Dự thảo Luật PPP: Chưa đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giữa nhà đầu tư và nhà nước
Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư vẫn nhiều quy định vi phạm nguyên tắc bình đẳng giữa nhà đầu tư và các cơ quan nhà nước và xuất hiện nhiều hạn chế về mặt kỹ thuật lập pháp.
Sau hơn một năm lấy ý kiến và xây dựng, tại kỳ họp này Chính phủ đã trình và xin ý kiến Quốc hội về Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (viết tắt là Luật PPP).
Dự thảo Luật PPP đang được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp lần này (tháng 11/2019) được bố cục thành 11 chương với 102 điều
Dự thảo Luật làm khó doanh nghiệp
Có quá nhiều những quy định của Dự thảo thể hiện sự bất bình đẳng giữa nhà đầu tư và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Những quy định này, nếu đi vào thực tế sẽ làm khó nhà đầu tư.
Theo khoản 1, Điều 46 về việc chấm dứt hợp đồng PPP trước thời hạn thì: “Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấm dứt hợp đồng khi xác định nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án lâm vào tình trạng mất khả năng thực hiện các nghĩa vụ quy định tại hợp đồng, hoặc vì lợi ích quốc gia, mục tiêu quốc phòng, an ninh; Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chấm dứt hợp đồng khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan ký hợp đồng vi phạm nghiêm trọng việc thực hiện nghĩa vụ theo quy định của hợp đồng”.
Các quy định nêu trên đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc bình đẳng giữa các chủ thể ký kết hợp đồng được ghi nhận trong pháp luật hiện hành của nước ta, mà cụ thể là khoản 1, Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015, theo đó: “Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản”.
TS Dương Đặng Huệ, Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp).
Sự không bình đẳng ở điều luật này thể hiện ở chỗ, theo quy định tại điểm a nêu trên thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền chấm dứt hợp đồng khi xác định phía bên kia (nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án) lâm vào tình trạng mất khả năng thực hiện bất cứ nghĩa vụ nào được quy định tại hợp đồng (bất luận là nghĩa vụ lớn hay nhỏ, quan trọng hay không quan trọng, cơ bản hay không cơ bản).
Tóm lại, cứ có vi phạm là cơ quan nhà nước có quyền chấm dứt hợp đồng. Trong khi đó, theo điểm b nêu trên thì nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chỉ được quyền chấm dứt hợp đồng khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng.
Tóm lại, theo quy định của pháp luật hiện hành thì các bên tham gia hợp đồng phải được đối xử như nhau, có các quyền và nghĩa vụ tương đương nhau trong việc chấm dứt hợp đồng. Trong khi đó, toàn bộ khoản 1, Điều 46 nêu trên lại có quy định cho phép cơ quan nhà nước có nhiều cơ hội (khả năng, điều kiện) hơn so với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án trong việc chấm dứt hợp đồng. Điều này thể hiện sự bất hợp lý của dự thảo Luật, do đó cần phải được loại bỏ.
Hay tại Điều 47: “Quyền tiếp nhận dự án của bên cho vay” viết: “Bên cho vay có quyền tiếp nhận một phần hoặc toàn bộ các tài sản của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án đã hình thành theo hợp đồng trong trường hợp nhà đầu tư hoặc doanh nghiệp dự án không thực hiện được các nghĩa vụ được quy định tại hợp đồng PPP hoặc hợp đồng vay vốn”.
Quy định này có nội dung rất bất lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án vì đã cho phép bên cho vay được quyền tiếp nhận một phần hoặc toàn bộ dự án, trong đó, có các tài sản của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chỉ vì một lý do đơn giản là: “nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án không thực hiện được các nghĩa vụ được quy định tại hợp đồng” bất luận nghĩa vụ đó là to hay nhỏ, quan trọng hay không quan trọng, cơ bản hay không cơ bản.
Theo tôi, quyền tiếp nhận dự án của bên cho vay là một chế tài rất nghiêm khắc đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, do đó, nó chỉ có thể được áp dụng trong những trường hợp rất hãn hữu khi mà nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án đã có hành vi vi phạm nghiêm trọng đối với hợp đồng mà không thể được áp dụng một cách tràn lan, dễ dàng như đã được quy định trong điều luật nêu trên.
Nhiều hạn chế về mặt kỹ thuật lập pháp
Mặc dù đã trình Quốc hội xem xét lần đầu nhưng dự thảo Luật vẫn còn không ít hạn chế về mặt kỹ thuật lập pháp. Sau đây là một số biểu hiện cụ thể.
Hay như tên của mục 3 chương VIII là “Giám sát của cộng đồng” cũng trùng với tên của Điều 83 là “Giám sát của cộng đồng dân cư trên địa bàn thực hiện dự án”.
Trong khi đó, vấn đề hợp đồng trong dự thảo lại được phân tán ở nhiều chương khác nhau. Cụ thể là: chương IV “Thành lập doanh nghiệp dự án và ký kết hợp đồng” và mục 3 chương V “Chuyển giao công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng, thanh lý hợp đồng”.
Ví dụ đơn cử như Khoản 2 Điều 83 viết: “Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tham khảo, giải trình, tiếp thu ý kiến cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án PPP có nguy cơ tác động lớn đến môi trường, dự án có ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống kinh tế - xã hội của cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án về chủ trương, chính sách đầu tư, xây dựng, đất đai, xử lý chất thải và bảo vệ môi trường, đền bù, giải phòng mặt bằng và phương án tái định canh, định cư theo quy định của pháp luật”.
Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần phải chỉnh sửa lại một cách nghiêm túc những điều khoản có nội dung tối nghĩa giống như điều khoản vừa nêu trên.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận