Du lịch dịp 30/4-1/5: Khi khách 'quay xe', giá vé máy bay giảm vẫn khó gỡ
Gần đây giá vé hạ nhiệt sau khi hàng không cung ứng thêm lượng lớn vé. Tuy nhiên, các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, việc giảm cận ngày như vậy cũng chỉ “gỡ gạc” phần nào cho ngành du lịch, bởi vì đa số du khách đều có kế hoạch từ sớm với các kỳ nghỉ dài.
"Chưa có năm nào như năm nay"
Ngay sát kỳ nghỉ lễ dài 30/4 và 1/5, khảo sát trên một số diễn đàn vẫn ghi nhận nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú trên địa bàn Đà Nẵng, Phú Quốc… tung ra ưu đãi hấp dẫn hút du khách.
Trước đó, một số đơn vị cũng đưa ra nhận định lượng khách đến một số thị trường du lịch nổi tiếng như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc… dịp nghỉ năm nay dự báo sẽ không đạt được như kỳ vọng.
Chia sẻ với Tiền phong, ông Hồ Thanh Tú - Tổng Thư kí Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng - nói “chưa có năm nào như năm nay”. Theo ông Tú, thông thường vào dịp này công suất phòng ở Đà Nẵng thường ở mức 90-100% công suất phòng, đặc biệt năm 2022 tỷ lệ lấp đầy rất cao. Những năm trước dịch cũng luôn trong tình trạng hết phòng. Tuy nhiên, đến hiện tại nhiều phòng khách sạn ở Đà Nẵng có tỷ lệ trống nhiều.
Giá vé máy bay tăng cao, nhất là vào dịp nghỉ lễ, ảnh hưởng không nhỏ đến du lịch (ảnh minh họa).
Ông Tú cho biết, năm ngoái du lịch bùng nổ khi nhu cầu tăng cao sau thời gian hạn chế vì COVID-19. Cùng với đó, giá cả cung ứng dịch vụ vẫn ở mức phù hợp. “Năm 2023 thì khác, giá cả dịch vụ lên rất nhiều. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất là vé máy bay, giá tăng 70-100% so với năm ngoái. Năm ngoái đoàn đi tháng 4, tháng 5 vẫn có vé 2 triệu đồng trở xuống, năm nay toàn 3-4 triệu đồng với những đường bay thông thường”, ông Tú nói.
Gần đây giá vé "hạ nhiệt" sau khi hàng không cung ứng thêm lượng lớn vé. Tuy nhiên, ông Tú cho rằng, việc giảm cận ngày như vậy cũng chỉ “gỡ gạc” phần nào cho ngành du lịch, bởi vì đa số du khách đều có kế hoạch từ sớm với các kỳ nghỉ dài.
Ông Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Du lịch Lửa Việt - cho biết, dẫu biết giá là vấn đề chiến lược của từng hãng hàng không dựa trên cung - cầu. Tuy nhiên, hàng không và du lịch vốn quan hệ mật thiết với nhau, cho nên để cả hai cùng thắng thì cần ngồi lại với nhau, có những hợp tác, chia sẻ, phối hợp với nhau tốt hơn.
“Đợt tăng cao rồi giảm mạnh vừa rồi khiến nhiều khách du lịch cũng mất niềm tin. Đáng nhẽ mua trước thì giá rẻ nhưng lại thành đắt hơn những người mua cận ngày”, ông Mỹ nói. Ngoài yếu tố giá vé máy bay, ông Mỹ cũng cho rằng, năm nay kinh tế khó khăn, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu cho du lịch.
“Sau một thời gian người dân ào ào đi du lịch kiểu “trả thù” sau dịch, chúng ta có phần lạc quan vào sự phục hồi du lịch. Năm nay câu chuyện đã khác”, ông Mỹ cho biết và lý giải một số thị trường trọng điểm du lịch như Đà Nẵng, Phú Quốc, Đà Lạt… phải giảm giá phòng để kích cầu du lịch do vắng khách hơn, ông Mỹ cho rằng: Giá vé máy bay là một phần, nếu năm ngoái đầy thì năm nay sẽ dễ vơi vì yếu tố tâm lý “sợ đông”.
Theo ông Mỹ, nhiều khách sạn ở các nơi du lịch nổi tiếng đều chia sẻ rằng họ không tăng giá đợt dịp nghỉ lễ này. “Năm nay nghỉ kéo dài đến 5 ngày mà vẫn giảm sút, ngành du lịch quá khó. Cái khó này là khó chung. Chúng ta đừng thấy năm trước bùng nổ mà năm nay lạc quan quá”, ông Mỹ nói.
Đi xa đắt, du lịch gần lên ngôi
Lãnh đạo một công ty du lịch ở Phú Quốc chia sẻ, do giá vé máy bay quá cao nên xu hướng du lịch của nhiều người thay đổi. “Tôi quan sát thấy du khách chuyển mạnh sang các địa điểm gần, có thể đi ô tô nhiều hơn. Các khu resort ven đô lại tấp nập. Cũng vì lý do đó mà đi Nha Trang vẫn đông hơn vì khách từ TPHCM vẫn có thể chọn đi đường bộ”, ông này nói.
Ông Hồ Thanh Tú - Tổng thư kí Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng - cũng cho biết, thực tế nhiều doanh nghiệp du lịch tư vấn du khách lựa chọn các tour đường bộ có chi phí thấp hơn.
Theo khảo sát của PV, nhiều khu nghỉ dưỡng gần Hà Nội như ở Ba Vì, Sơn Tây hay sang khu vực Hoà Bình, Ninh Bình còn "cháy phòng" dịp 30/4.
Tại hội thảo diễn ra mới đây, lãnh đạo Tổng cục Du lịch cho biết, ngành du lịch vẫn gặp một số khó khăn, thách thức, đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có dấu hiệu suy thoái, các rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực gia tăng. Du lịch nội địa tiếp tục có sự tăng trưởng nhưng tốc độ chậm lại. Giá vé máy bay tăng cao, nhất là vào dịp nghỉ lễ, ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng giá tour của doanh nghiệp lữ hành.
Về giải pháp để kích cầu du lịch nội địa, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng ngoài những yếu tố căn cơ như triển khai các chương trình xúc tiến thì cần có những giải pháp tăng tính liên kết, phối hợp giữa ngành hàng không với du lịch, và nội bộ ngành du lịch với nhau.
Các hãng bay cũng cần có giải pháp, chiến lược điều chỉnh giá vé phù hợp hướng tới mục tiêu phát triển chung. Thậm chí có ý kiến cho rằng, cần có chính sách quản lý giá bởi nếu cứ tiếp diễn tình trạng tăng cao như vừa qua e rằng du lịch nội địa mùa cao điểm hè sẽ tái diễn khó khăn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận