khoảng 24.000 tỷ đồng qua OMO và không hút tiền về. Ðiều này chứng tỏ, nhu cầu vốn cho vay của các ngân hàng đang tăng trở lại, tình trạng dư thừa thanh khoản như quý I đã không còn.
Theo báo cáo của Thống đốc NHNN tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương ngày 10/4 vừa qua, tín dụng toàn nền kinh tế và hệ thống ngân hàng cả quý I tăng 1,3% so với đầu năm.
Ðây là tín hiệu tương đối khả quan vì tín dụng hầu như không tăng trong 2 tháng đầu năm, đến tháng 3 đã có bước tăng trưởng tích cực.
Việc nới lỏng tiền tệ và nhu cầu cho vay tăng lên là tín hiệu tốt cho nền kinh tế, các nguồn vốn giá rẻ được ngân hàng đưa ra thị trường sẽ hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn của dịch Covid-19.
Nhưng theo các phân tích gần đây, việc nới lỏng ở mức nào để không gây sức ép lên lạm phát lại là bài toán khó với cơ quan điều hành.
Một nghiên cứu của Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ BIDV cho rằng, NHNN dự kiến tiếp tục điều hành chính sách theo hướng nới lỏng thận trọng khi đứng trước “thế lưỡng nan”.
Một mặt, tăng trưởng kinh tế GDP đang đối mặt với thách thức do tác động của dịch Covid-19 đến các hoạt động sản xuất, thương mại và dịch vụ đang ngày càng lớn dần.
Mặt khác, áp lực lạm phát mặc dù đã giảm bớt do giá xăng dầu giảm, song dự kiến vẫn duy trì khá cao trong quý II (CPI bình quân dự kiến tăng khoảng 4-4,5% so với cùng kỳ năm trước).
“Theo đó, nhiều khả năng NHNN sẽ thận trọng trong việc nới lỏng chính sách bằng việc kết hợp các công cụ bơm tiền trên thị trường mở và có thể sử dụng công cụ tái cấp vốn, tái chiết khấu. Ðồng thời, chúng tôi cũng sẽ quan sát khả năng cắt giảm thêm một số loại lãi suất điều hành với biên độ thấp hơn, khoảng 0,25-0,5%/năm”, chuyên gia phân tích BIDV nhận định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận