Dự báo tăng trưởng GDP có thể đạt 7,5%
Theo dự báo của Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), tăng trưởng Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025 sẽ tiếp tục tăng với mức khả quan có thể đạt là 7,5%.
Trình bày báo cáo Tổng quan kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016 và triển vọng tăng trưởng giai đoạn 2021-2015, TS. Đặng Đức Anh, Phó Giám đốc NCIF cho biết, giai đoạn 2016-2020 kinh tế Việt Nam đã ghi nhận những bước tiến tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động.
Cụ thể, bổi cảnh kinh tế thế giới 2016-2020 chứng kiến sự biến động lớn ghi nhận sự nổi lên mạnh mẽ của Trung Quốc với chiến lược “vành đai và con đường”, “Quốc tế hoà đồng Nhân dân tệ”, “Made in China 2025”, … Cùng với đó, Mỹ thực hiện chiến lược xoay trục châu Á - Ấn Độ Dương để đối phó với Trung Quốc.
Trước sự thay đổi đột ngột trong chính sách thương mại và đối ngoại của Mỹ đã gây ra nhiều biến động, tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Khu vực tài chính thế giới từ năm 2019-2020 có xu hướng nới lỏng để kích thích tăng trưởng.
Nhìn về kinh tế trong nước, ông Đặng Đức Anh cho rằng, Việt Nam đã khá thành công trong việc chặn đà giảm tốc tăng trưởng. “Giai đoạn 2011-2015 có nhiều nhà nghiên cứu quan ngại nếu không có biện pháp đột phá thì đà suy giảm sẽ tiếp tục, nhưng thực tế, chúng ta đã phụ hồi mạnh mẽ. Việt Nam đang đi ngược lại xu thế suy giảm kinh tế của thế giới”, ông nói.
Đặt vấn đề tăng trưởng đến từ đâu, Phó Giám đốc NCIF cho biết, động lực chính cho tăng trưởng vẫn đến từ ngành chế biến, chế tạo và công nghệ. Việc các ngành như khai khoáng, khai thác dầu thô giảm cho thấy tín hiệu tích cực của từ kinh tế không còn phải dựa vào khai thác tài nguyên để tăng trưởng.
Hoạt động xuất nhập khẩu cũng có đóng gió lớn vào GDP. Theo đó, ngành này được hưởng một số lợi thế từ xung đột thương mại giữa các nước lớn. Ông Đức Anh cũng cho rằng xuất nhập khẩu sang một số thị trường thông qua các FTA cũng cho thấy dấu hiệu tích cực. Cùng với đó là xu hướng tăng đầu tư từ khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đầu tư gián tiếp qua các vụ mua bán, sắp nhập, đưa dòng vốn vào sản xuất nhanh hơn, thúc đẩy tăng trưởng.
Tuy nhiên, theo vị lãnh đạo NCIF, vẫn có những vấn đề cần phải nhìn lại trong thời gian qua như sự tăng nhanh của dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc, Hong Kong. Trong cơ cấu GDP chúng ta đang chuyển quá nhanh từ nông nghiệp sang dịch vụ, công nghiệp thì có tỷ trọng gia công quá lớn. "Điều này cho thấy năng lực cạnh tranh các doanh nghiệp trong nước còn yếu, quy mô nhỏ", ông nói thêm.
Bên cạnh đó, một trong những lợi thế lâu nay của Việt Nam được các đầu tư nước ngoài đánh giá cao là nguồn nhân công giá rẻ thì nay cũng đang dần mất lợi thế. Năng suất lao động được cải thiện nhưng vẫn có khoảng cách xa với nhiều nước trong khu vực.
Nghiên cứu cho thấy, Việt Nam đã dần sử dụng ít vốn hơn cho tăng trưởng, tuy nhiên, hiệu quả sử dụng vốn vẫn chưa đạt được như nhiều nước trong khu vực. Xuất nhập khẩu thì vẫn phụ thuộc lớn vào nhóm hàng do doanh nghiệp FDI dẫn dắt. Kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng hàm lượng nội địa trong xuất khẩu không tăng trương ứng.
Tăng trưởng GDP 2021-2025 có thể đạt 7,5%
Dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong 5 năm tới (2021-2025), NCIF tỏ ra khá lạc quan với 2 kịch bản là kịch bản cơ sở và kịch bản cao. Với kịch bản cơ sở tăng trưởng GDP có thể đạt 7%; lạm phát khoảng 3,2%; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân khoảng 6,3%; thu nhập bình quân đầu người vào khoảng 4.688 USD (khoảng 100 triệu đồng). Với kịch bản cao, NCIF dự báo GDP có thể tăng tới 7,5%; CPI ở mức 3,2%; năng suất lao động bình quân 6,8%; thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 4.798 (khoảng 110 triệu đồng).
Động lực chính của tăng trưởng kinh tế vẫn đến từ công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Trong đó tỷ trọng đóng góp vào GDP của ngành dịch vụ tăng khá nhanh từ mức 40,94% giai đoạn 2016-2020 lên mức 44,2% giai đoạn 2021-2025.
Theo ông Đức Anh, kinh tế 2021-2025 có nhiều hậu thuẫn như: các nền kinh tế khủ vực chủ chốt vẫn giữ tốc độ tăng trưởng khá; kinh tế chia sẻ và cách mạng công nghệ 4.0 tạo động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy kinh tế toàn cầu; hợp tác thương mại song phương khắc phục dần sự kém hiệu quả của cơ chế hợp tác đa phương, thúc đẩy thương mại toàn cầu tăng trở lại.
Đưa ra khuyến nghị chính sách, ông Đức Anh lưu ý 3 vấn đề cốt lõi để tăng trưởng GDP đạt dự báo là nâng cao năng lực nội tại của nền kinh tế; đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy gia tăng các động lực tăng trưởng mới; tận dụng hiểu quả các cơ hội từ hội nhập quốc tế, xu thế phát triển công nghệ, cách mạng công nghiệp 4.0.
Ông Đặng Đức Anh nhấn mạnh: "Việc thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của khu vực tư nhân, thúc đẩy phát triển đổi mới sáng tạo, bắt kịp cách mạng công nghệ 4.0 được coi là yêu cầu then chốt".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận