24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Lan Anh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Du lịch Việt và cú ngược dòng thời đại dịch

Dù gánh chịu những thiệt hại nặng nề do Covid-19, nhưng trong một năm 2020 ảm đạm, Việt Nam vẫn là một trong số hiếm hoi thị trường du lịch vẫn tiếp tục hoạt động trong thời khủng hoảng…

Nếu không có virus SARS-Cov-2, ước tính lượng khách quốc tế đến Việt Nam có thể đạt mốc kỷ lục 20 triệu lượt trong năm vừa qua.

Tuy nhiên, con số cuối cùng chỉ dao động quanh mức 3,8 triệu lượt, tương đương con số của năm 2006. Không chỉ vậy, lượng khách trong nước cũng giảm đến 50%. Toàn ngành thất thu khoảng 23 tỷ USD, kèm theo những trăn trở, lo toan về cách làm du lịch trong điều kiện “bình thường mới”.

Tuy nhiên, những thành quả của du lịch Việt Nam giữa mùa đại dịch, dù còn khiêm tốn, cũng đã là niềm mơ ước với nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả các cường quốc du lịch.

Du lịch Việt và cú ngược dòng thời đại dịch

Dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, những nỗ lực phòng và chống dịch hiệu quả đã giúp Việt Nam trở thành nền kinh tế có tăng trưởng dương hiếm hoi, qua đó, kéo theo sự hồi sinh của du lịch, chủ yếu phục vụ khách nội địa, và đây cũng sẽ là hướng đi chính trong 1-2 năm trước mắt.

Một thị trường gần 100 triệu dân với số người có thu nhập ở mức khá đang tăng nhanh mà bị bỏ ngỏ trong nhiều năm qua là điều thực sự đáng tiếc. Bởi chỉ cần được khai thác đúng cách, nó hứa hẹn mang đến nguồn thu khả quan và ổn định, vượt xa mức 45% tổng doanh thu của toàn ngành như hiện nay.

Ngay từ cuối tháng Năm, Bộ VHTT&DL đã chính thức phát động phong trào “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, bắt tay với Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các cơ quan du lịch địa phương, các doanh nghiệp lữ hành, vận tải cùng các hãng hàng không, nhằm mang đến cho người dân những gói dịch vụ giá mềm, chất lượng tốt.

Du lịch Việt và cú ngược dòng thời đại dịch
Du lịch Việt và cú ngược dòng thời đại dịch
Du lịch Việt và cú ngược dòng thời đại dịch
Du lịch Việt và cú ngược dòng thời đại dịch

Một cú kích cầu mạnh mẽ nhất trong nhiều năm trở lại đây, với những cơ sở lưu trú, những đường bay trọng điểm giảm giá đến 50 – 70%. Như Bamboo Airways có chương trình vé ưu đãi 45.000 đồng, triển khai thẻ Bamboo Pass Unlimited bay không giới hạn với nhiều kỳ hạn trả góp lãi suất 0%, liên tục chạy các combo bay Bamboo nghỉ dưỡng FLC Resort; Vietjet Air tung ra hàng trăm nghìn vé 0 đồng giai đoạn đầu mùa hè, Vietnam Airlines phối hợp cùng các đối tác giới thiệu chùm tour giảm 40% khi đi theo nhóm 6 người trở lên…

Chắc chắn, đây là một trong vài yếu tố quan trọng nhất giúp hâm nóng lại cơn thèm “di chuyển” của người Việt sau quãng thời gian dài giãn cách xã hội. Bởi giảm giá nhưng không giảm chất lượng, nỗ lực biến nguy thành cơ đã giúp du lịch Việt duy trì được sức sống giữa bối cảnh du lịch toàn cầu “tê liệt” vì đại dịch.

Đến tháng Chín, gói kích cầu thứ hai mang tên “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn” được tung ra, tiếp tục nhân được sự hưởng ứng rộng khắp. Theo thống kê, cho đến hết tháng 11/2020, tổng lượng khách nội địa đạt 49 triệu lượt.

Ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục Hàng không cho biết, một số đường bay nội địa trong dịp hè đã khai thác được đến 80% so với dịp cao điểm Tết 2020, trở thành tấm gương được nhiều nước trong khu vực nhắc tới như Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia…

Du lịch Việt và cú ngược dòng thời đại dịch
Du lịch Việt và cú ngược dòng thời đại dịch

Một khảo sát của Google và Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) tiến hành ngay từ tháng 5/2020, khi sự u ám của Covid vẫn còn lởn vởn trong nước, đã cho kết quả khá tích cực: 53% số người được hỏi sẵn sàng đi du lịch trong mùa hè, 69% số người được hỏi lựa chọn điểm đến an toàn trong mùa dịch.

Và Việt Nam, từ mùa hè 2020 cho đến tận thời điểm này, vẫn tiếp tục là một trong những quốc gia có độ “miễn nhiễm” với Covid-19 vào loại cao nhất thế giới. Xu hướng chung là đi theo nhóm nhỏ và ngắn ngày, ưu tiên biển đảo, những nơi có phong cảnh thiên nhiên đẹp, thích kiểu nghỉ dưỡng và khám phá ẩm thực.

Rõ ràng, trong mùa Covid-19 đầy bất trắc, thì việc mở cửa trở lại rất sớm, lượng du khách nội địa đạt nhiều con số ấn tượng, cho thấy du lịch Việt Nam đã có cú ngược dòng ấn tượng.

Điều quan trọng ngay lúc này là, phải chuẩn bị thế nào cho tương lai?

Du lịch Việt và cú ngược dòng thời đại dịch

Cuối tháng 11/2020, tại Hội nghị toàn quốc về du lịch với chủ đề "Liên kết, hành động và phát triển", nhiều giải pháp thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành sau đại dịch đã được thảo luận.

Trước mắt và ngắn hạn, vẫn cần đến nhiều chính sách hỗ trợ của Chính phủ giúp địa phương và doanh nghiệp vượt qua khó khăn – chủ yếu đến từ nguyên nhân lượng khách quốc tế sụt giảm đến 80%.

Về lâu dài, cần tổ chức lại thị trường theo hướng bền vững, tập trung nhiều hơn vào phân khúc khách chất lượng cao, hạn mức chi tiêu cao, thời gian lưu trú dài ngày.

Bên cạnh đó là nghiên cứu phát triển các sản phẩm và dịch vụ đặc thù, đẩy mạnh hợp tác, liên kết giữa chính quyền – doanh nghiệp, giữa các vùng miền, thay đổi phương thức xúc tiến, quảng bá du lịch, tăng tốc chuyển đổi số trong toàn ngành – đây cũng được xem là một vấn đề mang tính chất sống còn.

VINH DANH QUỐC TẾ

Vị thế của du lịch Việt đã được củng cố ngay giữa mùa dịch, thông qua hàng loạt giải thưởng danh giá do các tổ chức quốc tế trao tặng.

Ngoài những di sản thiên nhiên nức tiếng như Hạ Long, Tam Cốc – Bích Động, Sơn Đoòng, giờ đây, Việt Nam còn có thể làm nức lòng du khách thập phương bằng ẩm thực, bằng nền văn hóa đa dạng và giàu bản sắc, bằng những công trình với quy mô tầm cỡ với vẻ đẹp độc đáo, khác biệt.

Tại lễ công bố World Travel Awards (WTA) diễn ra tại Liên bang Nga cuối tháng Mười một vừa qua, Việt Nam đã vượt qua nhiều ứng viên nặng ký như Ai Cập, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ai Cập, Brazil để lần thứ hai liên tiếp giành chiến thắng ở hạng mục “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới”.

Trước đó, WTA cũng đã công bố Việt Nam là “Điểm đến di sản hàng đầu châu Á”, “Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á” và “Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á”.

Sự ổn định của thị trường nội địa giữa mùa đại dịch chắc chắn đã tạo ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định của những người tham gia bình chọn các giải thưởng này.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả