24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Quang Sang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Dự thảo sửa Thông tư 01 và 03 có đáp ứng kỳ vọng?

Nhìn vào các quy định về chính sách tái cơ cấu nợ liên tục cập nhật và phải thay đổi theo tình hình mới, có thể thấy tầm nhìn chính sách thời gian qua vẫn đang ít nhiều mang tính chất ngắn hạn, không thể theo kịp những biến động của tình hình thực tế, cũng như khả năng dự báo của chính sách còn hạn chế.

Những thay đổi

Trước những ảnh hưởng và thiệt hại nghiêm trọng đến nền kinh tế của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 kéo dài từ cuối tháng 4-2021 đến nay, tức đã gần bốn tháng – dài nhất kể từ khi dịch bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam từ đầu năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã ban hành Dự thảo sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN và 03/2021/TT-NHNN về việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Như vậy, chỉ sau ba tháng Thông tư 03 (về việc sửa đổi Thông tư 01) đi vào hiệu lực (17-5-2021), nhà điều hành buộc phải có những cập nhật và thay đổi chính sách. Thực tế, những dự đoán về khả năng NHNN sẽ phải tiếp tục cập nhật chính sách cơ cấu nợ theo tình hình mới đã được đưa ra, như trong bài viết “Thông tư 03 – Mới ra đã e lạc hậu!” trên Kinh tế Sài Gòn số 29 phát hành ngày 15-7-2021.

Theo dự thảo thông tư sửa đổi lần này, những sửa đổi chủ yếu tập trung vào điều 4 về “Cơ cấu lại thời hạn trả nợ”.

Thứ nhất, về các khoản vay đáp ứng được các điều kiện cho phép cơ cấu nợ, sẽ bổ sung thêm các khoản vay, cho thuê tài chính phát sinh trước ngày 1-8-2021, thay vì chỉ trước ngày 10-6-2020 như quy định cũ. Điều này có nghĩa là tất các các khoản vay phát sinh trong hơn một năm qua, từ sau ngày 10-6-2020 đến trước ngày 1-8-2021 sẽ có cơ hội được các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ nếu được xác định bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Sau thời gian giãn cách xã hội, các doanh nghiệp đã và đang tạm ngừng hoạt động không phải muốn là có thể nối lại ngay các hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc tìm kiếm lại các thị trường, đơn hàng, hay khôi phục quan hệ với đối tác cần phải có một khoảng thời gian nhất định. Xây dựng lại đội ngũ lao động cũng sẽ là một thách thức không nhỏ.

Thứ ba, bổ sung thêm số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 10-6-2020 đến trước ngày 1-8-2021 và quá hạn từ ngày 17-7-2021 đến trước ngày thông tư mới này có hiệu lực thi hành. Cơ sở xác định mốc 17-7-2021 là vì đây là thời điểm Thủ tướng Chính phủ có Công văn 969/TTg-KGVX về việc thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch tại một số địa phương, trong đó cho phép 19 tỉnh, thành phố thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, nên đã ảnh hưởng tiêu cực lên hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến làm suy giảm khả năng trả nợ của doanh nghiệp và các hộ kinh doanh, cá nhân.Thứ hai, bổ sung thêm các khoản vay có phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23-1-2020 đến ngày 30-6-2022, thay vì chỉ tính đến ngày 31-12-2021. Việc xác định mốc 30-6-2022 dựa trên cơ sở kỳ vọng tỷ lệ tiêm chủng ngừa Covid-19 toàn dân sẽ đạt 70-75% vào cuối năm 2021, đầu năm 2022, theo đó các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ có thêm khoảng thời gian sáu tháng để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, chính sách thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng cũng sẽ được kéo dài thêm sáu tháng, đến ngày 30-6-2022.

Đối với điều 5 về quy định miễn, giảm lãi, phí, dự thảo thông tư sửa đổi cũng bổ sung thêm đối tượng là các khoản nợ phát sinh trước ngày 1-8-2021 mà nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 23-1-2020 đến ngày 30-6-2022, theo đó các khoản nợ này có thể được xem xét miễn giảm lãi, phí nếu khách hàng được xác định bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và không có khả năng trả nợ gốc/lãi đúng hạn. Tương tự, việc thực hiện miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng theo quy định mới cũng thực hiện đến ngày 30-6-2022, tức cũng kéo dài thêm sáu tháng so với quy định cũ.

Đã đáp ứng kỳ vọng?

Có thể thấy hai mốc thời gian đáng chú ý nhất được sửa đổi, bổ sung thêm trong dự thảo thông tư lần này là mốc ngày 1-8-2021, tức thời điểm áp dụng cho các khoản vay phát sinh và mốc ngày 30-6-2022 là thời điểm chính sách kết thúc. Nếu như mốc ngày 1-8-2021 là khá rộng mở so với mốc theo quy định cũ là ngày 10-6-2020, thì ngược lại mốc ngày 30-6-2022 khá chặt tay so với mốc cũ là ngày 31-12-2021. Điều này, như đã nói, dựa trên kỳ vọng tỷ lệ tiêm chủng sẽ đạt độ bao phủ đủ đáp ứng miễn dịch cộng đồng, khi đó nền kinh tế sẽ mở cửa trở lại và hoạt động của các doanh nghiệp quay lại bình thường.

Tuy nhiên, các nền kinh tế phát triển đã đạt được tỷ lệ tiêm chủng toàn dân phủ rộng như Irsael hay Mỹ gần đây vẫn chứng kiến các đợt bùng phát mới với chủng Delta khó lường, do đó đã buộc phải triển khai chích vaccin thêm mũi thứ 3 cho người dân, đồng thời phải tái áp đặt một số hạn chế. Diễn biến này cho thấy việc tiêm chủng nhiều không có nghĩa đủ đảm bảo nền kinh tế sẽ vận hành hoàn toàn bình thường và không chứng kiến thêm các đợt bùng dịch phát mới. Việt Nam cho đến nay vẫn chưa thể chủ động được nguồn cung vaccin như các quốc gia phát triển, do đó khả năng được tiêm mũi 3 vẫn là kịch bản bỏ ngỏ.

Đáng lưu ý là thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ, kể cả trường hợp gia hạn nợ, tiếp tục được giữ nguyên ở mốc không vượt quá 12 tháng kể từ ngày cơ cấu nợ, bất chấp các đề xuất nên được nới rộng hơn lên tối thiểu là 24 tháng, để doanh nghiệp thực sự có thể phục hồi.

Sau thời gian giãn cách xã hội, các doanh nghiệp đã và đang tạm ngừng hoạt động không phải muốn là có thể nối lại ngay các hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc tìm kiếm lại các thị trường, đơn hàng, hay khôi phục quan hệ với đối tác, nhà cung cấp cần phải có một khoảng thời gian nhất định. Đó là chưa nói đến việc xây dựng lại đội ngũ lao động sẽ là một thách thức không nhỏ, khi mà dịch bệnh vừa qua đã khiến nhiều lao động, đặc biệt là tại TPHCM, hồi hương và sau này nếu có lựa chọn quay trở lại thành phố để làm việc cũng cần phải mất một khoảng thời gian suy xét.

Nhìn vào các quy định về chính sách tái cơ cấu nợ liên tục cập nhật và phải thay đổi theo tình hình mới, có thể thấy tầm nhìn chính sách thời gian qua vẫn đang ít nhiều mang tính chất ngắn hạn, không thể theo kịp những biến động của tình hình thực tế, cũng như khả năng dự báo của chính sách còn hạn chế. Song cũng không loại trừ khả năng nhà điều hành không muốn mở rộng chính sách với thời gian cho phép tái cơ cấu quá dài, mà có thể xem xét khi đến hạn cuối của chính sách – dựa trên tình hình thực tế để quyết định có nên tiếp tục gia hạn, kéo dài thêm chính sách hay không.

Tuy nhiên, việc chính sách mang tính chất điều hành ngắn hạn như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến chính sách quản lý của các ngân hàng cũng như kế hoạch hoạt động của các doanh nghiệp. Một ví dụ là với thời gian tái cơ cấu quá ngắn và cứng nhắc, khách hàng chưa kịp phục hồi thì buộc ngân hàng phải hỗ trợ bằng cách tái cơ cấu tiếp lần 2, lần 3, trong khi theo quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng hiện nay, số lần tái cơ cấu sẽ là tiêu chí xác định để phân loại nhóm nợ. Theo đó, nợ cơ cấu lần 2 sẽ bị xếp vào nhóm 4 và cơ cấu lần 3 sẽ xếp vào nhóm 5, càng gây áp lực lên chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng hàng năm của các ngân hàng.

Ngoài ra, đề xuất giãn thời hạn trích lập dự phòng bổ sung đối với các khoản nợ tái cơ cấu từ ba năm lên năm năm cũng không được bổ sung vào dự thảo thông tư sửa đổi lần này. Tổng nợ tái cơ cấu theo Thông tư 01 và Thông tư 03 có lẽ chưa đến mức báo động, do đó trích lập 30% theo số này như quy định của Thông tư 03 không phải là áp lực quá lớn. Nhưng nếu quy định sửa đổi (cho phép các ngân hàng tái cơ cấu cho các khoản vay phát sinh trước ngày 1-8-2021) được thông qua, có khả năng số nợ tái cơ cấu tăng vọt trong giai đoạn tới. Khi đó, chi phí trích lập theo tỷ lệ 30% riêng trong năm 2021 này cho các khoản vay tái cơ cấu có thể sẽ tăng rất mạnh.

Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Ngân hàng, tổng dư nợ phát sinh từ ngày 10-6-2020 đến đầu tháng 8 vừa qua của các ngân hàng là hơn 1,19 triệu tỉ đồng; hơn 600.000 tỉ đồng trong đó đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và con số này chắc chắn sẽ còn tăng sau các chính sách giãn cách xã hội ngày càng chặt chẽ hơn. Còn theo số liệu Tổng cục Thống kê, trong bảy tháng đầu năm nay, có gần 79.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng đến 25,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Phải chăng nhà điều hành nhận thấy các ngân hàng vẫn đủ sức đáp ứng các tỷ lệ trích lập dự phòng theo quy định trong năm nay mà không ảnh hưởng quá lớn lên lợi nhuận? Dù vậy, cũng cần lưu ý rằng nhiều ngân hàng đã phải giảm mạnh lãi suất cho vay kể từ giữa tháng 7 đến nay để hỗ trợ khách hàng, do đó biên lợi nhuận cũng đã phần nào bị thu hẹp lại so với nửa đầu năm nay.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả