Dự báo GDP của Việt Nam tăng trưởng 7% trong giai đoạn 2021-2025
Giai đoạn 2021-2025, GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 7% là nhận định được đưa ra bởi Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia tại hội thảo “Triển vọng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2025: Cơ hội và thách thức từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” diễn ra ngày 21/11, tại Hà Nội.
TS. Trần Thị Hồng Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nghiên cứu của Trung tâm cho thấy, việc tham gia ký kết và thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ tác động sâu, rộng tới nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025.
Hai hiệp định CPTPP và EVFTA đều có lĩnh vực cam kết tương đối rộng so với các hiệp định thương mại tự do khác, không chỉ nằm trong lĩnh vực trao đổi, xuất nhập khẩu mà còn liên quan đến cách thức sản xuất ra hàng hóa để trao đổi. Cả hai hiệp định nhìn chung đều có ảnh hưởng tích cực tới tăng trưởng, xuất khẩu, đặc biệt trong thị trường các nước nội khối.
EVFTA dự báo sẽ có tác động lớn hơn CPTPP do CPTPP đã có nhiều thành viên tham gia các hiệp định FTA khác với Việt Nam trước đó. Hai hiệp định EVFTA và CPTPP có thể giúp GDP Việt Nam tăng thêm lần lượt 4,3% và 1,3% vào năm 2030. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đến năm 2030 dự kiến tăng thêm khoảng 44,4%; xuất khẩu sang các nước trong CPTPP đến năm 2035 sẽ tăng 14,3%.
"Ngoài ra, các hiệp định này cũng có tác động tích cực tới thị trường lao động; trong đó, những ngành sử dụng lao động như dệt may, da giày là những ngành dự báo sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Ngoài ra, tác động tích cực từ các hiệp định này còn có thể đến từ việc tạo sức ép cải thiện thể chế và môi trường kinh doanh. Do đó, kỳ vọng tạo ra những tác động tích cực trong trung và dài hạn", bà Minh cho hay.
Trên cơ sở đó, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia đã xây dựng 2 kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025. Theo đó, với nhiều khả năng xảy ra hơn, tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ đạt khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021-2025. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát ở mức từ 3,5 - 4,5%/năm. Năng suất lao động được cải thiện hơn với tốc độ tăng trưởng khoảng 6,3%/năm.
Một kịch bản khác, nếu Việt Nam có thể tận dụng được công nghệ từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thu hút đầu tư có sự cải thiện chất lượng, phát triển tốt nền tảng kinh tế hiện tại, có kỳ vọng GDP tăng trưởng 7,5%/năm.
Theo ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban, Ban Dự báo Kinh tế ngành và doanh nghiệp thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, về tác động tới đầu tư, hai hiệp định này đều có cam kết cao hơn so với khuôn khổ WTO về mở cửa đầu tư, bảo hộ đầu tư, giải quyết tranh chấp.
Về mặt định tính, EVFTA và CPTPP có thể giúp tăng khối lượng đầu tư nhằm tăng xuất khẩu vào thị trường của các đối tác Việt Nam; tăng đầu tư vào các ngành thượng nguồn nhằm khai thác cam kết về tỷ lệ xuất xứ, giúp cải thiện chuỗi cung ứng của Việt Nam…
Ông Trần Toàn Thắng cũng nhận định thêm, Việt Nam có thể nhanh chóng cải thiện năng lực cạnh tranh ở quy mô thị trường, lao động. Nhưng những chỉ số cốt lõi như hạ tầng, sáng tạo, mức độ sẵn sàng về công nghệ lại là những điều đáng lo ngại và cần có thời gian.
Ông Thắng khuyến nghị, 3 vấn đề cốt lõi cần quan tâm trong thời gian tới là: nâng cao năng lực nội tại của nền kinh tế; đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy gia tăng các động lực tăng trưởng mới; tận dụng hiệu quả các cơ hội từ hội nhập quốc tế, từ xu thế phát triển khoa học công nghệ và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Do vậy, các ngành chức năng cần đẩy nhanh quá trình cải cách thể chế và cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của khu vực tư nhân. Đồng thời, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nâng cao năng suất lao động, tận dụng tối đa các lợi ích “bắt kịp” từ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển công nghiệp chế biến chế tạo theo chiều sâu...
Theo các báo cáo tại hội thảo, nhìn chung mô hình tăng trưởng của Việt Nam giai đoạn 2016-2020 vẫn chưa có sự thay đổi rõ nét. Tăng trưởng vẫn chủ yếu phụ thuộc vào vốn đầu tư, đóng góp của nhân tố vốn trong tăng trưởng vẫn chiếm tỷ lệ lớn; cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch quá nhanh sang khu vực dịch vụ trong khi nền tảng công nghiệp còn yếu...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận