Đồng USD mất giá 4 tháng liên tiếp
“Fed không còn ngồi ở ghế lái nữa. Và bạn đang chứng kiến điều đó phản ánh trên thị trường hối đoái”, một chiến lược gia nói.
Theo dữ liệu từ trang MarketWatch, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác đã giảm hơn 1% trong tháng 1 này, đánh dấu tháng giảm thứ tư liên tiếp. Hiện tại, Dollar Index đang ở vùng thấp nhất kể từ tháng 5 năm ngoái.
“Fed không còn ngồi ở ghế lái nữa. Và bạn đang chứng kiến điều đó phản ánh trên thị trường hối đoái”, chiến lược gia cấp cao Mazen Issa của TD Securities nhận định với tờ Financial Times. Ngay khi phát tín hiệu sẽ chấm dứt chuỗi đợt tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm vào tháng 12, “Fed về cơ bản đã nhường vị trí dẫn dắt chính sách tiền tệ cho các ngân hàng trung ương khác”.
Và các ngân hàng trung ương khác đã “tiếp quản” vị trí mà Fed nhường lại, nhất là Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ). ECB được dự báo sẽ duy trì việc tăng lãi suất với bước nhảy lớn trong khi Fed giảm tốc. Đối với BOJ, việc tăng lãi suất có thể không đến sớm, nhưng việc BOJ tháng 12 vừa qua nới lỏng chính sách kiểm soát đường cong lợi suất đã làm dấy lên đồn đoán rằng kỷ nguyên chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo của Nhật Bản sắp đến hồi kết.
Triển vọng chính sách tiền tệ của ECB và BOJ cứng rắn hơn so với của Fed đã củng cố sức mạnh của đồng Euro và đồng Yên, đưa tỷ giá hai đồng tiền này lên mức cao nhất kể từ mùa xuân năm ngoái. Các quyết định chính sách tiền tệ của Fed, ECB và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) trong tuần này có thể cung cấp thêm bằng chứng về việc Fed sẽ tiếp tục rút lui khỏi vị thế dẫn dắt chính sách thắt chặt trong năm nay hay không.
“2022 là một năm mà mọi thứ đều ủng hộ sự tăng giá của đồng USD, từ việc Fed dẫn đầu việc tăng lãi suất, xung đột ở Ukraine, cho tới chính sách Zero Covid của Trung Quốc. Và tất cả những yếu tố này đều đảo chiều cùng một lúc”, chiến lược gia trưởng Alan Ruskin của Deutsche Bank nhận xét.
“Câu chuyện về tỷ lệ trao đổi đã chuyển biến theo hướng có lợi cho châu Âu, Anh và Nhật Bản, những quốc gia nhập khẩu hàng hoá cơ bản. Các nền kinh tế này đang có triển vọng tốt hơn nhiều so với trước”, chiến lược gia trưởng về hối đoái toàn cầu của Credit Suisse, ông Shahab Jalinoos, nhận định.
Vai trò trung tâm của USD trong tài chính toàn cầu đồng nghĩa với việc tỷ giá đồng tiền này tăng trong năm ngoái đã gây sức ép lên các nền kinh tế trên khắp thế giới, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển vốn thường phải dùng USD để nhập khẩu hàng hoá và trả nợ. Việc tỷ giá USD đảo chiều trong mấy tháng qua thực sự là tin tốt đối với các nền kinh tế này, thể hiện một phần qua việc rổ tiền tệ MSCI của các nền kinh tế đang phát triển đã tăng 2,4% từ đầu năm tới nay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận