24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Vương Tuyên Đức
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Dư địa kiểm soát lạm phát của Việt Nam năm nay còn tương đối lớn

Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, với dư địa hiện tại, nhiệm vụ kiểm soát lạm phát dưới 4% mà Quốc hội, Chính phủ đề ra có thể thực hiện được nếu không có yếu tố tác động quá bất ngờ.

Tại họp báo thường kỳ quý III/2022, chiều 29/9, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc đánh giá tình hình lạm phát và giải pháp kiểm soát lạm phát từ nay đến cuối năm, ông Nguyễn Văn Truyền Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/9, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2022 của cả nước tăng 0,4% so với tháng trước; so với tháng 12/2021, tăng 4,01% và so với cùng kỳ năm trước, tăng 3,94%. Bình quân 9 tháng năm nay, CPI tăng 2,73% so với cùng kỳ năm 2021.

“Chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ đặt ra là chỉ số lạm phát năm 2022 không vượt quá 4%. Như vậy, từ nay đến cuối năm, dư địa kiểm soát lạm phát còn tương đối lớn”, ông Nguyễn Văn Truyền nhận định.

Dư địa kiểm soát lạm phát của Việt Nam năm nay còn tương đối lớn
Từ nay đến cuối năm, dư địa kiểm soát lạm phát còn tương đối lớn (Ảnh minh họa: KT)

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, từ nay đến cuối năm, có một số yếu tố gây áp lực tăng giá. Đó là, thời gian qua, giá xăng dầu có xu hướng giảm, song từ nay đến cuối năm có thể có sự tăng giá nhất định bởi giá nhiên liệu, năng lượng thế giới có thể biến động phức tạp.

Ngoài ra, trong bối cảnh áp lực lạm phát toàn cầu tác động đến chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu có thể khiến giá hàng hóa tăng. Tiếp đến là yếu tố thời tiết, dự báo từ nay đến cuối năm sẽ có một số cơn bão có thể gây ngập lụt tại một số địa phương, từ đó làm tăng giá cục bộ một số mặt hàng thiết yếu.

Tuy nhiên, cũng có một số yếu tố có thể tác động làm giảm giá hàng hóa như: Các mặt hàng do Nhà nước định giá như điện, dịch vụ công… sẽ giữ ổn định; sự kiên định trong giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, các chính sách miễn, giảm thuế, phí cũng có tác động giảm áp lực tăng giá.

“Còn 3 tháng nữa là hết năm, với dư địa hiện tại, nhiệm vụ kiểm soát lạm phát dưới 4% có thể thực hiện được nếu không có yếu tố tác động quá bất ngờ”, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá khẳng định.

Cũng liên quan đến vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, để đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát đã đề ra trong bối cảnh đối mặt áp lực rất lớn, 9 tháng qua, nhiệm vụ và các giải pháp kiểm soát luôn nằm trong các chương trình nghị sự của Chính phủ và các cơ quan, bộ, ngành. Điều này cho thấy Chính phủ đã tập trung rất nhiều nguồn lực, trí lực để thực hiện mục tiêu trên, không chỉ các giải pháp về tài khóa mà còn kết hợp các giải pháp về tiền tệ, công thương, sản xuất - kinh doanh.

Bộ Tài chính đã thực hiện các chính sách giảm thuế ngay từ đầu năm cho các doanh nghiệp, người tiêu dùng; đề xuất giảm thuế mặt hàng xăng dầu, từ đó giữ được giá xăng dầu - một trong những nguyên liệu đầu vào quan trọng cho các ngành sản xuất. Bộ Tài chính cũng đã chuẩn bị nhiều phương án khác về thuế đối với mặt hàng xăng dầu, tùy thuộc vào diễn biến giá xăng dầu thế giới để sẵn sàng ứng phó.

Thu ngân sách từ dầu thô 9 tháng tăng gấp hơn 2 lần dự toán năm

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, Tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 9 tháng qua ước đạt 1.327,3 nghìn tỷ đồng, bằng 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thu nội địa đạt 88,9% dự toán, thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 77,7%, thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 87,2%, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 108,8% so với kế hoạch dự toán năm. Đáng chú ý, thu ngân sách từ dầu thô trong 9 tháng có sự tăng vọt với hơn 60.000 tỷ đồng, đạt 213% dự toán năm và tăng 103,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Dư địa kiểm soát lạm phát của Việt Nam năm nay còn tương đối lớn
Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính

Có 61/63 địa phương thực hiện thu nội địa 8 tháng ước đạt từ 75% dự toán trở lên; 52/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ, 11 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng, dù thu NSNN 9 tháng năm 2022 tăng, song trước những biến động khó lường của tình hình kinh tế và địa chính trị trên thế giới hiện nay vẫn đang tạo áp lực lớn lên điều hành chính sách, do đó không được chủ quan.

Về nguyên nhân của thu NSNN 9 tháng tăng, đại diện Bộ Tài chính cho biết là do dự toán thu cân đối NSNN năm 2022 là 1.411,7 nghìn tỷ đồng.

Trên cơ sở tình hình thực hiện thu NSNN 9 tháng đầu năm, dự kiến của Bộ KH-ĐT về kinh tế năm 2022 tăng trưởng 7-7,5%, xuất khẩu tăng 9,46%, nhập khẩu tăng 10,5% so với năm 2021, giá dầu tiếp tục giữ mức cao (giá dầu bình quân 9 tháng là hơn 107 USD/thùng), đánh giá cả năm thu NSNN ước thực hiện vượt dự toán, trong đó các lĩnh vực tăng khá như: thu từ dầu thô, thu cân đối xuất nhập khẩu, thu từ khu vực sản xuất kinh doanh, thu từ sử dụng đất, thu từ hoạt động thương mại điện tử... đã góp phần làm tăng thu cho NSNN.

Bên cạnh thu, chi NSNN 9 tháng cũng tăng cao, đạt 1.086,3 nghìn tỷ đồng, bằng 60,8% dự toán, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó: chi đầu tư phát triển ước đạt 48,1% dự toán Quốc hội quyết định; chi trả nợ lãi ước đạt 70% dự toán; chi thường xuyên ước đạt 68,3% dự toán.

Riêng về chi đầu tư phát triển, Bộ Tài chính cho biết, giải ngân 9 tháng năm 2022 tuy giá trị có tăng so với cùng kỳ năm trước (+13%), nhưng tiến độ vẫn chậm so với yêu cầu; tỷ lệ giải ngân mới đạt 46,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2021 đạt 47,38%), trong đó giải ngân vốn ngoài nước chỉ đạt 19,07% kế hoạch. Có 7 bộ và 20 địa phương tỷ lệ giải ngân đạt trên 50% kế hoạch, trong khi vẫn còn 14 bộ, cơ quan trung ương và 2 địa phương tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20% kế hoạch vốn được giao./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả