Dự án điện khí 2 tỉ đô la tại Quảng Ninh: Không cho phép nhà đầu tư bán dự án
Cuối tháng 6 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định phê duyệt dự án đồng thời kêu gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước cho dự án điện khí LNG nhập khẩu lớn nhất tại miền Bắc trong vòng 6 năm tới.
Theo quyết định này, dự án có quy mô gồm một nhà máy điện khí sử dụng công nghệ tuabin khí chu trình hỗn hợp, công suất 1.500 MW và hệ thống sân phân phối 500 KV cùng hệ thống liên quan: cảng, kho LNG quy mô sản lượng thông qua cảng 2,4 triệu tấn LNG/năm…
Đây là dự án có tổng mức đầu tư 47.480 tỉ đồng (tương đương 1,998 tỉ đô la Mỹ), hoàn toàn là nguồn vốn ngoài ngân sách. Nhà đầu tư đấu thầu thực hiện dự án phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu thu xếp được là 7.122 tỉ đồng (khoảng 299,7 triệu đô la). Phần vốn huy động từ các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước, các cá nhân khác tối đa 40.358 tỉ đồng (1,698 tỉ đô la Mỹ).
Các nhà đầu tư (nếu đứng đầu liên danh) phải có tỷ lệ sở hữu vốn tối thiểu là 30% và từng thành viên còn lại phải sở hữu 15% trong liên danh.
Để thực hiện dự án, tỉnh Quảng Ninh yêu cầu nhà đầu tư “cam kết không mua bán, chuyển nhượng dự án dưới bất kỳ hình thức nào trong thời gian triển khai dự án đầu tư cho đến khi nhà máy đưa vào vận hành và phát điện thương mại (COD). Trường hợp vi phạm thì thu hồi dự án mà không bồi thường”.
Tỉnh cũng yêu cầu cam kết tiến độ đầu tư hoàn thành dự án và đưa vào hoạt động trong quí 2-2027. Nếu triển khai không đúng tiến độ sẽ bị thu hồi và không được bồi thường. Ngoài ra, nhà đầu tư được yêu cầu cam kết không yêu cầu bảo lãnh về hợp đồng mua bán điện, thu mua sản lượng điện sản xuất, cam kết tự thỏa thuận đàm phán hợp đồng mua bán điện (PPA) với Tập đoàn Điện lực (EVN)…
Năm 2020, Công ty cổ phần Tổng công ty Điện lực dầu khí (PV Power) và Công ty cổ phần Cơ khí và lắp máy (Colavi) đăng ký thực hiện dự án trên diện tích hơn 52 héc ta tại Cẩm Phả (Quảng Ninh) với giá điện dự kiến là 8,7 cent Mỹ/kWh cho cả vòng đời dự án (dựa trên giá khí đầu vào là 8,62 cent Mỹ/MMBTU) .
Khi góp ý cho dự án này, Bộ Tài chính đã yêu cầu tỉnh phải đánh giá đúng và lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định của Luật Đấu thấu. Theo đó, các dự án có tổng mức đầu tư sơ bộ lên đến 44.000 tỉ đồng và vốn đối ứng của chủ đầu tư chiếm khoảng 20% thì việc xem xét, đánh giá năng lực tài chính của nhà đầu tư cần tiến hành thận trọng, đảm bảo nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính và khả năng huy động vốn cho dự án.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng e ngại về khả năng huy động vốn cho dự án của PV Power vì doanh nghiệp này đang tham gia đầu tư nhiều dự án điện lớn. Còn Colavi, với vốn chủ sở hữu năm 2017 là 750 tỉ đồng, tổng tài sản cũng chỉ khoảng 1.754 tỉ, cần bổ sung báo cáo tài chính những năm tiếp theo để tăng khả năng tài chính nếu thực hiện dự án.
Từ những góp ý này, tỉnh Quảng Ninh quyết định đấu thầu quốc tế rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư cho dự án, thay vì chỉ định nhà đầu tư như trước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận