Dòng vốn rẻ cần thời gian thẩm thấu
Trong nước, lãi suất điều hành giảm, nhưng chính sách tiền tệ trên thế giới nhìn chung vẫn đang thắt chặt. Do vậy, trong ngắn hạn, thị trường không dễ đón dòng vốn rẻ như mong đợi.
Đỉnh lãi suất có thể đã qua
Đúng như thị trường dự báo, ngày 22/3/2023, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất thêm 0,25%, lên 4,75 - 5%/năm, mức cao nhất kể từ tháng 9/2007. Fed tăng lãi suất trong bối cảnh cố gắng cân bằng hai vấn đề, nguy cơ lạm phát tăng vọt và sự hỗn loạn trong hệ thống ngân hàng, đặc biệt sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank.
Thị trường đang lưỡng lự giữa kịch bản Fed ngừng tăng lãi suất điều hành hay lãi suất tăng thêm 0,25% trong cuộc họp tháng 5/2023. Điều này sẽ phụ thuộc vào số liệu lạm phát của Mỹ trong những tháng tới. Đồng thời, thị trường cũng đang kỳ vọng, Fed có thể bắt đầu giảm lãi suất điều hành trong 6 tháng cuối năm 2023, sớm hơn so với dự báo trước đó là vào quý I/2024.
Trong nước, lần đầu tiên sau gần 2 năm, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm một số loại lãi suất điều hành với mức 0,5 - 1%, kể từ ngày 15/3/2023. Hạ lãi suất, ngoài những tác động tích cực đã được nhiều bên phân tích, còn thể hiện sự đảo chiều chính sách, cũng như sự tự tin của cơ quan quản lý trong việc kiểm soát các biến số vĩ mô quan trọng, nhất là lạm phát, khi mà quyết định này được đưa ra trong bối cảnh Fed nhiều khả năng tiếp tục tăng lãi suất.
Câu hỏi đặt ra là dư địa để tiếp tục hạ lãi suất ra sao? Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chi nhánh TP.HCM, Công ty Chứng khoán DSC cho rằng, dư địa hạ lãi suất điều hành không còn nhiều, vì mức giảm 1% tương ứng với những biến động trên thị trường trái phiếu chính phủ, đồng thời cũng không thể quá chênh lệch so với lãi suất vẫn đang tăng ở nhiều quốc gia. Dư địa giảm có mở rộng được hay không cần phải chờ xem tình hình trên thế giới cũng như trong nước thời gian tới. Nhưng dù có quan điểm như thế nào thì cũng không thể phủ nhận thông tin hạ lãi suất là tích cực.
“Lãi suất huy động đã hạ nhiệt đáng kể từ sau Tết Nguyên đán, tuy nhiên, mặt bằng lãi suất cho vay chưa thực sự giảm. Điều này cũng rất dễ hiểu, bởi lẽ có độ trễ nhất định từ việc giảm lãi suất huy động đến giảm lãi suất cho vay. Độ trễ này có thể kéo dài vài tháng và từ khoảng cuối quý II/2023 trở đi, lãi suất cho vay sẽ giảm theo đà giảm của lãi suất huy động một cách rõ ràng hơn”, ông Huy nói.
Mặt bằng lãi suất tiền gửi có xu hướng giảm, kênh đầu tư chứng khoán có thể kỳ vọng đón nhận dòng vốn từ kênh tiết kiệm ngân hàng.
Không ít ý kiến khác nhìn nhận, đỉnh lãi suất trong nước có thể đã qua khi Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành. Nhưng trên thực tế, lãi suất huy động cũng như cho vay được các ngân hàng điều chỉnh nhỏ giọt. Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất chung trên thế giới vẫn cao, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thì dù đỉnh lãi suất trong nước đã qua thì việc thắt chặt tiền tệ trên thế giới cũng sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn ngoại. Nghĩa là, chính sách trong nước nới lỏng hơn, nhưng áp lực từ quốc tế vẫn có tác động không nhỏ.
Do đó, thị trường chứng khoán cần có thời gian mới có thể đón dòng vốn rẻ như kỳ vọng. Kỷ nguyên tiền rẻ chỉ quay trở lại khi có sự đồng thuận từ đa số ngân hàng trung ương, chứ không chỉ một vài ngân hàng.
Mặc dù vậy, các nhà đầu tư đang kỳ vọng, chính sách tiền tệ “nhẹ nhàng” hơn sẽ dần kích thích dòng vốn quay trở lại, giúp thị trường chứng khoán tăng thanh khoản cũng như điểm số.
Một số nhóm ngành hưởng lợi
Trên thị trường chứng khoán, nhóm ngành chứng khoán và bất động sản thường có phản ứng nhanh nhạy với thông tin hạ lãi suất, dựa trên kỳ vọng thị trường sẽ dần sôi động trở lại.
Trong đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán đồng loạt tăng giá mạnh ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất, nhưng cũng như nhiều nhóm ngành khác, dòng tiền không “neo” lại lâu.
Với ngành bất động sản, lãi suất ảnh hưởng đến cả đầu vào (lãi suất vay thực hiện dự án) và lãi suất đầu ra (lãi suất cho vay mua nhà), nên việc giảm lãi suất có thể giúp quá trình tạo đáy của ngành này diễn ra nhanh hơn.
Theo ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco), lãi suất điều hành giảm kỳ vọng thúc đẩy các ngân hàng thương mại chủ động giảm lãi suất huy động, từ đó hạ lãi suất cho vay, qua đó giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, hộ gia đình, thúc đẩy các hoạt động sản xuất - kinh doanh. Động thái giảm lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn của 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối đã phần nào thể hiện xu hướng giảm lãi suất
Với nhiều nhóm ngành khác, lãi suất giảm giúp chi phí lãi vay giảm, qua đó cải thiện chỉ tiêu lợi nhuận, dù chi phí tài chính vẫn là gánh nặng của các doanh nghiệp.
Agriseco ước tính, ngành xây dựng có lợi lớn nhất khi lãi suất giảm 1%, có thể giúp lợi nhuận trước thuế toàn ngành tăng khoảng 14%, trong điều kiện các nhân tố khác không đổi. Một số ngành dự kiến có mức độ tăng trưởng lợi nhuận tốt khi lãi suất giảm là sản xuất và phân phối điện, bán lẻ, vật liệu xây dựng, bất động sản.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhận định, động thái hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước có tác động tích cực đối với thị trường chứng khoán, nhưng mức độ không lớn trong ngắn hạn, cần có thời gian để hiệu ứng tích cực lan tỏa tới các ngành nghề và hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Hơn nữa, lãi suất giảm mới chỉ là điều kiện cần, trong khi điều kiện đủ để dòng vốn nội quay trở lại thị trường chứng khoán rõ nét trong thời gian tới thứ nhất là điểm nghẽn về dòng vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản được giải quyết cơ bản, thứ hai là triển vọng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết cải thiện.
“Trong bối cảnh thị trường vẫn còn những rủi ro liên quan tới lộ trình tăng lãi suất của Fed, cũng như bài kiểm tra năng lực về đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong những quý tới, đây là những điều nhà đầu tư cần quan sát thêm trước khi đưa ra quyết định đầu tư”, ông Hinh nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận