menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Mai Vân

Dòng vốn trăm tỷ ‘tiếp sức’ dự án điện mặt trời tại Hậu Giang của Halcom Việt Nam

Dòng vốn trăm tỷ đồng từ lô trái phiếu VKTH2032001 được kỳ vọng sẽ sớm đưa nhà máy điện mặt trời Hậu Giang kịp tiến độ (vào tháng 12/2020) sau gần nửa thập niên lỗi hẹn.   

2 lần đổi chủ, 2 lần lùi tiến độ của dự án nhà máy điện mặt trời Hậu Giang

Với số giờ nắng trong năm khá cao, Hậu Giang nắm trong tay nhiều lợi thế để phát triển năng lượng mặt trời. Tiêu biểu, không thể không nhắc đến dự án nhà máy điện mặt trời Hậu Giang (ấp 8, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) của CTCP điện mặt trời VKT - Hòa An.

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, nhà máy điện mặt trời Hậu Giang được cấp quyết định chủ trương đầu tư số 72/QĐ-UBND ngày 14/1/2016 của UBND tỉnh Hậu Giang, chủ đầu tư ban đầu là CTCP Đầu tư và Thương mại dầu khí Sông Hồng – một doanh nghiệp cũng hoạt động trong lĩnh vực điện mặt trời.

Được biết, dự án có tổng diện tích 40 ha, tổng công suất 29 MW. Tổng vốn đầu tư dự án là 1.131,5 tỷ đồng (trong đó vốn cố định là 1.130,8 tỷ, vốn lưu động là 700 triệu đồng). Tiến độ ban đầu, dự án dự kiến đưa vào hoạt động trong khoảng thời gian quý II/2016 – quý III/2017.

Đến ngày 28/8/2018, UBND tỉnh Hậu Giang có Quyết định số 1272/QĐ-UBND về việc điều chỉnh thông tin pháp nhân của nhà đầu tư dự án chuyển sang CTCP Vạn Khởi Thành (là CTCP Đầu tư và Thương mại dầu khí Sông Hồng đã đổi tên), các điều kiện khác không thay đổi.

Dòng vốn trăm tỷ ‘tiếp sức’ dự án điện mặt trời tại Hậu Giang của Halcom Việt Nam
Vị trí dự án nhà máy điện mặt trời Hậu Giang (Ảnh: Halcom Việt Nam)

Ngày 31/7/2019, dự án tiếp tục đổi pháp nhân chủ đầu tư sang CTCP Điện mặt trời VKT – Hòa An. Đồng thời, thời gian dự kiến hoạt động được giãn xuống ngày 1/10/2019.

Thời điểm này, VKT – Hòa An vẫn thuộc sở hữu của 3 pháp nhân là CTCP Vạn Khởi Thành (15%), Nguyễn Thanh Long (45%), Mai Văn Đông (45%).

Sau đó, HĐQT CTCP Halcom Việt Nam (HOSE: HID) vào tháng 9/2019 đã có Nghị quyết thông qua việc mua 80% vốn VKT – Hòa An, với tổng giá trị 111,2 tỷ đồng. HĐQT HID cử ông Nguyễn Việt Dũng (SN 1971) – Thành viên HĐQT HID, là Người đại diện quản lý vốn của HID tại VKT – Hòa An. Theo BCTC quý I/2020 (niên độ 1/4/2020 – 30/6/2020), phần vốn HID tại VKT – Hòa An có giá trị hơn 143 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 94% vốn VKT – Hòa An.

Trở lại với dự án nhà máy điện mặt trời Hậu Giang, UBND tỉnh Hậu Giang vào ngày 23/3/2020 đã ra Quyết định số 471/QĐ-UBND. Theo đó, tổng vốn đầu tư dự án có một chút thay đổi khi tăng 3,1% lên 1.167 tỷ đồng (vốn cố định 1.166,3 tỷ, vốn lưu động 700 triệu).

Một thông tin cho thấy, dự án nhiều khả năng tiếp tục được giãn tiến độ. Theo đó, website của Halcom Việt Nam cho biết, tiến độ dự án sẽ từ tháng 2/2020 đến tháng 12/2020.

Dòng vốn 200 tỷ ‘tiếp sức’ cho VKT Hòa An và Halcom Việt Nam

Trong bối cảnh chỉ còn 2 tháng nữa là đến “deadline”, VKT – Hòa An vào tháng 10/2020 đã phát hành thành công 200 tỷ đồng trái phiếu mã VKTH2032001, kỳ hạn 144 tháng kể từ ngày phát hành (tương đương 12 năm).

Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) và CTCP Chứng khoán MB đóng vai trò là bên thu xếp cho đợt phát hành trái phiếu của VKT – Hòa An.

Lô trái phiếu được kỳ vọng sẽ “tiếp sức” giúp Hòa An hoàn thành dự án đúng tiến độ đề ra, qua đó có thể hưởng ưu đãi giá mua điện mặt trời (theo Quyết định số 13).

Thực tế, BCTC quý I/2020 (niên độ 1/4/2020 – 30/6/2020) của Hòa An phần nào đã thể hiện những chuyển động nhất định tại dự án. Cụ thể, tính đến ngày 30/6/2020, CTCP Halcom Việt Nam (HOSE: HID) đã ghi nhận 109,2 tỷ đồng tài sản dở dang dài hạn, tăng gần 75% so với thời điểm đầu niên độ tài chính.

HID không phải cái tên xa lạ với giới đầu tư chứng khoán. Tiền thân của HID là công ty TNHH Nước và Môi trường Đường Thành (W&E Ltd) được thành lập ngày 2/7/2001. Thời điểm đó, công ty hoạt động trong lĩnh vực chính là tư vấn cấp thoát nước và môi trường – xã hội. Tháng 7/2007, công ty chuyển đổi mô hình hoạt động từ TNHH sang CTCP và đến năm 2009 mở rộng thêm lĩnh vực nước sạch, thông qua đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch tại thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Ai sở hữu Halcom Việt Nam?

Tính đến ngày 31/3/2020, vốn chủ sở hữu HID đạt hơn 587,6 tỷ đồng. Trong đó, ông Nguyễn Quang Huân (SN 1964) – Chủ tịch HĐQT Halcom Việt Nam, là cổ đông lớn nhất khi sở hữu 34,69% vốn HID.

Quá trình công tác của ông Nguyễn Quang Huân:

1/1988 – 6/1988: Kỹ sư cơ khí - Nhà máy cơ khí Việt Đức, Hải Phòng, Việt Nam

7/1988 – 4/2000: Điều phối viên, trưởng nhóm thiết kế một số dự án cấp nước/Kỹ sư cơ khí - công ty Cấp nước Hải Phòng

4/2000 – 6/2001: Chuyên gia tư vấn - CTCP Nước và Môi trường Việt Nam (VIWASE)

7/2001 – 7/2004: Phó Giám đốc công ty TNHH Nước và Môi trường Đường Thành (W&E Ltd.)

8/2004 – 6/2007: Giám đốc công ty TNHH Phát triển Hạ tầng Thăng Long (Infra-TL), đổi tên từ W&E Ltd

7/2007 – 5/2013: Tổng Giám đốc CTCP Phát triển Hạ tầng Thăng Long

6/2013 – 9/2013: Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc - CTCP Phát triển Hạ tầng Thăng Long (Infra-ThangLong)

Từ 10/2013 đến nay: Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư và Tư vấn Hà Long, đổi tên từ công ty Infra – Thăng Long (nay là CTCP Halcom Việt Nam).

Tháng 10/2017, công ty chính thức khởi công xây dựng nhà máy Phong Điện Phương Mai 3 (Quy Nhơn, Bình Định), tổng vốn triển khai 1.000 tỷ, tổng công suất 21 MW (dự kiến hòa lưới điện quốc gia vào tháng 1/2020 và vận hành thương mại vào tháng 3/2020). Đây cũng là cột mộc đánh dấu việc HID bén duyên với lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Cũng từ thời điểm này, dòng tiền tại HID có sự sôi động.

Theo đó, BCTC 2018 (niên độ 1/4/2018 – 31/3/2019) cho thấy, tổng tài sản tới cuối năm tài chính đạt 769 tỷ, tương đương tăng gần 89,3% so với số đầu kỳ, chủ yếu đến từ việc HID tăng vốn góp chủ sở hữu từ 325,5 tỷ lên 570,5 tỷ (tương đương tăng 245 tỷ đồng).

Tiếp đó, trong niên độ từ 1/4/2019 – 31/3/2020 (tức BCTC 2019), tổng tài sản HID tiếp tục tăng trưởng gần 110% lên 1.613 tỷ, với đóng góp chủ đạo từ nợ phải trả (869 tỷ, tăng 447%). Cụ thể, nợ ngắn hạn 303 tỷ, tăng gấp 6 lần so với số cuối kỳ BCTC; nợ dài hạn 566 tỷ, tăng gấp khoảng 5 lần.

Bóc tách số liệu, có thể thấy chiếm chủ yếu nợ ngắn hạn là phải trả người bán ngắn hạn gồm: Siemens Gamesa Renewable Energy A/S (The SGRE BU) – 63,8 tỷ; CTCP Cơ khí và Công nghiệp Áng Dương 21,4 tỷ; chi phí phải trả ngắn hạn cho việc vận chuyển lắp đặt 6 tuabin cho nhà thầu SGRE RU 91,1 tỷ;...

Còn với nợ dài hạn, chiếm chủ yếu là khoản vay Landesbank Baden – Wurttemberg Am Hauptbahnhof 2 D-70173 Stuttgart có giá trị gần 362,2 tỷ, với mục đích phục vụ dự án Nhà máy điện gió Phương Mai 3. Được biết, khoản vay này có thời hạn 13 năm, lãi suất thả nổi EURIBOR 6 tháng + 0,75%/năm.

Khoản vay dài hạn còn lại là với BIDV - CN Cầu Giấy (vay gần 239,7 tỷ đồng), với mục đích dùng để thanh toán các chi phí đầu tư thực hiện dự án nhà máy điện gió Phương Mai 3. Thời hạn các khoản vay này là 14 năm. Theo văn bản sửa đổi, bổ sung hợp đồng tín dụng ngày 31/3/2020, khoản vay giới hạn tín dụng tối đa là hơn 343,3 tỷ đồng.

Dù tổng tài sản tăng trưởng xấp xỉ khoảng 1.200 tỷ đồng trong 2 năm tài chính, nhưng kết quả kinh doanh của HID lại cho thấy diễn biến tiêu cực. Từ năm 2016 trở đi, lãi sau thuế HID liên tục suy giảm. Đáng chú ý, HID trong năm 2019 đã lỗ sau thuế 20,1 tỷ đồng. Đây cũng là lần đầu tiên doanh nghiệp này báo lỗ kể từ khi niêm yết lên HOSE.

Dòng vốn trăm tỷ ‘tiếp sức’ dự án điện mặt trời tại Hậu Giang của Halcom Việt Nam
(Ảnh: Tả Phù/Nhadautu.vn)

Cùng với đó, cổ phiếu HID cũng có chiều hướng giao dịch đồng pha với KQKD của doanh nghiệp. HID chào sàn lần đầu lên HOSE vào ngày 11/7/2016, với mức giá tham chiếu 11.000 đồng/cổ phiếu. Chỉ 5 tháng sau, HID đã đạt đỉnh 27.290 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch 22/12/2016. Dù vậy, cũng từ đây, cổ phiếu HID liên tục suy giảm. Tính đến phiên ngày 15/10/2020, thị giá HID là 2.630 đồng/cổ phiếu, tương đương giảm 0,75% so với mức giá tham chiếu và giảm 90,3% so với mức đỉnh.

Trong bối cảnh kết quả kinh doanh chưa ổn định, giới đầu tư không khỏi có những băn khoăn với tham vọng của HID trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Bởi, ngoài nhà máy phong điện Phương Mai 3 và nhà máy điện mặt trời Hậu Giang, HID còn có tham vọng thực hiện dự án nhà máy điện mặt trời Phương Mai 3 (Bình Định) từ tháng 10/2020 đến tháng 6/2021 (quy mô 123 ha, công suất 130 MW, tổng vốn đầu tư 100 triệu USD).

Quy mô dự án lớn, tổng vốn đầu tư cao, hiệu quả kinh doanh từ mảng năng lượng tái tạo chưa rõ ràng, đây sẽ là bài toán thách thức không nhỏ với ông Nguyễn Quang Huân cùng các cộng sự.

Ở một diễn biến liên quan, HĐQT HID ngày 4/9/2020 đã có Nghị quyết thông qua việc chuyển nhượng cổ phần VKT – Hòa An để giảm tỷ lệ sở hữu. Theo đó, số lượng cổ phần chuyển nhượng là tối đa 9,9 triệu cổ phần, giá trị chuyển nhượng theo thỏa thuận, thời gian thực hiện dự kiến trong tháng 9/2020.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Mã liên quan
Giá
Biểu đồ

3.16

+0.09 (+2.93%)

Biểu đồ mã HID
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại