Dòng vốn FDI sẽ trở thành "đòn bẩy" cho nền kinh tế Việt Nam 2022
Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC nhận định kinh tế Việt Nam có thể lấy lại nhịp tăng trưởng GDP ở mức 6,8% trong năm 2022 chủ yếu nhờ đầu tư FDI mạnh mẽ trở lại.
"Năm 2021 khép lại là lúc để chúng ta hít một hơi thật sâu và tin rằng tình huống tệ nhất đã nằm lại sau lưng chúng ta, Việt Nam sẽ lấy lại đà tăng trưởng kinh tế vượt bậc của năm 2019", Ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam bày tỏ trong bài chia sẻ trước thềm năm mới 2022.
Nhìn lại năm qua, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam đánh giá Việt Nam đã có một khởi đầu tốt đẹp đúng như kỳ vọng trong Quý I/2021 khi kinh tế tăng trưởng tích cực nhờ xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là mặt hàng công nghệ. Tuy nhiên, chúng ta đã không lường trước được tác động khó lường của biến chủng Delta – nguyên nhân khiến nhiều tỉnh thành trên cả nước phải áp dụng các biện pháp giãn cách với nhiều mức độ khác nhau và kết quả là nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tới mức các chỉ số GDP của Quý III ghi nhận mức thấp kỷ lục, mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam bắt đầu công bố số liệu GDP.
"Khi nhìn về 2022 và năm Nhâm Dần sắp tới, chúng ta đều hy vọng rằng với độ phủ vắc-xin nhanh chóng và rộng rãi khắp cả nước, chúng ta có thể sẵn sàng để cơn khủng hoảng mang tên Covid ở lại phía sau và viết tiếp câu chuyện tăng trưởng kinh tế tươi sáng của Việt Nam. Có ai ngờ, giờ đây chúng ta lại đối diện với một biến chủng mới là Omicron – “thủ phạm” khiến các chuyên gia dự báo tình hình trong tương lai thực sự đau đầu. Trong khi chúng ta chưa thực sự hiểu rõ về khả năng lây lan và gây bệnh của Omicron, nhiều quốc gia đã sớm áp dụng trở lại các biện pháp kiểm soát biên giới với nhiều mức độ khác nhau và nền kinh tế có khả năng sẽ phải gánh chịu hậu quả".
Tuy vậy, với góc nhìn của người có xu hướng lạc quan trong mọi tình huống và với Việt Nam, ông Tim Evans cho biết "vẫn luôn có một niềm tin tích cực vào cơ hội và triển vọng tăng trưởng" và đây phần nào cũng là lý do thôi thúc ông chuyển đến Việt Nam.
Ông bày tỏ sự tin tưởng vào "năng lượng nhiệt huyết, tinh thần kiên cường cùng đam mê và khát khao của người Việt Nam để hướng tới một tương lai luôn tốt đẹp hơn ngày hôm qua".
Tài chính "xanh" và câu chuyện số hóa ngành ngân hàng
CEO HSBC Việt Nam phân tích: "Năm 2021 là năm chứng kiến những bước tiến tích cực trên thị trường tài chính xanh của Việt Nam với nhiều giao dịch lớn liên quan đến bền vững. Tuy nhiên, thị trường này mới đang ở giai đoạn non trẻ và còn nhiều tiềm năng để phát triển".
Đặc biệt, Việt Nam tiếp nhận giá trị đầu tư vào năng lượng tái tạo cao nhất ở khu vực ASEAN và có tiềm năng nhất về khả năng phát triển năng lượng tái tạo trong khu vực đi kèm với tăng trưởng nhờ đầu tư nước ngoài.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã năng động phát triển nhiều sáng kiến hỗ trợ phát triển tài chính xanh. Tháng 10 vừa qua, NHNN đã triển khai lấy ý kiến của các tổ chức tài chính góp ý vào Dự thảo Thông tư Hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
NHNN cũng khuyến khích tổ chức tín dụng xây dựng chiến lược tài chính xanh độc lập hoặc lồng ghép vào kế hoạch phát triển hàng năm của mình. Đây là một động thái quan trọng nhằm thúc đẩy nỗ lực phát triển tài chính xanh của Việt Nam.
Đại diện HSBC nêu rõ: "Thị trường còn cần vượt qua một số trở ngại khác trong vài năm tới, trong đó bao gồm thiếu nhân sự có chuyên môn và kỹ năng, thị trường chưa có tiêu chuẩn thống nhất về tài chính “xanh” và phân loại đúng nghĩa, các đơn vị có tầm ảnh hưởng trên thị trường không thể hiện cam kết rõ ràng và mạnh mẽ, độ “vênh” về thời hạn giữa nhu cầu tài chính với nguồn vốn và dữ liệu ESG minh bạch không có".
Ông cũng đề xuất một số giải pháp, điển hình là: "Đối với thị trường tín dụng, NHNN có thể ban hành yêu cầu cụ thể cho từng công cụ tín dụng để ngân hàng phát triển khung tài chính xanh tốt hơn và ngân hàng chủ động lên kế hoạch. Cần phải có một khung pháp lý rõ ràng cho các công cụ thị trường vốn,..." nhằm giải quyết những vấn đề khó khăn nêu trên.
Bên cạnh đó, 2021 còn được coi là năm "chuyển mình" quan trọng về lĩnh vực số hóa ngân hàng.
Cụ thể, HSBC nhận định Việt Nam có một nền dân số trẻ, yêu thích công nghệ. Điều này thúc đẩy nhu cầu về giải pháp công nghệ tài chính sẵn sàng nở rộ trong điều kiện cơ sở hạ tầng số phát triển tốt như mạng 3G/4G phủ gần như toàn quốc và số người sử dụng điện thoại di động cao.
Năm 2021, McKinsey thực hiện Khảo sát Dịch vụ Tài chính Cá nhân của về hành vi sử dụng ngân hàng số của khoảng 20.000 khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng ở thành thị tại 15 thị trường châu Á-Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam. Kết quả cho thấy tỷ lệ khách hàng Việt Nam dùng các công cụ ngân hàng số ít nhất một lần trong tháng đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 2017 - 2021, từ 41% lên 82%. Bên cạnh đó, theo Ernst & Young, 42% ngân hàng Việt Nam sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi số, 28% đã triển khai chiến lược số hóa trong hoạt động kinh doanh.
Chính phủ cũng rất chủ động hỗ trợ số hóa ngành ngân hàng. Trong tháng 5, NHNN ban hành Quyết định 810/QĐ-NHNN phê duyệt Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, hướng dẫn ngành ngân hàng thực hiện chuyển đổi số như một nhiệm vụ trọng tâm.
Đầu tư FDI sẽ "dẫn đường" cho nền kinh tế năm 2022
Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC nhận định kinh tế Việt Nam có thể lấy lại nhịp tăng trưởng GDP ở mức 6,8% trong năm 2022 chủ yếu nhờ đầu tư FDI mạnh mẽ trở lại tập trung nhiều vào lĩnh vực sản xuất từ đó thúc đẩy xuất khẩu cho Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh các Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam ký trong vòng hai năm qua bắt đầu mang lại trái ngọt.
Dẫn chứng cho vai trò của FDI đối với nền kinh tế trong năm 2021 đầy sóng gió, HSBC chỉ ra rằng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn được duy trì mạnh mẽ và chỉ tới đợt giãn cách nghiêm ngặt trong năm 2021 mới bị ảnh hưởng nhẹ. Cụ thể, tổng vốn FDI đăng ký từ 1/1 tới 20/11 tăng 0,1% với 1.577 dự án được cấp phép mới còn tổng vốn thực hiện giảm 4,2%. Tổng kim ngạch xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm tăng 17,5% giúp thặng dư thương mại có xuất siêu nhẹ.
CEO HSBC Việt Nam cho biết: "Việt Nam là quốc gia đón nhận lượng FDI lớn nhất ở ASEAN xét trên tỉ trọng với GDP. Các tập đoàn toàn cầu ngày càng chú trọng đến ESG và bền vững, họ sẽ đòi hòi một nguồn lực bền vững tốt hơn cả về chất lẫn lượng ở các quốc gia họ có hoạt động".
Thêm vào đó, các cơ sở hạ tầng mới đưa vào sử dụng cũng sẽ tiếp tục “tiếp thêm nhiên liệu” cho các hoạt động kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực tái tạo/năng lượng xanh sau khi chính phủ Việt Nam đã ra những tham vọng lớn sau Hội nghị COP26, cụ thể mục tiêu hướng đến của Việt Nam là tới năm 2045, năng lượng tái tạo sẽ chiếm tới 75% tổng năng lượng sản xuất trong nước.
Quan điểm hiện tại của HSBC thể hiện rằng: "Nhu cầu trong nước phục hồi từng bước có thể bù đắp cho giá năng lượng cao, vì vậy, chúng tôi đánh giá lạm phát có thể tăng lên 3,5% trong năm 2022 và vẫn nằm trong ngưỡng cho phép của Chính phủ."
Đối diện với yếu tố dịch bệnh, phía Tập đoàn tài chính đa quốc gia này nhấn mạnh: "Bất kỳ đợt bùng dịch nào cũng cần được kiểm soát bằng giải pháp hạn chế hoặc giãn cách khoanh vùng thay vì áp dụng trên diện rộng như nhiều nước đã triển khai trong năm 2021 và để lại hậu quả tiêu cực cho nền kinh tế".
"Đồng nghiệp tại HSBC nói với tôi rằng chúng ta sắp sửa đón năm Nhâm Dần và có thể yên tâm phần nào vì linh vật năm sau là loài hổ vốn tự tin, bản lĩnh, dũng cảm và mạnh mẽ. Tất cả những phẩm chất này sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi thách thức trong năm 2022 và trở lại lộ trình phục hồi thực sự", ông Tim Evans chia sẻ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận