Dòng vốn ngoại sẽ trở lại trong 12 - 18 tháng tới
Tại Livestream Radar Đầu tư với chủ đề “Đọc vị” toàn cảnh thị trường 6 tháng cuối năm, các chuyên gia nhận định, dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) sẽ quay lại trong 12 - 18 tháng.
Các chuyên gia cho rằng, dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) thường chậm hơn so với vốn đầu tư trực tiếp (FDI) khoảng 2 năm. Điều này có nghĩa, khi FDI giải ngân mạnh thì sau thời gian khoảng 2 năm dòng tiền FII sẽ đi sau, nhưng vẫn có tính chu kỳ. Hiện tại, vốn FDI đang tăng trưởng đều từ đầu năm và vẫn duy trì tích cực trong 3 năm gần đây.
Livestream Radar Đầu tư với chủ đề “Đọc vị” toàn cảnh thị trường 6 tháng cuối năm. Ảnh: Gia Linh
Nhìn lại những năm gần đây, xu hướng bán ròng FII của nhà đầu tư nước ngoài luôn mang tính chất thời điểm. Trong các năm 2017, 2018 và 2019, khối ngoại đã mua ròng đáng kể, với lũy kế khoảng 70.000 - 80.000 tỷ đồng. Sau đó, khối này đã có động thái bán ròng vào năm 2020 khi dịch COVID-19 xảy ra. So với thời điểm hiện tại, lượng bán ròng đang có nét tương đồng.
Theo ông Cao Minh Hoàng - Giám đốc Khách hàng cao cấp Hà Nội, Công ty cổ phần Chứng khoán DNSE, ở thời điểm hiện tại nội lực thị trường đã khác. Cụ thể, nền kinh tế vững chắc, tăng trưởng tốt, các chỉ số vĩ mô như GDP, tăng trưởng tín dụng khởi sắc. Cùng với đó, nền thanh khoản của thị trường chứng khoán đại diện là VN-Index đã cao hơn nhiều so với cách đây khoảng 2 - 3 năm.
Bên cạnh đó, nhiều công ty nghiên cứu thuật toán tham gia của các nhà đầu tư đánh giá rằng, những năm gần đây các nhà đầu tư nội đang thể hiện độ dày kiến thức, kỷ luật và trưởng thành hơn. Theo đó, việc khối ngoại bán ròng không ảnh hưởng quá lớn, bởi các nhà đầu tư nội mới là động lực chính trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Còn theo ông Trần Ngọc Báu - Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành WiGroup cho rằng, thời gian qua dòng vốn đã có sự dịch chuyển về các quốc gia phát triển, điển hình là Mỹ. Điều này đến từ yếu tố tỷ giá, nhà đầu tư nước ngoài sẽ không nắm giữ nhiều tài sản theo VND nếu VND sẽ giảm giá đáng kể 5 - 7% so với USD, do đó việc bán tháo là bình thường. Đây cũng là diễn biến chung tại các thị trường khác như Nhật Bản hay các nền kinh tế tương tự như Việt Nam.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang được định giá rẻ, ảnh hưởng từ việc nhóm ngân hàng chỉ có P/E khoảng 7 - 8 lần, trong khi đây là nhóm vốn hóa lớn. Nếu không tính đến nhóm ngân hàng, P/E của thị trường có thể cao hơn.
“Đối với nhóm doanh nghiệp phi ngân hàng thuộc rổ VN30, tiềm năng tăng trưởng 2 - 5 năm tới vẫn chưa rõ ràng. Như vậy, khối ngoại có thể theo đó nhìn vào động lực tăng trưởng lợi nhuận của thị trường trong tương lai để đánh giá”, ông Báu nhận định.
Theo ông Báu, khoảng 6 - 9 tháng tới, những yếu tố bất lợi sẽ được cải thiện, lãi suất tại Mỹ có thể giảm, tỷ giá VND sẽ tăng. Bên cạnh đó, lợi nhuận toàn thị trường đang ghi nhận tăng trưởng khoảng 17 - 18%, kéo theo việc định giá có thể sẽ hấp dẫn hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận