24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trung Thành
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Dự thảo quy định cho vay đặc biệt: Lấy từ túi người này trả cho người kia?

Dự thảo quy định cho vay đặc biệt: Lấy từ túi người này trả cho người kia?

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang dự thảo thông tư quy định về cho vay đặc biệt từ NHNN, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, và tổ chức tín dụng khác đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt. Lãi suất cho vay đặc biệt là lãi suất ưu đãi đến mức 0%. Điểm đáng chú ý trong dự thảo thông tư trên là quy định cho vay đặc biệt từ các tổ chức ngoài NHNN.

Chưa thấy có lý do hợp lý

Trước tiên, xét về cho vay đặc biệt của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Tổ chức này cho vay đặc biệt hỗ trợ thanh khoản với tổ chức tín dụng khi đơn vị này mất khả năng chi trả trong thời gian được kiểm soát đặc biệt. Tương tự, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cho vay đặc biệt với công ty tài chính, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô có nguy cơ mất khả năng chi trả. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng cho vay đặc biệt để hỗ trợ phục hồi với công ty tài chính và quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô theo phương án phục hồi đã phê duyệt.

Việc cho vay các đối tượng như trên lẽ ra không phải là chức năng và nhiệm vụ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Nhưng nếu NHNN đã muốn như vậy thì hãy coi đó là chức năng, nhiệm vụ bổ sung của nó. Điều đáng nói ở đây là, nguồn tiền cho vay đặc biệt của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là từ Quỹ dự phòng nghiệp vụ của tổ chức này chứ không phải là nguồn tái cấp vốn từ NHNN như lẽ thông thường cần phải có, nếu NHNN muốn Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đảm đương thêm/hộ những chức năng và nhiệm vụ mà lẽ ra là của NHNN.

Cụ thể hơn, Quỹ dự phòng nghiệp vụ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được hình thành từ các nguồn sau: tiền thu phí bảo hiểm tiền gửi hàng năm; thu nhập từ hoạt động đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi; các khoản tiền bảo hiểm không có người nhận theo quy định; số tiền còn lại (nếu có) từ việc thanh lý tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định; chênh lệch thu chi tài chính còn lại hàng năm sau khi trích lập quỹ đầu tư phát triển và quỹ khen thưởng, phúc lợi theo quy định; và thu nhập từ các khoản cho vay đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt(1).

Như vậy, theo quy định, Quỹ dự phòng nghiệp vụ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam hoàn toàn không có nguồn thu/bổ sung, cấp phát từ NHNN. Nguồn thu chính của nó là từ tiền thu phí bảo hiểm do tổ chức tín dụng nộp. Do đó, khi Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng thì Quỹ dự phòng nghiệp vụ của nó sẽ hao hụt tùy theo mức độ cho vay đặc biệt này. Và như vậy cũng có nghĩa là nguồn tiền có sẵn để đề phòng và chi trả bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền sẽ hao hụt tương ứng.

Đó là chưa kể thiệt hại thông thường cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (không xét đến chuyện tổ chức tín dụng được Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cho vay nhưng không có khả năng sống sót, dẫn đến mất vốn), khi phải cho vay với lãi suất ưu đãi đến 0% so với nếu tiền trong quỹ này được đầu tư vào các sản phẩm khác như trái phiếu chính phủ, tuy lãi suất cũng thấp nhưng còn cao hơn nhiều so với lãi suất 0%.

Dẫu quy định hiện thời (trong Thông tư 20/2020/TT-BTC) yêu cầu Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cho vay đặc biệt phải đảm bảo nguyên tắc không được làm ảnh hưởng đến khả năng chi trả bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền, nhưng vấn đề là làm sao xác định chỉ được cho vay bao nhiêu và bao nhiêu cần phải giữ lại trong quỹ để phòng trường hợp hữu sự, và làm sao biết được là khi hữu sự thì con số đó có đủ để chi trả cho người gửi tiền mà không bị vỡ quỹ?

Trong khi đó, hạn mức của việc chi trả tiền bảo hiểm tiền gửi - sứ mệnh chính của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam - thì vẫn còn rất thấp và cơ quan chức năng vẫn còn đắn đo chuyện tăng hạn mức này. Thực tế, sau nhiều năm hạn mức này mới chỉ được điều chỉnh tăng từng bước, gần đây nhất là 75 triệu đồng (năm 2017), lên mức... đề xuất hồi năm 2020 là 125 triệu đồng (không rõ bao giờ sẽ thành thật), mặc dù ai cũng nhận thức rõ rằng hạn mức cao hơn là một sự đảm bảo tốt hơn, một sự cam kết mạnh mẽ hơn của Chính phủ để bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền.

Tất nhiên là nếu trường hợp xấu, như vỡ quỹ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có xảy ra, thì NHNN chắc sẽ phải can thiệp và hỗ trợ chứ không thể bỏ mặc nó tự xoay xở. Nhưng nếu là vậy thì sao NHNN không quy định thêm trong dự thảo rằng NHNN sẽ tái cấp vốn cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam khi cần? Nhưng nếu quy định thêm như vậy thì rốt cuộc NHNN đâu cần sự tham gia của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam? Nói cách khác, vẫn chưa thấy có lý do hợp lý để đưa Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam vào trong dự thảo thông tư này.

Nếu áp dụng, chỉ nên áp dụng với nguồn vốn từ NHNN

Tương tự như vậy khi xét đến sự tham gia của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam trong cho vay đặc biệt với tổ chức tín dụng. Nguồn cho vay đặc biệt lấy từ Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân. Quỹ này cũng được hình thành từ phí trích nộp của Ngân hàng Hợp tác xã và các quỹ tín dụng nhân dân thành viên, chứ không phải từ NHNN.

Và cũng như vậy là việc tổ chức tín dụng khác cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt. Nguồn vốn cho vay đặc biệt cũng là của riêng của tổ chức tín dụng cho vay đặc biệt mà không thấy nói gì đến trách nhiệm bồi thường, bổ sung, bù đắp của NHNN đối với tổ chức cho vay.

Tóm lại, NHNN cần quy định rõ nếu Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng Hợp tác xã, và các tổ chức tín dụng khác có tham gia cho vay đặc biệt theo chỉ đạo của NHNN thì nguồn vốn cho vay phải là từ NHNN mà không được động chạm gì đến nguồn vốn của riêng các tổ chức này, để đảm bảo chúng hoạt động bình thường đúng với sứ mệnh và chức năng mà chúng được tạo ra. Ngoài ra, cũng cần quy định rõ khi nào, trong hoàn cảnh nào thì cần sự tham gia của những tổ chức này vào việc cho vay đặc biệt, mà không phải là NHNN trực tiếp đảm trách theo đúng chức năng mà luật pháp quy định cho NHNN.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả