Du lịch ASEAN lo ngại Tết Nguyên đán "lạnh giá" với biên giới đóng cửa
Ngành du lịch Đông Nam Á đang làm việc với các chính phủ để tận dụng tối đa những gì có thể để có một dịp Tết Nguyên đán tốt nhất bằng cách thúc đẩy du lịch trong nước và mua sắm vì vẫn tiếp tục chặn du khách từ nước ngoài do đại dịch.
Theo Tổ chức Du lịch Thế giới, khu vực châu Á Thái Bình Dương có lượng khách nước ngoài giảm 300 triệu lượt tương đương với mức giảm 84% vào năm 2020 so với năm 2019. Đó là mức giảm lớn nhất so với bất kỳ khu vực nào trên thế giới.
Theo truyền thống, du khách Trung Quốc thường đổ xô đến các khách sạn, nhà hàng và cửa hàng lưu niệm của các quốc gia Đông Nam Á trong dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên trong dịp Tết năm nay, sự khan hiếm khách du lịch nước ngoài đã thúc đẩy các doanh nghiệp liên quan đến du lịch phải thu hút khách trong nước hơn.
Ở Thái Lan, nhiều chương trình giảm giá có sẵn trên các trang web khách sạn và thông qua các dịch vụ đặt phòng.
Một khách sạn 5 sao nhìn ra núi ở Courtyard Khaoyai by Paka ở Thái Lan được niêm yết trên Agoda với giá 6.493 baht (217 USD) cho hai đêm trong dịp Tết Nguyên đán, giảm gần 50% so với thông thường của khách sạn.
“Trong một sự thay đổi so với thời điểm không có Covid, dữ liệu của chúng tôi cho chúng tôi thấy rằng các điểm bãi biển và vùng nông thôn phổ biến hơn so với các điểm đến ở thủ đô và các điểm đến đắt tiền”, Timothy Hughes, phó chủ tịch phụ trách phát triển công ty của Agoda cho biết.
Năm nay là lần đầu tiên Tết Nguyên đán sẽ là một ngày nghỉ lễ ở Thái Lan. Chính phủ Thái Lan đã thêm một kỳ nghỉ đặc biệt khác vào tháng 4, tháng 7 và tháng 9 để người dân có nhiều kỳ nghỉ cuối tuần dài hơn với hy vọng khuyến khích du lịch trong nước.
Chính phủ Thái Lan đã khởi động chương trình "Chúng ta cùng nhau đi du lịch" vào tháng 7/2020 để vực dậy ngành du lịch đang phát triển. Khách du lịch Thái Lan chỉ phải trả 60% giá phòng thông thường, phần còn lại chính phủ trợ cấp. Chính phủ cũng sẽ đài thọ 40% chi phí vé máy bay.
Các cơ quan tài chính Thái Lan đã phân bổ 22,4 tỷ baht cho chương trình này vào năm 2020. Bộ trưởng Tài chính Arkhom Termpittayapaisith đã tuyên bố rằng chương trình sẽ được tài trợ đủ để tiếp tục trong năm 2021. Chính phủ Thái Lan rất mong muốn hỗ trợ ngành công nghiệp này vì du lịch chiếm khoảng 1/5 GDP của Thái Lan trước đại dịch.
Nhưng những nỗ lực này sẽ không thể bù đắp cho việc thiếu vắng khách Trung Quốc. Theo Thanavath Phonvichai, chủ tịch Đại học Phòng Thương mại Thái Lan cho biết chi tiêu của người tiêu dùng Thái Lan trong dịp Tết Nguyên đán sẽ giảm 22% xuống còn 44,9 tỷ baht.
Indonesia là quốc gia có số trường hợp mắc Covid-19 cao nhất ở Đông Nam Á, và ngành du lịch của nước này đã gặp khó khăn khi quốc gia này đóng cửa biên giới với hầu hết du khách nước ngoài.
Nhiều khách sạn ở Indonesia đã giới thiệu chương trình "thanh toán ngay, ở lại sau" trong thời kỳ đại dịch để mọi người trả tiền phòng trước với mức giá chiết khấu cho kỳ nghỉ sau.
Hariyadi Sukamdani, Chủ tịch Hiệp hội Nhà hàng và Khách sạn Indonesia cho biết: “Chương trình được thiết kế ban đầu vào đầu đại dịch với hy vọng rằng Covid-19 có thể được khắc phục vào cuối năm nay. Tuy nhiên, nhiều khách hàng của chúng tôi đã phải gia hạn thời gian lưu trú cho đến năm 2022”, ông nói thêm.
Singapore đã đón 2,4 triệu du khách vào 2 tháng đầu năm 2020 hiện cũng đang dựa vào chi tiêu của người dân trong nước trong dịp Tết Nguyên đán. Thay vì đi du lịch nước ngoài như mọi năm, giờ đây các công ty du lịch và khách sạn sẽ cung cấp gói nghỉ dưỡng và thức ăn trong khi vẫn tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội.
Nhiều khách sạn và các doanh nghiệp liên quan cũng đang tận dụng gói kích cầu của chính phủ Singapore. Vào tháng 12, chính phủ đã phát động một chiến dịch trợ giá du lịch cung cấp cho tất cả người lớn Singapore một phiếu mua hàng kỹ thuật số trị giá 100 đô la Singapore (75 USD) có thể được sử dụng tại các khách sạn địa phương, các điểm du lịch và các địa điểm khác.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận