24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hồng Hồng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi: Bảo vệ hay làm khó nhà đầu tư?

Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi vừa được Bộ Tài chính công bố có nhiều đề xuất mới nhằm bảo vệ NĐT trên TTCK. Tuy nhiên, nhiều đề xuất của Bộ Tài chính bị đánh giá là không phù hợp, thậm chí gây khó cho NĐT và cả DN.

Thêm khó cho NĐT

Một trong những đề xuất được nhiều NĐT quan tâm nhất là việc Bộ Tài chính đưa ra khái niệm NĐT chuyên nghiệp. Theo đó, dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 11 về NĐT chuyên nghiệp như sau: đối với công ty có vốn điều lệ đã góp trên 100 tỷ đồng, thì phải có thời gian hoạt động tối thiểu 2 năm.

Đối với cá nhân, bổ sung 2 phần, thứ nhất phải tham gia đầu tư trong thời gian tối thiểu 2 năm, có tần suất giao dịch tối thiểu 10 lần mỗi quý trong 4 quý gần nhất; thứ hai có thu nhập tối thiểu 1 tỷ đồng/năm trong 2 năm gần nhất.

Dự thảo cũng bổ sung thêm quy định NĐT chuyên nghiệp tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ, phải là tổ chức theo quy định tại Khoản 1, Điều 11 Luật CK.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc bổ sung quy định về điều kiện là NĐT chuyên nghiệp đối với cá nhân phải có tần suất giao dịch tối thiểu là 10 lần mỗi quý trong 4 quý gần nhất là không phù hợp, bởi như vậy sẽ gây khó khăn cho các NĐT cá nhân khi họ có định hướng nắm giữ cổ phiếu lâu dài, đương nhiên ít phát sinh giao dịch thường xuyên.

Hay như các quy định hiện nay về điều kiện để NĐT cá nhân tham gia mua TP phát hành riêng lẻ đã rất chặt chẽ, đảm bảo họ là những NĐT có đầy đủ năng lực tài chính hoặc có trình độ chuyên môn về CK.

Do đó, việc bổ sung quy định về đối tượng được tham gia đợt phát hành TP riêng lẻ phải là NĐT tổ chức, sẽ giới hạn sự tham gia của NĐT cá nhân vào TTCK, hạn chế quyền chủ động đầu tư của cá nhân, đi ngược lại với chủ trương khuyến khích sự tham gia của NĐT cá nhân vào TTCK, để thúc đẩy sự phát triển trong dài hạn của thị trường.

Chưa làm rõ hành vi thao túng

Đối với các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về CK và TTCK, dự thảo sửa đổi, bổ sung Khoản 3 và bổ sung Khoản 6a vào sau Khoản 6, Điều 12, nhằm luật hóa quy định về hành vi thao túng TTCK từ Nghị định 156/2020/NĐ-CP.

Cụ thể, các hành vi như mua hoặc bán CK với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa (ATO), hoặc đóng cửa (ATC) thị trường, nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại CK đó trên thị trường; đặt lệnh mua và bán cùng loại CK trong cùng ngày giao dịch, hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua, bán CK mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự.

Dự thảo cũng bổ sung hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến giao dịch của người nội bộ công ty đại chúng, quỹ đại chúng và người có liên quan trong việc không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đại chúng.

Cần biết, hiện nay việc đặt lệnh mua và bán cùng loại CK trong cùng ngày giao dịch, là nhu cầu hợp lý của các NĐT tư tham gia giao dịch. Do đó, phải có quy định cụ thể để xem xét đâu là hành vi thao túng thị trường, đâu là hoạt động giao dịch thông thường của NĐT.

Từ thực tế này giới phân tích đưa 2 đề xuất: thứ nhất phải có quy định cụ thể để có cơ sở xác định hành vi thao túng thị trường, tránh ảnh hưởng đến nhu cầu và tâm lý của NĐT tham gia trên TTCK, ảnh hưởng đến thanh khoản của thị trường; thứ hai bổ sung quy định về tăng cường giám sát, quy định về trách nhiệm của đơn vị giám sát thị trường, có giải pháp để theo dõi, phát hiện các giao dịch bất thường, chủ động tiếp cận điều tra, đảm bảo tính công khai, minh bạch của thị trường.

Hạn chế khả năng tiếp cận vốn của DN

Đối với điều kiện chào bán TPDN ra công chúng, theo quy định tại Khoản 3, Điều 15 Luật CK, DN phải đáp ứng hàng loạt điều kiện như: có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 30 tỷ đồng trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán; hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán; không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 1 năm;

Có phương án phát hành, phương án sử dụng và trả nợ vốn thu được từ đợt chào bán được ĐHĐCĐ hoặc HĐQT thông qua; có cam kết thực hiện nghĩa vụ của tổ chức phát hành đối với NĐT về điều kiện phát hành, thanh toán; có kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với tổ chức phát hành TP theo quy định của Chính phủ về các trường hợp phải xếp hạng tín nhiệm và thời điểm áp dụng; cam kết và phải thực hiện niêm yết TP trên hệ thống giao dịch CK sau khi kết thúc đợt chào bán…

Có thể nói, khung pháp lý hiện nay đã quy định rất chặt chẽ các điều kiện để DN có thể thực hiện phát hành TPDN ra công chúng. Tuy nhiên, dự thảo Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi bổ sung khoản 3 về điều kiện chào bán TP ra công chúng.

Theo đó, DN chào bán TP phải có tài sản bảo đảm hoặc được bảo lãnh ngân hàng theo quy định của pháp luật, ngoại trừ trường hợp tổ chức tín dụng chào bán TP là nợ thứ cấp, thỏa mãn các điều kiện để được tính vào vốn cấp 2 và có đại diện người sở hữu TP theo quy định của Chính phủ.

Theo ý kiến của các chuyên gia tài chính, việc bổ sung quy định về điều kiện chào bán TPDN ra công chúng phải có tài sản bảo đảm, hoặc được bảo lãnh ngân hàng theo quy định của pháp luật sẽ gây nhiều khó khăn, cản trở cho việc phát hành TPDN ra công chúng; đồng thời hạn chế khả năng huy động vốn của các DN có tình hình kinh doanh tốt.

Trong khi các DN này đã chịu sự giám sát, quản lý chặt chẽ từ phía các cơ quan quản lý trong việc đảm bảo tỷ lệ an toàn tài chính theo quy định nhưng không có hoặc ít tài sản cố định. Cụ thể là các DN hoạt động trong lĩnh vực tài chính như các công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán… làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường tài chính trong dài hạn.

Tước bỏ nhu cầu đầu tư của NĐT cá nhân

Về điều kiện chào bán TP riêng lẻ của công ty đại chúng, dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 31 theo hướng tăng thời gian hạn chế chuyển nhượng từ 1 năm đối với NĐT chuyên nghiệp lên thành 3 năm. Đối với điều kiện chào bán TP riêng lẻ, quy định đối tượng tham gia đợt chào bán chỉ bao gồm NĐT chuyên nghiệp là tổ chức, và việc chuyển nhượng TP chào bán riêng lẻ chỉ được thực hiện giữa các NĐT chuyên nghiệp là tổ chức.

Theo giới phân tích, việc tăng thời gian hạn chế chuyển nhượng của NĐT chuyên nghiệp từ 1 lên 3 năm là không phù hợp tình hình thực tế, cũng như nhu cầu đầu tư của những NĐT chuyên nghiệp, thậm chí gây ảnh hưởng đến đợt phát hành của DN.

Như vậy, chỉ những NĐT chuyên nghiệp gồm: các tổ chức, cá nhân có năng lực tài chính hoặc có trình độ chuyên môn về CK mới được tham gia mua TP phát hành riêng lẻ. Trong khi đó, căn cứ quy định tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 65/2022/NĐ-CP về phát hành TP riêng lẻ, NĐT khi tham gia mua TP riêng lẻ phải có văn bản xác nhận về việc phải tự đánh giá, tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình.

Thực ra, với các quy định pháp luật hiện hành, khung pháp lý về việc phát hành TP riêng lẻ đã rất chặt chẽ, đảm bảo đối tượng được tham gia mua TP là những NĐT có năng lực tài chính hoặc trình độ chuyên môn về CK; các NĐT chuyên nghiệp tham gia mua TP đều có ý thức phải tìm hiểu đầy đủ các thông tin liên quan đợt phát hành, để tự mình ra quyết định đầu tư và sẵn sàng chấp nhận rủi ro khi tham gia mua TP.

Do đó, việc bổ sung thêm quy định về đối tượng được tham gia phát hành riêng lẻ chỉ bao gồm NĐT tổ chức, sẽ gây nhiều khó khăn và làm hạn chế kênh đầu tư TP của NĐT cá nhân. Từ đó ảnh hưởng quyền tự do đầu tư của những NĐT chuyên nghiệp là cá nhân, cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường TPDN trong nước, đi ngược lại với xu hướng phát triển chung của thị trường tài chính.

Việc bổ sung, sửa đổi Luật CK phải trên tinh thần bám sát theo chiến lược, chủ trương phát triển chung của TTCK, thúc đẩy sự phát triển của TTCK trở thành kênh huy động vốn trong dài hạn của DN, qua đó tạo điều kiện thuận lợi để các DN hoạt động hiệu quả có thể huy động vốn dễ dàng, tiếp tục đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
1,228.74 +0.41 (+0.03%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả