Dự luật S.1657: Công cụ bảo vệ lợi ích của Mỹ trước Trung Quốc ở Biển Đông
Theo dự luật, Mỹ có thể phong tỏa tài sản, từ chối cấp hay tước thị thực đối với những công dân, thực thể Trung Quốc tham gia vào các dự án liên quan đến Biển Đông.
Nếu Dự luật này được Hạ viện thông qua, Mỹ sẽ có thêm công cụ quan trọng nữa nhằm bảo vệ dòng chảy tự do thương mại và tự do hàng hải ở các vùng biển này.
Thượng nghị sĩ Bob Menendez, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, ngày 20/10 thông báo rằng Ủy ban đã thông qua dự luật mang tên “Đạo luật trừng phạt Biển Đông và biển Hoa Đông 2021” (còn gọi là S.1657), do hai thượng nghị sĩ Marco Rubio (đảng Cộng hòa) và Ben Cardin (đảng Dân chủ) bảo trợ. S.1657 sẽ được đưa ra thảo luận và bỏ phiếu toàn Thượng viện. Nếu được thông qua, dự luật sẽ được đưa đến Hạ viện để thảo luận và bỏ phiếu tiếp.
Những nội dung chính của Dự luật
Theo dự luật, Tổng thống Mỹ có thể phong tỏa tài sản, từ chối cấp hoặc tước thị thực đối với những công dân, thực thể Trung Quốc tham gia vào các dự án phát triển trên Biển Đông hoặc có hành động, chính sách đe dọa hòa bình, ổn định tại Biển Đông và biển Hoa Đông.
Dự luật cấm các tổ chức tại Mỹ đầu tư hoặc cung cấp bảo hiểm cho các dự án liên quan đến các bên bị cấm vận. Dự luật còn yêu cầu bổ sung lệnh trừng phạt tổ chức tài chính nước ngoài hỗ trợ cho người bị trừng phạt, nếu Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ xác định Trung Quốc có những hành động vi phạm.
Theo đó, những hành động vi phạm gồm: tuyên bố vùng nhận diện phòng không tại Biển Đông; bồi đắp khu vực tranh chấp khác tại Biển Đông; giành quyền kiểm soát bãi Cỏ Mây; triển khai tên lửa đất đối không đến các đảo nhân tạo mà Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng trái phép tại quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam); thiết lập đường cơ sở lãnh thổ quanh chuỗi đảo Trường Sa; tái diễn việc quấy nhiễu tàu thuyền Philippines; khiêu khích lực lượng của Nhật Bản và Mỹ tại biển Hoa Đông.
Không chỉ với cá nhân, dự luật còn yêu cầu làm rõ sự liên quan của hơn 20 doanh nghiệp Trung Quốc được nêu cụ thể, trong đó nổi bật là Tập đoàn xây dựng viễn thông Trung Quốc (CCCC), hai tập đoàn viễn thông China Telecom và China Mobile, Tập đoàn dầu khí Trung Quốc (Sinopec), các tập đoàn sản xuất máy bay Thiểm Tây và Thẩm Dương, Hãng hàng không China Southern, Tập đoàn khoa học và công nghiệp hàng không vũ trụ Trung Quốc...
Dự luật cấm xuất bản những tài liệu, bản đồ, hồ sơ,... cho rằng các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Bộ Tư pháp và Bộ Quốc phòng Mỹ không được có những hành động công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với các khu vực tranh chấp. Dự luật cũng cấm một số khoản viện trợ cho những quốc gia công nhận yêu sách của Trung Quốc ở những vùng tranh chấp tại Biển Đông, loại trừ một số ngoại lệ.
Công cụ đối phó với Bắc Kinh
Những vi phạm của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông chính là lý do khách quan để Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đệ trình lên Thượng viện để sớm thông qua dự luật. Thượng nghị sĩ Rubio cảnh báo Trung Quốc là “mối đe dọa lớn nhất” đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, nguy cơ đối với lợi ích kinh tế, an ninh quốc gia của Mỹ tại khu vực là có thật. Do đó, “Mỹ cần thêm những công cụ nhằm đương đầu Bắc Kinh, và nỗ lực kiểm soát phi pháp tại Biển Đông và biển Hoa Đông”.
Trong khi đó, thượng nghị sĩ Cardin khẳng định: “Dự luật của chúng tôi gửi đi một thông điệp lưỡng đảng mạnh mẽ rằng Mỹ sẽ bảo vệ dòng chảy tự do thương mại và tự do hàng hải, bảo vệ chủ quyền của các đồng minh và thúc đẩy giải pháp ngoại giao hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế cho các tranh chấp”, ông Cardin nói.
Giới chuyên gia cho rằng: Dự luật được xem xét quá trễ và không thể đảo ngược những hành động phi pháp mà Trung Quốc đã thực hiện tại Biển Đông như bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa. Tuy nhiên, nếu được thông qua, dự luật sẽ có tác dụng trong việc ngăn cản Trung Quốc có thêm những hành vi phi pháp như thiết lập đường cơ sở hay vùng nhận diện phòng không. Việc được hai nghị sĩ từ hai đảng bảo trợ cho thấy sự đồng thuận của Mỹ trong cách đối phó thách thức từ Bắc Kinh.
Không chỉ có dự luật này, trước đây, nhiều dự luật và nghị quyết khác được công bố tại quốc hội Mỹ cũng đưa Biển Đông nằm trong những điều khoản liên quan. Trong số đó có thể kể đến dự luật Chống cưỡng ép kinh tế từ Trung Quốc; dự luật Chiến lược Đông Nam Á; nghị quyết lên án sự khiêu khích của hải cảnh Trung Quốc đối với tàu nước ngoài tại Biển Đông...
Giáo sư James Kraska, chuyên gia về luật Hàng hải quốc tế, Đại học Hải chiến Mỹ, đánh giá động thái trên là một diễn biến tốt. Ông chỉ ra: “Các biện pháp trừng phạt là một cách hòa bình để kiềm chế hành vi xấu mà Trung Quốc đang theo đuổi ở Biển Đông, đồng thời có thể buộc Bắc Kinh phải trả giá khi tiếp tục có những hành vi như vậy. Các biện pháp trừng phạt không có hiệu lực tức thì đối với tình hình khu vực, nhưng có thể tích tụ theo thời gian. Đó là một cách tiếp cận vững chắc”.
Tiến sĩ Timothy R. Heath, chuyên gia nghiên cứu cấp cao, Tổ chức RAND (Mỹ), đánh giá: “Dự luật trên nếu được Quốc hội thông qua và ban hành thành luật, sẽ thể hiện một trong những phản ứng mạnh mẽ nhất từ trước đến nay của chính phủ Mỹ liên quan việc Trung Quốc bồi đắp các đảo nhân tạo và gây hấn ở Biển Đông và biển Hoa Đông”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận