Dự báo nhu cầu phát hành trái phiếu doanh nghiệp vẫn gia tăng
Thời gian gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với nhiều biến cố lớn.
Dù thị trường trái phiếu Việt Nam có nhiều biến động trong thời gian qua nhưng trái phiếu của các ngành như bán lẻ, tiêu dùng, năng lượng, logistics,… vẫn là những điểm sáng trong việc minh bạch thông tin và thanh toán đúng hạn.
Các nhà đầu tư đã bán tháo các trái phiếu riêng lẻ cũng như ngần ngại trước các đợt phát hành trái phiếu mới của doanh nghiệp.
Hiện tượng này xuất phát từ tâm lý hoang mang, lo lắng của các nhà đầu tư sau khi xảy ra một số vụ án kinh tế liên quan đến trái phiếu của các công ty bất động sản.
Điều này vô hình trung đã làm ảnh hưởng tới việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp khác, trong đó có các ngành luôn duy trì dòng tiền ổn định như tiêu dùng, bán lẻ, năng lượng, logistics,...
Điểm sáng trên thị trường trái phiếu
Công ty CP Cá Tầm Việt Nam vừa mua lại gần 620 tỷ đồng trong số 718 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành của lô CTVCH2224001. Chỉ trong tháng 2, đây là lần thứ 3 doanh nghiệp này mua vào trái phiếu trước hạn.
Trong ngành bán lẻ tiêu dùng, CTCP Tập đoàn Masan (Masan Group, mã: MSN) đã hoàn tất thanh toán 3.000 tỷ đồng trái phiếu đúng hạn vào ngày 9/3 vừa qua. Đây là các trái phiếu phát hành năm 2020 và đáo hạn cùng ngày. Trước đó, vào ngày 12/12/2022, Masan cũng ra thông báo đã mua lại 1.700 tỷ đồng trái phiếu trước hạn.
Ngoài kênh trái phiếu phát hành trong nước, Masan cũng liên tục thu hút thành công các khoản vay từ các định chế tài chính quốc tế với lãi suất hấp dẫn. Tháng 11/2022, Masan được giải ngân khoản vay 600 triệu USD, khoảng 15.000 tỷ đồng. Đây là khoản huy động hợp vốn nước ngoài có kỳ hạn 5 năm và có giá trị lớn trong lĩnh vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam. Tiếp đó, ngày 10/3/2023, Masan tiếp tục công bố hoàn tất chuỗi sự kiện giới thiệu cơ hội đầu tư vào gói tín dụng hợp vốn lên đến 650 triệu USD.
"Chọn mặt gửi vàng" khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp
Do đó, khi quyết định đầu tư vào trái phiếu, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ doanh nghiệp đó kinh doanh ra sao, "sức khỏe" tài chính thế nào. Một trái phiếu lành mạnh sẽ thỏa mãn các điều kiện như: Doanh nghiệp phát hành có hoạt động kinh doanh hiệu quả, bền vững; Thông tin minh bạch, đặc biệt là tài chính; Có lịch sử tín dụng và điểm tín dụng tốt; Lãi suất hấp dẫn, cạnh tranh.
Một ví dụ có thể kể đến là Masan Group - một trong hai doanh nghiệp phát hành trái phiếu thành công tháng 2 vừa qua, ngoài công bố thông tin đại chúng theo luật định, tập đoàn này thường xuyên tổ chức các buổi chia sẻ về chiến lược kinh doanh với các nhà đầu tư. Đây là một trong những hoạt động quan trọng khi minh bạch thông tin, được coi là chìa khóa của mọi giải pháp thúc đẩy, lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Năm 2022, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế giai đoạn hậu COVID-19, tập đoàn do tỷ phú Nguyễn Đăng Quang làm Chủ tịch đạt doanh thu thuần hơn 76.189 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt gần 3.570 tỷ đồng. Năm nay, doanh nghiệp ước tính sẽ đạt doanh thu thuần hợp nhất khoảng 90.000 - 100.000 tỷ đồng, tăng trưởng 18 đến 31% so với năm trước.
Tập đoàn này cũng tiên phong phát triển mô hình bán lẻ đa tiện ích, tích hợp xuyên suốt trực tiếp đến trực tuyến đón đầu xu hướng tiêu dùng hiện đại.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang "ấm" lại?
Theo chuyên viên phân tích tại VNDirect, Nghị định 08 của Chính phủ sẽ tạo ra hành lang pháp lý cần thiết để xử lý một vài "điểm nghẽn" hiện nay trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Lạm phát hạ nhiệt, những điều chỉnh giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Thị trường trái phiếu đã có những phản ứng tích cực ngay lập tức trước các chính sách này. Đơn cử, nếu như tháng 1 chỉ có duy nhất doanh nghiệp phát hành 110 tỷ đồng trái phiếu thì qua tháng 2, đã có 3 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp với tổng trị giá 2.000 tỷ đồng.
Con số trên dù khiêm tốn so với cùng kỳ nhưng đã giúp thị trường phần nào lạc quan hơn. Theo VIS Rating, luật Chứng khoán đang thay đổi, để việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng được thuận lợi. Trong trường hợp thuận lợi, kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng sẽ được khai thông từ nửa sau năm 2023.
Cũng theo VIS Rating, chu kỳ lạm phát toàn cầu và tại Việt nam sẽ có xu hướng kết thúc từ cuối năm 2023. Điều kiện cần cho sự gia tăng phát hành trái phiếu doanh nghiệp là lãi suất tiền gửi ngân hàng và lãi suất phát hành thấp. Khi lạm phát nguội đi và tiếp theo là điều chỉnh giảm của lãi suất, điều kiện thuận lợi cho phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ xuất hiện.
Bên cạnh đó, nhu cầu phát hành trái phiếu doanh nghiệp được dự báo sẽ gia tăng mạnh khi lượng trái phiếu đáo hạn trong hai năm 2023 và 2024 lên tới 679,3 nghìn tỷ đồng, tương đương 49% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành tại tháng 12 năm 2022.
Cuối cùng, cần nhìn nhận rằng, trái phiếu doanh nghiệp vẫn luôn là một kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế, qua đó hỗ trợ giảm áp lực lên kênh tín dụng ngân hàng. Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam vẫn ở mức khiêm tốn khi so về tiềm năng và tương quan với các nước trong khu vực.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận